Sáng 10/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị giao ban “Năm cao điểm tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo” và tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, đợt 1 năm 2024.
Toàn cảnh hội nghị.
Thực hiện “Năm cao điểm tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo”, đến nay đã có 27/27 huyện, thị xã, thành phố triển khai tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo và đã tiêm được 238.070 con, đạt 75,24% diện tiêm. Bên cạnh một số huyện có tỷ lệ tiêm cao như: Triệu Sơn, Quảng Xương, Nga Sơn… thì tại các huyện Cẩm Thủy, Hoằng Hóa… tỷ lệ tiêm còn thấp.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Viết Chọn phát biểu tại hội nghị.
Đối với công tác tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm đợt 1/2024, đến nay đã triển khai thực hiện được 40 ngày. Tuy nhiên, theo đánh giá, tiến độ tiêm phòng năm nay chậm, tỷ lệ tiêm trên đàn gia súc, gia cầm còn thấp, hầu hết các huyện chưa đạt kế hoạch đề ra, nhất là đối với các loại vắc xin cúm gia cầm, tụ dấu lợn… Một số huyện có tỷ lệ tiêm thấp như: Hà Trung, Như Thanh, Đông Sơn…
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y báo cáo tình hình triển khai tiêm phòng vắc xin đợt 1 năm 2024 trên đàn vật nuôi.
Các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc chưa tổ chức tiêm phòng một số loại vắc xin… Đối với các huyện miền núi, hiện đang chờ vắc xin hỗ trợ, các huyện nhận vắc xin cúm gia cầm đã tổ chức tiêm phòng.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Triệu Sơn phát biểu tại hội nghị.
Để thực hiện “Năm cao điểm tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo” và công tác tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đợt 1 năm 2024 đạt kết quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương cần thống kê chính xác tổng đàn chó, mèo, gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, triển khai những ngày cao điểm về tiêm phòng vắc xin dại để tiêm triệt để, dứt điểm, nhất là khi chuyển sang mùa nắng nóng; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng bệnh…
Đại diện huyện Nông Cống chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác tiêm phòng vắc xin trên đàn vật nuôi.
Đồng thời, thực hiện tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm theo phương pháp cuốn chiếu để đánh giá được kết quả, rút kinh nghiệm; đối với các loại vắc xin cho đàn lợn, viêm da nổi cục trâu, bò… cần căn cứ thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch, bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát, kịp thời phát hiện yếu kém để khắc phục, nhất là tại các địa phương có tiến độ tiêm còn thấp.
Lê Ngọc