Qua 94 năm xây dựng và phát triển, công tác dân vận luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Công tác dân vận trong mỗi giai đoạn có nội dung, phương thức khác nhau nhưng đều nhằm tập hợp, vận động, phát huy sức mạnh của các tầng lớp Nhân dân vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, đất nước và mỗi địa phương.
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy và lãnh đạo thị xã Nghi Sơn tặng quà thân nhân liệt sĩ ở tổ dân phố Thanh Đông, phường Bình Minh. Ảnh: Phan Nga
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất đã thông qua Luận cương Chính trị, Điều lệ Đảng và Án nghị quyết về Công nhân vận động, Nông dân vận động, Cộng sản Thanh niên vận động, Quân đội vận động và Hội Phản đế vận động. Đây là những tổ chức tiền thân, đặt nền móng toàn diện và hoàn chỉnh cho công tác dân vận của Đảng và hệ thống chính trị sau này.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự Thật số ra ngày 15/10/1949. Nội dung bài báo được coi là “Cương lĩnh công tác dân vận” của Đảng. Chính vì vậy, vào tháng 10/1999, trên cơ sở đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15/10 hằng năm là “Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng”.
Trong quá trình phát triển, Đảng bộ và chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa luôn xác định công tác vận động quần chúng có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và sự cần thiết có một cơ quan tham mưu về công tác vận động quần chúng. Ngày 26/6/1973, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU thành lập Ban Dân vận Tỉnh ủy. Sự ra đời của Ban Dân vận có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác vận động quần chúng của Đảng bộ tỉnh, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn.
Thấm nhuần quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, trong suốt chặng đường 51 năm xây dựng và trưởng thành, ngành dân vận tỉnh Thanh Hóa không ngừng nỗ lực kế thừa, phát huy, áp dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện thực tế địa phương. Công tác dân vận đã đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền cách mạng; tạo sự đồng thuận trong Nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh và từng địa phương. Từ đó, khơi dậy tinh thần đoàn kết, thống nhất, khát vọng phát triển của Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, đưa tỉnh cùng cả nước vượt qua những khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu to lớn và khá toàn diện.
Công tác dân vận chính quyền có nhiều đổi mới, đem lại hiệu quả thiết thực. Cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tiếp tục được đẩy mạnh, tạo chuyển biến trong nhận thức. Từ đó, nâng cao trách nhiệm phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.
Mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ” đã ra mắt và thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp xã. MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát cơ sở, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng với dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; vận động Nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, không phát sinh “điểm nóng”.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị quan tâm gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đến nay, toàn tỉnh có 11.459 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhiều mô hình hiệu quả đã khơi dậy, phát huy tinh thần đoàn kết, tính tích cực, chủ động của cán bộ, đoàn viên, hội viên, Nhân dân trong thi đua học tập, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, ấm no, hạnh phúc.
Công tác dân tộc, tôn giáo ổn định. Tỉnh đã quan tâm tổ chức gặp mặt, biểu dương người có uy tín, già làng, trưởng bản; tập trung thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo dõi, hướng dẫn, vận động các tín đồ tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo…
Từ kết quả của các phong trào thi đua, nhất là thi đua “Dân vận khéo”, “Dân vận chính quyền”, ngành dân vận đã góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2024, kinh tế của tỉnh có bước tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,46%, đứng thứ 2 cả nước. Các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 20,2% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước đạt 42.615 tỷ đồng, bằng 120% dự toán và tăng 44,7% so với cùng kỳ, tiếp tục đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và nằm trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước.
Văn hóa – xã hội chuyển biến tiến bộ; quốc phòng – an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được quan tâm. An sinh xã hội được chăm lo, đời sống Nhân dân ổn định. Quốc phòng – an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực.
Với những kết quả đạt được, Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu công tác dân vận trong thời kỳ mới, đòi hỏi các tổ chức trong hệ thống chính trị phải không ngừng tăng cường, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Đảng. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” và phương châm “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, cán bộ ngành dân vận tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, rèn luyện đạo đức, phong cách người cán bộ dân vận “Gần dân, hiểu dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; vận động Nhân dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng hiện thực hóa khát vọng phát triển, xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Phạm Thị Thanh Thủy,
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy,
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cong-tac-dan-van-gop-phan-hien-thuc-khat-vong-phat-trien-cua-tinh-227626.htm