Được xác định là một trong những cây trồng truyền thống, cây chè đã gắn bó, trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân xã Cát Tân (Như Xuân). Để tạo động lực cho nghề trồng chè phát triển, xã Cát Tân đã phát triển vùng nguyên liệu chè hữu cơ gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển thương hiệu chè của địa phương.
Diện tích trồng chè hữu cơ Thanh Vân, xã Cát Tân (Như Xuân).
Thôn Thanh Vân, xã Cát Tân vốn là vùng đất trồng chè từ những năm 1970. Có những thời điểm, diện tích chè ở đây lên tới cả trăm ha, nhưng sau một thời gian, diện tích trồng chè dần thu hẹp lại do chuyển đổi sang một số cây trồng khác. Những năm qua, trên cơ sở thực hiện Đề án: “Phát triển vùng chè nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu trên địa bàn huyện Như Xuân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030″ của UBND huyện Như Xuân, diện tích sản xuất chè đã từng bước được khôi phục và nhân rộng. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, xã Cát Tân còn chú trọng hướng dẫn người dân áp dụng khoa học – kỹ thuật, canh tác chè hữu cơ, tạo ra sản phẩm chè sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, năm 2022, HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp và Sản xuất chè hữu cơ Thanh Vân được thành lập, từ đó, việc sản xuất chè hữu cơ của người dân thuận lợi hơn khi được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái, chế biến đúng quy trình kỹ thuật, liên kết, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Đưa chúng tôi đi thăm đồi chè của xã, ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp và Sản xuất chè Thanh Vân, cho biết: “Hiện nay, xã Cát Tân có 35,5 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Để người dân thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào chăm sóc, thu hoạch chè không phải một sớm một chiều, HTX đã phải tích cực tuyên truyền, sản xuất thử nghiệm, cầm tay chỉ việc để người dân tin tưởng, làm theo”. Cũng theo ông Vũ, quy trình chế biến chè khá cầu kỳ và qua nhiều công đoạn, như: Sao chè, vò chè, sao lấy hương… Mỗi công đoạn có thời gian và nhiệt độ khác nhau. Người dân thường hái chè vào buổi sáng để hàm lượng tanin trong lá chè phù hợp, khi hãm không bị đắng; sau đó mang đi sao trong ngày để bảo đảm chất lượng lá. Sao chè được xem là công đoạn quan trọng để tạo nên sản phẩm chè ngon, thường được lặp lại 3 lần, sau cùng là công đoạn lấy hương, còn gọi là lấy mốc. Lúc này, chè được đưa vào máy sao ở nhiệt độ từ 100 đến 120 độ C trong khoảng 3 phút sẽ cho ra sản phẩm hoàn thiện. Năm 2022, HTX được Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ 2 máy sao và 3 máy vò chè, vì vậy việc sản xuất chè của người dân thuận lợi hơn.
Bà Đinh Thị Chi, một trong những hộ dân có diện tích trồng chè lớn tại xã Cát Tân, cho biết: “Tuy ban đầu sản xuất hữu cơ gặp nhiều khó khăn do áp dụng quy trình khắt khe, nhưng sau thời gian được sự giúp đỡ của huyện Như Xuân, xã Cát Tân và HTX, chúng tôi đã nắm vững các quy trình sản xuất để áp dụng vào thực tế. Đến nay, gia đình tôi đã có 2 ha sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ, tôi nhận ra ưu điểm của trồng chè hữu cơ là giảm chi phí chăm sóc, sinh vật và vi sinh vật phát triển mạnh nên cây trồng cũng được hưởng lợi rất lớn từ môi trường đất giàu dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe người trồng chè, hạn chế tiếp xúc với hóa chất”.
Để nâng cao giá trị sản phẩm chè hữu cơ của địa phương, HTX đã xây dựng nhãn hiệu chè Thanh Vân và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Có thể nói, đây là kết quả cho sự nỗ lực của chính quyền, người dân xã Cát Tân để sản phẩm chè Thanh Vân đến gần với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Ông Lê Tiến Đạt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho biết: Việc mở rộng diện tích trồng chè, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân huyện Như Xuân nói chung và người dân xã Cát Tân nói riêng. Huyện đang tiếp tục khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng; sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư để phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè Thanh Vân.
Bài và ảnh: Lê Ngọc