Nhà máy dệt may Việt Pan Pacific Thanh Hóa đứng chân trên địa bàn xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc, là doanh nghiệp FDI có 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc. Nếu như từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 thì bắt đầu từ quý 2/2023 đến nay, tình trạng thiếu đơn hàng của nhà máy đã được cải thiện. Thời điểm này, doanh nghiệp đang liên tục tổ chức tăng ca để đáp ứng tiến độ đơn hàng đã ký kết. Có được kết quả này là nhờ doanh nghiệp đã không ngừng đầu tư thêm nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, doanh nghiệp thực hiện chiến lược duy trì những khách hàng truyền thống đồng thời tìm kiếm thêm những đối tác mới nhằm ổn định đầu ra, không để người lao động phải mất việc. Nhờ có thêm một số đơn hàng xuất khẩu mà hơn 2 ngàn lao động làm việc tại doanh nghiệp có mức thu nhập ổn định từ 5 – 6.5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc điều hành Nhà máy dệt may Việt Pan Pacific Thanh Hóa cho biết: “Nhà máy đang đầu tư công nghệ tự động và bán tự động để nâng cao hiệu xuất, đáp ứng thị trường xuất khẩu. 95% sản phẩm xuất đi Mỹ, 3% xuất châu Âu, 2% xuất đi Nhật Bản và Hàn Quốc. Quy mô dự án, thời gian tới mở rộng lên 7 ngàn lao động, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương”.
Chị Bùi Thị Tiếp, Công nhân Nhà máy dệt may Việt Pan Pacific Thanh Hóa cho biết thêm: “Trước tôi có làm may mặc tại Sài Gòn. Từ ngày Ngọc Lặc có công ty, tôi về đây làm. Tôi gắn bó với công ty 8 năm, thu nhập 7-8 triệu. Tôi mong công ty ngày một phát triển”.
Được thành lập từ năm 2020, Công ty TNHH Spicy Contry được biết đến là doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất tương ớt, tương cà, nước chầm và các loại gia vị sốt khác tại xứ Thanh. Công ty đã áp dụng 12 quy trình sản xuất, từ thu hoạch, chế biến cho đến đóng gói và cung ứng ra thị trường. Điểm khác biệt của tương ớt Spico là không có chất bảo quản, không chứa chất điều vị. Các thành phần ớt, cà chua chiếm tỷ lệ cao, từ 60-70% trong bảng nguyên liệu, trong khi ở các chai tương công nghiệp, nguyên liệu này chỉ chiếm khoảng 20%. Nhờ đó, 4 sản phẩm chính của doanh nghiệp là: tương ớt, tương cà, nước chấm, sa tế…. đã có mặt ở hơn 40 tỉnh, thành trong cả nước và có đơn hàng xuất đi Canada. Đại diện doanh nghiệp cho biết, từ quý 2 năm 2023 đến nay, doanh nghiệp liên tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất để kịp thời xuất bán ra thị trường.
Lê Minh Cương, Giám đốc Công ty TNHH Spicy Contry, Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Hiện tại, chúng tôi có thương hiệu trên thị trường. Sản phẩm chúng tôi bán tại các cửa hàng, siêu thị thực phẩm sạch trên thị trường. Đến nay, doanh nghiệp đang phát triển qua từng tháng. Đến năm 2024, chúng tôi may mắn tiếp xúc với các đối tác nước ngoài và có đơn hàng đi Canada. Mục tiêu thời gian tới là nghiên cứu thêm những sản phẩm phù hợp hơn với thị trường”.
Thanh Hóa hiện có 43 doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xuất khẩu sang 20 thị trường trên thế giới. Theo Sở công thương Thanh Hóa, quý I/2024, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Giá trị xuất khẩu hàng hoá đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 40,1% so với cùng kỳ và là mức tăng trưởng cao nhất trong 4 năm thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025.
Đáng chú ý, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tăng từ 143.396.000 USD năm 2015 (chiếm 9,25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh) lên 270.005.000 USD năm 2023. Toàn tỉnh hiện có 23 sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, trong đó có các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP như: Nước mắm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; ống hút tre xuất khẩu Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty CP sản xuất – chế biến Cói Xuất khẩu Việt Anh xuất khẩu trực tiếp và bán tại 40 siêu thị ở Hoa Kỳ; sản phẩm từ tre của Công ty TNHH sản xuất và thương mại BambooVina đã xuất khẩu đi các nước châu Âu, Đức, Mỹ; dứa, ngô ngọt đóng hộp Trường Tùng đã xuất khẩu đi các nước châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Australia…Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng tới xuất khẩu.
Ông Ngô Tiến Quang, Phó Giám đốc Công ty CPSXCB nông lâm sản và vật tư Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Hiện nay, nguồn đầu vào của công ty ổn định; đầu ra của công ty có nhiều đối tác nên rất tốt. Nguồn hàng chủ yếu xuất đi Trung Quốc và đang vươn ra Ukraina, Nhật Bản… đảm bảo việc làm cho người lao động. Thời gian tới, công ty cố gắng đầu tư, mở rộng vùng nguyên liệu, đảm bảo đời sống cho công nhân được tốt hơn”.
Có thể thấy, việc nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa đã linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu đã tăng giá trị cho sản phẩm “Made in Viet Nam”.
Nguồn: Bản tin Doanh nghiệp – doanh nhân ngày 07/4/2024