Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, những năm qua, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát. Qua đó, bảo đảm nguồn vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Cán bộ NHCSXH Quan Hóa kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay tín dụng chính sách tại xã Trung Sơn (Quan Hóa).
Nhờ đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, thời gian qua, tại tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội LHPN thôn Tà Ban, xã Trung Sơn (Quan Hóa), các hội viên của tổ đều nâng cao ý thức trong sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, quản lý sổ sách, chứng từ, tài liệu; chấp hành đúng quy định về trả lãi, trả nợ, gửi tiền tiết kiệm. Chị Vi Thị Phính, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Tà Ban, cho biết: “Các đoàn kiểm tra của xã, của huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát, đối chiếu sổ vay vốn, do đó cũng nâng cao ý thức của người dân, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng. Hiện nay, tổ có 58 thành viên với dư nợ gần 4 tỷ đồng, không có nợ xấu. Đồng thời, các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của người dân cũng được giải đáp kịp thời”.
Gia đình chị Phạm Thị Nguyệt, thôn Tà Ban được Hội LHPN xã Trung Sơn nhận ủy thác cho vay 100 triệu đồng vốn chương trình giải quyết việc làm phát triển mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Trung Sơn. Trong quá trình sử dụng vốn vay, cán bộ NHCSXH và Hội LHPN xã thường xuyên thăm hỏi, tư vấn, hướng dẫn gia đình chị cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho cá và sử dụng vốn vay sao cho hiệu quả. Nhờ vậy, mô hình nuôi cá lồng của gia đình chị Nguyệt phát triển khá tốt, thu nhập của gia đình đạt hơn 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 4 lao động.
Ngay từ đầu năm, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát, giao nhiệm vụ và phân công địa bàn cụ thể cho các thành viên. Trên cơ sở đó, các thành viên ban đại diện chủ động thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát theo nội dung kế hoạch kiểm tra. 10 tháng năm 2023 đã có 789/807 thành viên Ban đại diện cấp huyện thực hiện kiểm tra, giám sát sát được 471 lượt điểm giao dịch, 561 lượt tổ tiết kiệm và vay vốn với 2.844 lượt hộ vay vốn; 559/559 thành viên Ban đại diện cấp huyện là chủ tịch UBND cấp xã thực hiện kiểm tra, giám sát được 2.591 lượt tổ và 14.965 hộ vay vốn… Nội dung kiểm tra, giám sát của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tập trung đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách về tín dụng chính sách; vai trò, trách nhiệm của ban đại diện NHCSXH cấp huyện, thị xã, thành phố trong việc chỉ đạo triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn; việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, qua kiểm tra, nắm bắt nhu cầu nguyện vọng, ý kiến đề xuất, kiến nghị của người dân; những khó khăn vướng mắc trong hoạt động nghiệp vụ của NHCSXH. Kịp thời phát hiện những tồn tại, sai sót, có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đề xuất, kiến nghị với các cấp, các ngành chức năng để xử lý, chỉnh sửa, bổ sung chính sách phù hợp với thực tế tại địa phương.
Từ hoạt động hiệu quả thông qua các đợt kiểm tra, giám sát, chất lượng hoạt động tín dụng tại các phường, xã, thị trấn trong những năm qua luôn đạt kết quả cao. Hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn duy trì nền nếp, ổn định, có 6.344 tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt (chiếm tỷ lệ 97,3%); 117 tổ xếp loại khá (chiếm tỷ lệ 1,79%); 58 tổ xếp loại trung bình (chiếm tỷ lệ 0,89%) và 1 tổ xếp loại yếu (chiếm tỷ lệ 0,02%). Hoạt động giao dịch xã tiếp tục được duy trì ổn định, bảo đảm an toàn, phát huy được hiệu quả. Chất lượng giao dịch xã tiếp tục được duy trì, tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch xã đạt 97,08%, tỷ lệ thu nợ tại điểm giao dịch xã đạt 94,23%, tỷ lệ thu lãi tại điểm giao dịch xã đạt 99,28%.
Nhờ làm tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao hiệu quả mục đích sử dụng nguồn vốn vay, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các sai phạm, không để thất thoát, chiếm dụng nguồn vốn, bảo đảm công tác triển khai vốn vay đúng người, thực chất, hiệu quả. Các tổ chức chính trị – xã hội đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc đưa nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, tăng cơ hội phát triển kinh tế, tham gia tích cực hơn vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Bài và ảnh: Minh Hà