Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, ngành, đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Qua đó, góp phần đưa phong trào xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Chị Phạm Thị Hòa, công chức văn hóa – xã hội thị trấn Ngọc Lặc luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm với công việc được giao.
Huyện Ngọc Lặc hiện có 40 cán bộ chuyên trách công tác văn hóa, trong đó có 21 công chức văn hóa- xã hội của 21 xã, thị trấn. Những năm qua, đội ngũ cán bộ văn hóa trên địa bàn huyện đã phát huy tốt vai trò là “cầu nối” tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của xây dựng đời sống văn hóa đến mọi tầng lớp Nhân dân. Theo đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” ở khắp các địa phương trên địa bàn huyện từng bước được triển khai, thực hiện có hiệu quả. Đến nay, toàn huyện có 81,8% gia đình văn hóa; 84,2% khu dân cư văn hóa; tỷ lệ người dân tập luyện thể dục, thể thao (TDTT) thường xuyên đạt 49%; tỷ lệ gia đình tập luyện TDTT thường xuyên đạt 41%. Đặc biệt, việc xây dựng hương ước, quy ước ở các thôn, làng, khu phố được chú trọng thực hiện, đảm bảo đúng quy định. Đa số đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, xóa bỏ các thủ tục rườm rà. Việc tang được tổ chức chu đáo, tiết kiệm, nhiều hủ tục dần được xóa bỏ. Việc tổ chức lễ hội ở một số địa phương được thực hiện văn minh, lành mạnh và tiết kiệm, chú trọng tổ chức lễ hội theo hướng giữ gìn nét văn hóa truyền thống, tiếp thu văn hóa mới phù hợp với sự phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ngọc Lặc Phạm Đình Cường cho biết: “Có thể nói, đạt được những kết quả tích cực trong phong trào TDĐKXDĐSVH và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. Đáng chú ý, việc thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội… ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, gìn giữ và phát huy thuần phong mỹ tục của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Vì vậy, để tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, việc quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ văn hóa cơ sở được huyện xác định là một trong những nhiệm vụ then chốt. Trong đó, huyện Ngọc Lặc đang tập trung đào tạo, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở về chuyển đổi số”.
Có thể nói, dù điều kiện cơ sở vật chất có tốt, song hiệu quả của hoạt động văn hóa cơ sở lại phụ thuộc vào sự điều hành và tổ chức nội dung hoạt động của cán bộ văn hóa cơ sở. Đặc biệt, huyện Ngọc Lặc là địa bàn sinh sống của các dân tộc thiểu số Mường, Thái, Dao… Vì vậy, mỗi cán bộ văn hóa cơ sở không chỉ cần có trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải am hiểu văn hóa, phong tục, tập quán, nếp sống của người dân… để tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở một cách hiệu quả.
Chị Phạm Thị Hòa, công chức văn hóa – xã hội thị trấn Ngọc Lặc, cho biết: “Thị trấn Ngọc Lặc có 50% dân số là người dân tộc Mường và một số ít hộ gia đình là người dân tộc Dao, Thái. Do đó, đời sống sinh hoạt văn hóa rất đa dạng phong phú. Để người dân tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa, trước hết cán bộ văn hóa cần bám sát cơ sở, thường xuyên cập nhật kiến thức mới để tuyên truyền, vận động người dân một cách phù hợp, hiệu quả. Cùng với đó, xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng các giải pháp để tham mưu cho ban chỉ đạo TDĐKXDĐSVH thị trấn triển khai kế hoạch thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương”.
Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), hiện nay đời sống vật chất, tinh thần và trình độ dân trí của Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh được nâng lên. Cùng với đó, các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống được tiếp tục bảo tồn và phát huy; môi trường hoạt động văn hóa ngày càng phát triển ổn định, lành mạnh; hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở ngày càng được củng cố, duy trì và từng bước phát huy hiệu quả… Nếu như năm 2014, toàn tỉnh có 74% số hộ gia đình văn hóa và 75% khu dân cư văn hóa, thì đến cuối năm 2023 đã tăng lên 84,9% gia đình văn hóa và 85,4% khu dân cư văn hóa. Qua đó từng bước thay đổi diện mạo đời sống văn hóa ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, theo hướng tích cực và tiến bộ.
Có thể nói, với kết quả đạt được phần nào cho thấy những cố gắng, nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa cơ sở. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở VHTT&DL, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức văn hóa còn hạn chế; đội ngũ cán bộ chuyên trách văn hóa ở một số xã, phường, thị trấn mặc dù được đào tạo nhưng chưa đúng với chuyên ngành; công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa người dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế… Chính vì vậy, trong thời gian gian tới, Sở VHTT&DL sẽ tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng nhằm hoàn thiện và nâng cao các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, phẩm chất chính trị, năng lực cho đội ngũ làm công tác văn hóa cơ sở… đảm bảo các điều kiện để đội ngũ này hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành, mỗi cán bộ văn hóa cơ sở cần nâng cao ý thức trong việc rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bài và ảnh: Hoài Anh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nang-cao-chat-luong-doi-ngu-can-bo-van-hoa-co-so-219238.htm