Để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực khuyến khích các tổ chức, HTX, nông dân ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp sản xuất tiên tiến theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Người dân xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) thu hoạch tôm thẻ chân trắng.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa đã xác định 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực (NNCL). Trong đó, 6 sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia và 6 sản phẩm chủ lực của tỉnh (sản phẩm hải sản khai thác xa bờ; ngao và các sản phẩm nuôi biển; mía đường; trâu thịt, bò thịt, bò sữa và sản phẩm từ sữa bò; tre luồng, vầu và sản phẩm từ tre luồng, vầu; cây ngô). Để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm NNCL, các địa phương trong tỉnh đã tích cực kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp, HTX, người dân đầu tư phát triển và mở rộng diện tích các sản phẩm cây, con nuôi chủ lực.
Tôm là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh và nằm trong danh mục sản phẩm NNCL quốc gia, vì vậy ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm tôm thương phẩm. Hiện nay, diện tích tôm nuôi trên địa bàn tỉnh đạt 4.100 ha, với sản lượng 7.000 tấn/năm, giá trị khoảng 674 tỷ đồng, chiếm 11,2% tổng giá trị sản xuất trong lĩnh vực thủy sản. Trong đó, tôm sú diện tích nuôi 3.518 ha, sản lượng 1.000 tấn; tôm thẻ chân trắng thâm canh diện tích nuôi 585 ha, sản lượng 6.000 tấn. Phần lớn diện tích nuôi tôm tập trung tại các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn, Hậu Lộc, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn và TP Sầm Sơn, trong đó có 85 ha ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới, 500 ha thâm canh trong ao bạt ngoài trời. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, các cơ sở, HTX, hộ nuôi đã tích cực áp dụng nuôi thâm canh, siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng và nuôi quảng canh cải tiến đối với tôm sú. Phần lớn các cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tư ao nuôi trong nhà màng, nhà lưới với hình thức nuôi tôm nhiều giai đoạn.
Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng Phòng Nuôi trồng, Chi cục Thủy sản: Nhờ đầu tư và nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, áp dụng quy trình khép kín nên năng suất tôm thẻ chân trắng đạt từ 30 tấn đến 35 tấn/ha/vụ, hàng năm có thể nuôi tới 4 đến 5 vụ, cho doanh thu từ 3 – 3,5 tỷ đồng/ha. Ngoài các vụ nuôi chính trong năm, nhiều hộ nuôi còn đầu tư thả nuôi tôm thẻ chân trắng vào mùa đông.
Trong sản xuất các sản phẩm NNCL, ngành nông nghiệp đã tích cực định hướng phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương trong tỉnh để xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã triển khai nghiên cứu xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp trong toàn tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và hình thành các vùng nuôi trồng cây, con chủ lực tập trung quy mô lớn, như: vùng lúa thâm canh 150.000 ha, vùng ngô thâm canh 20.000 ha, vùng mía nguyên liệu 14.300 ha, vùng cây ăn quả tập trung 8.000 ha, vùng sản xuất rau an toàn 13.000 ha, vùng nuôi tôm chân trắng thâm canh 585 ha, vùng nuôi tôm sú tập trung 3.400 ha, vùng nuôi ngao bến tre 1.000 ha… Trong lâm nghiệp có các vùng rừng gỗ lớn 56.000 ha, vùng luồng thâm canh 37.845 ha. Các sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao của tỉnh đang phát triển với 14.000 con bò sữa, 70.200 con bò thịt chất lượng cao, 680.000 con lợn hướng nạc, 8 triệu con gà lông màu.
Để từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm NNCL, ngành nông nghiệp đã nghiên cứu, chọn tạo thành công 8 giống lúa, 2 giống mía mới bổ sung vào cơ cấu giống chủ lực. Đồng thời, du nhập tuyển chọn được giống ngô, rau, cây ăn quả mới để bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh; phục tráng các cây trồng tại địa phương (như lúa nếp hạt cau, bưởi Luận Văn, cam Vân Du). Đến nay, tỷ lệ sử dụng các giống tiến bộ kỹ thuật ở các địa phương trong tỉnh đạt 90% đối với lúa, 95% đối với ngô, 80% đối với rau màu, 90% đối với cây công nghiệp. Trong chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng tinh phân giới tính cho bò sữa, thụ tinh nhân tạo nâng cao tầm vóc đàn bò thịt (tỷ lệ bò lai đạt 63%)… Người chăn nuôi ở các địa phương đã đầu tư xây dựng nhiều trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, áp dụng hệ thống chuồng kín, nuôi sàn, điều hòa ẩm độ và nhiệt độ, xử lý chất thải và kiểm soát dịch bệnh theo hướng an toàn dịch bệnh.
Để nâng cao chất lượng gỗ, ngành lâm nghiệp đã xây dựng được 15 nguồn giống, tuyển chọn cây mẹ, làm giống 5.000 cây trội với 12 loài. Các huyện miền núi có 90% diện tích rừng trồng được sử dụng giống năng suất, chất lượng cao. Nhiều mô hình nông, lâm kết hợp, trang trại rừng, trồng rừng gỗ lớn, có năng suất cao được người dân nhân ra diện rộng… Trong lĩnh vực thủy sản, các cơ sở sản xuất, di ương giống đã đáp ứng được 15% nhu cầu giống tôm sú, 30% giống cá rô phi, 50% giống cua, ngao, cá bống bớp phục vụ nhu cầu cho người nuôi trong tỉnh. Các tàu khai thác hải sản đã đầu tư máy dò ngang Sonar, thiết bị giám sát hành trình, hầm bảo quản bọt xốp PU, đèn led phục vụ khai thác, bảo quản hải sản…
Cùng với việc nâng cao chất lượng các sản phẩm NNCL, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh cũng tích cực thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư liên kết, hợp tác về sản xuất và tiêu thụ nông sản với người dân.
Bài và ảnh: Lê Hợi