Nhằm khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, xã Nam Giang (Thọ Xuân) đã đẩy mạnh việc tích tụ, tập trung đất đai để chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng khoa học – kỹ thuật, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao…
Một trang trại tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Nam Giang (Thọ Xuân).
Trước đây, khu vực đồng Ngâu là một vùng chiêm trũng, thường xuyên bị ngập lụt. Từ năm 2019, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xã đã thực hiện tuyên truyền, vận động người dân tích tụ, tập trung đất đai, hình thành vùng trang trại tập trung. Ông Lê Viết Quân – một trong những “ông chủ” dám nghĩ, dám làm, tiên phong đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp cho biết: Để chia khu chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, cần có một diện tích lớn để bố trí khoa học, thuận tiện cho người lao động làm việc và vận chuyển sản phẩm. Vì vậy, tôi đã đến nhà các hộ dân thuyết phục để mua đất, tích tụ thành một khu đất lớn, sau đó cải tạo, san lấp để xây dựng chuồng trại và trồng cây.
Với quan điểm lấy ngắn nuôi dài, không để lãng phí nguồn tài nguyên đất nên tôi đã thiết kế trang trại sao cho tiết kiệm diện tích, lựa chọn giống cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng, có hầm biogas để không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước thải được tận dụng để tưới cây và đào ao để nuôi cá trắm. Trang trại của ông không những đa dạng sản phẩm nông nghiệp mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ tiết kiệm được chi phí, doanh thu hàng tỷ đồng/năm.
Được biết, khu trang trại tập trung đồng Ngâu có 13 hộ dân thực hiện tích tụ, tập trung khoảng 35 ha, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả kinh tế sang phát triển trang trại. Trong đó, các trang trại duy trì tổng đàn khoảng 1.000 con lợn, 30.000 gia cầm, 20 ha nuôi trồng thủy sản, khoảng 3 ha trồng cam, bưởi, ổi… Các trang trại còn góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 40 lao động với thu nhập trung bình từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Chủ tịch UBND xã Nam Giang Lê Văn Nam cho biết: Xác định tích tụ, tập trung đất đai là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp cả trước mắt, cũng như lâu dài, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện qua 3 hình thức chủ yếu là thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đồng thời, từ diện tích đó, định hướng, hỗ trợ cho người dân sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường và phát huy được lợi thế điều kiện tự nhiên, lao động của xã. Bên cạnh đó, thực hiện tích tụ tập trung đất đai gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong quá trình sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các hình thức liên kết trong sản xuất giữa người dân với HTX và doanh nghiệp. Để người dân mạnh dạn thực hiện tích tụ tập trung đất đai, đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, xã đã đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất tập trung như: Trạm biến áp 180 KVA, xây dựng mới 2 km đường bê tông trục chính, thành lập HTX để hỗ trợ người dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo ổn định, an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Nam Giang, việc tích tụ, tập trung đất đai trên địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn do người dân còn mang tư tưởng “giữ đất”, mặc dù đất đai bị thoái hóa, kém chất lượng, thậm chí bỏ hoang và chuyển sang làm những nghề khác nhưng vẫn giữ đất, không muốn cho thuê; các mô hình tích tụ ruộng nếu tự thỏa thuận giữa các cá nhân, tổ chức với người dân mà chưa có ràng buộc pháp lý, dễ dẫn đến rủi ro…
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những thành công bước đầu trong tích tụ tập trung đất đai. Việc hình thành vùng trang trại tập trung, diện tích sản xuất quy mô lớn đã góp phần nâng cao trình độ sản xuất của người dân, giúp hiệu quả kinh tế cao hơn bình quân từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất nhỏ lẻ. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích các hộ có điều kiện tích tụ, tập trung đất đai để xây dựng các mô hình sản xuất, các trang trại quy mô lớn. Bên cạnh đó, định hướng các loại cây, con đáp ứng nhu cầu của thị trường để người dân đưa vào sản xuất. Cùng với đó, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ, HTX, trang trại và doanh nghiệp.
Bài và ảnh: Lê Ngọc