Hiện nay Việt Nam đã và đang thực hiện 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các khu vực, đối tác trên thế giới. Nhiều đối tác song phương, đa phương trong các FTA là những thị trường khó tính về tiêu chuẩn nhập khẩu, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, các nước EU… Ngoài ra, một số đối tác thương mại lớn khác của Thanh Hóa với nhu cầu nhập khẩu ngày càng cao, dư địa còn rộng mở là cơ hội và triển vọng tăng trưởng đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Thanh Hóa.
Hiệp hội các nhà nhập khẩu Hàn Quốc (Koima) khảo sát nhu cầu hợp tác tại Nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm xuất khẩu Viet Avis (Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa).
Theo Sở Công Thương, giá trị hàng hóa xuất khẩu (XK) của Thanh Hóa gần đây dao động từ 5,3 – 5,4 tỷ USD/năm. 10 tháng năm 2023 kim ngạch XK hàng hóa của các DN đạt 4,26 tỷ USD. Trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là sau diễn biến của dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ hàng hóa XK chính ngạch đã tăng lên đến mức tối đa, với con số đạt tới 99% tổng giá trị hàng hóa XK. Sự ổn định về thị trường, giá của thị trường chính ngạch đã khẳng định và củng cố niềm tin để các DN hoàn chỉnh tiêu chuẩn thâm nhập vào các thị trường này.
Thực tế, nhiều DN trên địa bàn tỉnh gần đây đã sản xuất thêm được nhiều mặt hàng đạt tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính tại Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Điển hình như các mặt hàng vật liệu xây dựng như thép, gạch Ceramic, xi măng…
Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại cảng Nghi Sơn.
Tại Công ty CP Đầu tư phát triển Vicenza (Khu Công nghiệp Lễ Môn), nhờ đầu tư cho công nghệ sản xuất sâu cùng phương pháp quản lý chất lượng tối ưu, DN đã trở thành bạn hàng của Hoa Kỳ từ 3 năm nay. Để thâm nhập thị trường với các dòng sản phẩm cao cấp hơn, mới đây, DN đã đầu tư thêm 10 triệu USD để trang bị thêm một số thiết bị công nghệ cao từ Italia; đồng thời, thuê chuyên gia người Ấn Độ trực tiếp giám sát công nghệ sản xuất, quy trình quản lý. Các dòng gạch men kích thước lớn như 1m x 1m, 1,2m x 1,2m, 1,5m x 75cm… mới sản xuất được đều đạt chất lượng, thẩm mỹ cao và đáp ứng được các tiêu chuẩn tại thị trường Châu Âu, Hoa Kỳ. Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Vicenza Đỗ Đức Thắng chia sẻ: “Hiện nay tổng công suất các dây chuyền của nhà máy đạt 10 triệu m2/năm. Với các dòng sản phẩm gạch men kích thước lớn này, ngoài việc cung ứng, thay thế hàng nhập khẩu với giá cạnh tranh hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa sản phẩm sang thị trường Hoa Kỳ, nâng cao vị thế và giá trị của gạch Việt Nam trên thị trường”.
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, chỉ trong vài năm gần gây đã ghi nhận sự chinh phục của một số mặt hàng sản xuất tại Thanh Hóa đối với nhiều thị trường khó tính như: XK vải không hạt đi Vương quốc Anh, Nhật Bản; XK nước mắm và mắm tôm đi thị trường Hoa Kỳ; XK các mặt hàng thủy sản sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Panama…
Nhờ trang bị tiêu chuẩn cao cho vùng nguyên liệu, sản phẩm ngao nguyên con của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa (TP Thanh Hóa) đã xuất khẩu thành công sang thị trường khó tính.
Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa (TP Thanh Hóa) có thế mạnh XK ngao nhiều năm nay. Để nâng cao tiêu chuẩn vùng nguyên liệu, năm 2020 DN đã phối hợp với Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng thủy sản bền vững thuộc Hội Nghề cá Việt Nam (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và Phát triển nông thôn (RECERD) và các hộ dân vùng ngao Kim Sơn (Ninh Bình) xây dựng vùng ngao theo chứng nhận bền vững ASC. Đây là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất, cao nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản. Cuối năm 2022, Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu Control Union đã trao chứng nhận ASC cho hơn 889 ha ngao Meretrix Lyrata thuộc vùng nguyên liệu Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trong chuỗi liên kết của DN. Đây là vùng nuôi ngao thứ 2 ở Việt Nam và cũng là vùng nuôi ngao thứ 2 thế giới có được chứng nhận cấp quốc tế cao cấp này, mở ra cơ hội lớn trong việc định danh sản phẩm ngao Việt Nam vươn tầm quốc tế. Nhờ đáp ứng tốt các quy chuẩn khắt khe của hàng rào kỹ thuật nông sản, sản phẩm ngao của công ty đã XK thành công và tăng trưởng tại nhiều thị trường khó tính như Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ…
Trong nhiều chuyến thăm, khảo sát, tìm hiểu về thị trường nhập khẩu cũng như nhiều cuộc làm việc để tiến tới các cơ hội hợp tác thương mại, nhiều đối tác thương mại lớn của Thanh Hóa thuộc các thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Italia… đều đánh giá, Thanh Hóa có rất nhiều cơ hội, tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác thương mại; đặc biệt đối với XK, hàng trăm mặt hàng nông sản hiện đã được các DN Thanh Hóa quan tâm đầu tư quy trình sản xuất, đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng, như thủy hải sản, dưa lưới, dưa chuột, dưa vàng, nước mắm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, thảm cói, chiếu cói, các sản phẩm dược liệu như đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, tổ yến…
…hiện nay Thanh Hóa có hơn 200 DN tham gia sản xuất hàng hóa XK và 55 chủng loại hàng hóa được XK đến 53 thị trường các quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tỷ trọng hàng hóa XK nói chung của Thanh Hóa sang các thị trường khó tính còn rất nhiều dư địa, điển hình như thị trường Mỹ mới chiếm khoảng 12%, Hàn Quốc 7%, Nhật Bản mới chỉ chiếm khoảng 3,4% trong giá trị XK toàn tỉnh… Đây đều là những thị trường, đối tác thương mại lớn của Việt Nam. |
Theo khảo sát của Sở Công Thương, những năm gần đây tốc độ tăng trưởng XK của Thanh Hóa đạt kết quả khá ấn tượng. Mặc dù từ nửa cuối năm 2022 đến nay, XK gặp khó khăn chung do suy giảm tiêu thụ toàn cầu nhưng XK Thanh Hóa vẫn duy trì ở mức đáng ghi nhận. Tuy nhiên, kim ngạch XK hàng hóa của tỉnh chủ yếu tập trung cao ở các mặt hàng truyền thống như may mặc, giày da (chiếm tới hơn 60%) và các mặt hàng dăm gỗ, đá… Hàng hóa nông, lâm, thủy sản nhiều tiềm năng hiện vẫn còn bỏ ngỏ.
Cùng với đó, hiện nay Thanh Hóa có hơn 200 DN tham gia sản xuất hàng hóa XK và 55 chủng loại hàng hóa được XK đến 53 thị trường các quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tỷ trọng hàng hóa XK nói chung của Thanh Hóa sang các thị trường khó tính còn rất nhiều dư địa, điển hình như thị trường Mỹ mới chiếm khoảng 12%, Hàn Quốc 7%, Nhật Bản mới chỉ chiếm khoảng 3,4% trong giá trị XK toàn tỉnh… Đây đều là những thị trường, đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Thông qua tổ chức nhập khẩu của các nước này còn có thể hình thành những trung tâm, chuỗi xuất nhập khẩu toàn cầu. Do đó, các DN trong tỉnh cần sớm tranh thủ tìm kiếm thêm các cơ hội, tạo kết nối để gia tăng sản lượng hàng hóa vào các thị trường khó tính, nhưng giá trị gia tăng rất cao này.
Bài và ảnh: Tùng Lâm