Nhằm đáp ứng nguồn giống cây trồng quanh năm và đảm bảo cây giống sạch bệnh, khỏe mạnh mang lại năng suất cao vượt trội, Trung tâm nghiên cứu, khảo nghiệm và dịch vụ cây trồng Thanh Hóa (Thọ Xuân) đã đầu tư nghiên cứu, lựa chọn giống để nhân giống theo hình thức nuôi cấy mô.
Khu vực ương dưỡng phôi cây giống của Trung tâm nghiên cứu, khảo nghiệm và dịch vụ cây trồng Thanh Hóa.
Hiện, Trung tâm đang nghiên cứu, làm chủ nhiều quy trình kỹ thuật để đưa vào sản xuất thành công các giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Trung tâm đã nghiên cứu thành công và trồng sản xuất thử một số giống cây nuôi cấy mô phục vụ tái cơ cấu ngành lâm nghiệp Thanh Hóa. Trong đó, có cây Keo lai và Keo lá tràm được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Hiện nay, trung tâm đang tập trung sản xuất giống Dứa gai MD2 cho năng suất, sản lượng cao.
Đây là giống dứa trái có trọng lượng bình quân 1,4 – 1,5kg, ít bị rám nắng hư hại, vỏ mỏng, nhiều nước, màu vàng tươi, thơm, ít sơ, thịt quả giòn, hương vị thơm ngon…
Trung tâm dự kiến tới đây sẽ cung cấp cho người dân ở các huyện Ngọc Lặc, Hà Trung, Như Thanh, thị xã Bỉm Sơn… khoảng 3-4 triệu cây/năm.
Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, khảo nghiệm và dịch vụ cây trồng Thanh Hóa Nguyễn Trọng Quyền: “Nuôi cấy mô từ tế bào thực vật là phương pháp kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay và ngày càng phổ biến giúp sản xuất nhanh và đồng loạt các loại giống cây trồng mà vẫn lưu giữ được hoàn toàn đặc tính của cây gốc”.
Các phôi giống được các cán bộ của trung tâm ghi số ký hiệu để theo dõi quá trình sinh trưởng.
Cán bộ của trung tâm hằng ngày kiểm tra, theo dõi từng giá thể phôi giống đang ương dưỡng.
Để đảm bảo sự phát triển của giống cây, Trung tâm đã đầu tư lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng đèn led và các máy điều hòa để đảm bảo nhiệt độ môi trường nuôi cấy mô.
Lê Hợi