Nhờ các cơ chế, chính sách, giải pháp trong lĩnh vực du lịch được tỉnh Thanh Hóa ban hành và triển khai một cách thông suốt, nhịp nhàng, đồng bộ đã tạo ra “đường băng” rộng mở cho du lịch Thanh Hóa “cất cánh”.
Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Nổi bật nhất là việc thực hiện Quyết định số 623-QĐ/TU, ngày 23-7-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc ban hành Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Từ đây, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành giúp thu hút khách du lịch, theo đó từ năm 2021 đến tháng 6-2023 dù gặp nhiều bất lợi nhưng toàn tỉnh đón được gần 23 triệu lượt khách (đạt 67,3% giai đoạn 2021-2023); tổng thu du lịch ước đạt 40.138 tỷ đồng (đạt 61,8% giai đoạn 2021-2023).
Việc hút khách về Thanh Hóa cũng chính nhờ sự xuất hiện những công trình được đầu tư quy mô, bài bản như: Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC tại TP Sầm Sơn của Tập đoàn FLC, Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch biển Hải Tiến, Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn…
Để dần trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch quốc gia, cũng như xây dựng hình ảnh đất và người xứ Thanh tươi đẹp trong mắt bạn bè, tỉnh Thanh Hóa đã từng bước hiện thực hóa các quan điểm và mục tiêu phát triển bằng những giải pháp cụ thể. Một “chất xúc tác” mạnh mẽ đã và đang tạo đà tăng trưởng ngành du lịch, đó chính là sự phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bước đầu đã hình thành sản phẩm du lịch cao cấp. Trong đó, nổi bật nhất là sản phẩm du lịch biển đã tạo dựng được thương hiệu nổi bật tại khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ, trở thành sản phẩm du lịch có quy mô, sức cạnh tranh, khả năng thu hút khách, đặc biệt loại hình du lịch golf trong Khu nghỉ dưỡng biển cao cấp 5 sao FLC đã thu hút được lượng khách du lịch có mức chi trả cao.
Cùng với đó, nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch biển mới được đưa vào khai thác như: Quảng trường biển, nhạc nước, phố đi bộ, chợ đêm, các họat động biểu diễn nghệ thuật đường phố (Khu du lịch Sầm Sơn); tour du lịch đảo Mê, các trò chơi xe địa hình không vô lăng, đường đua công thức F1, trượt cỏ, bắn súng sơn… (thị xã Nghi Sơn); tour du lịch ra đảo Nẹ, dù lượn (Khu du lịch Hải Tiến); du lịch văn hóa, lễ hội trở thành điểm nhấn quan trọng của du lịch Thanh Hóa.
Đến nay, một số di tích đã trở thành điểm đến du lịch thu hút khá đông khách du lịch như Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu… Các sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng (nghỉ dưỡng, trải nghiệm gắn liền với cảnh quan thiên nhiên, các hoạt động tìm hiểu đa dạng sinh học, khám phá thiên nhiên) tại các khu có giá trị như: Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh), Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân), Pù Hu (Quan Hóa), Pù Luông (Bá Thước)… ngày càng được du khách đón nhận và đánh giá cao. Loại hình sản phẩm du lịch này đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện yếu tố mùa vụ, là sản phẩm được định hướng phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Thanh; sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đang từng bước được hình thành, bước đầu góp phần đa dạng hóa, làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm kinh tế – xã hội, khám phá vẻ đẹp của đất và người Thanh Hóa.
Có thể thấy rằng, những chuyển biến tích cực và ngày càng mạnh mẽ của du lịch Thanh Hóa là điều không thể phủ nhận, đặc biệt là hệ thống cơ sở vật chất và chất lượng sản phẩm đã và đang trở thành “bệ đỡ” cho tăng trưởng toàn ngành. Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh có nhiều gam màu sáng, cũng cần khách quan nhìn nhận, vẫn còn không ít thách thức, trở ngại mà ngành du lịch phải đối mặt và vượt qua nếu muốn cán đích các mục tiêu đề ra trong “Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”.
Bởi vậy, để đưa du lịch Thanh Hóa phát triển, có tính chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, thời gian tới tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tạo điều kiện, thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư các dự án du lịch, hạ tầng du lịch nhằm phát triển đột phá ngành du lịch; tập trung khai thác các di tích lịch sử – văn hóa phục vụ phát triển du lịch; hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch mới và các sản phẩm du lịch cao cấp; thực hiện chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia và quốc tế; quan tâm phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao…
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt