Để có thể “đi xa” hay thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh nhiều thách thức, khó khăn như hiện nay, thì tăng cường liên kết, thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương trên cơ sở hiểu biết, tin cậy, trách nhiệm và “cùng thắng” vừa là phương châm, vừa là giải pháp hữu hiệu.
Hội nghị đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh. Ảnh: Minh Hiếu
Như một lẽ tất yếu khi “muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Thật đáng quý hơn là 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã “gặp nhau” từ trong dặm dài lịch sử. Đó là dải đất có truyền thống lịch sử tuy lắm gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, cùng nhiều đặc trưng văn hóa đặc sắc, độc đáo, riêng có và rất giàu giá trị. Để rồi ngày nay, từ những điểm chung về lịch sử, văn hóa, thì mong mỏi được “đi cùng nhau” để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng cho mỗi địa phương, càng được thôi thúc và có được những cam kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Minh chứng cho ý nghĩa và tầm quan trọng của mối quan hệ đặc biệt này là năm 2022, 3 tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển giai đoạn 2022 – 2025, tập trung vào 3 nội dung chính là phát triển kinh tế – xã hội (vận động, thu hút đầu tư; công thương; nông nghiệp, nông thôn; du lịch; văn hóa, thể thao, giáo dục và đào tạo, y tế, lao động); quốc phòng – an ninh; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Sau 1 năm thiết lập quan hệ hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực, mối quan hệ giữa 3 tỉnh đã có được một bước tiến mới. Như nhấn mạnh của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn tại hội nghị đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh (diễn ra vào ngày 10/12/2023), thì hợp tác, liên kết cùng phát triển là cả một chặng đường dài, với nhiều khó khăn, thách thức. Song chính sự hợp tác chặt chẽ ấy đã và đang đưa 3 tỉnh xích lại gần nhau, gắn bó chặt chẽ hơn để tạo nên sức mạnh tổng hợp của một mái nhà chung!
Nằm ở cực Bắc vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Thanh Hóa có vị trí chiến lược, cầu nối giữa Bắc Trung bộ với vùng đồng bằng Bắc bộ, vùng Tây Bắc và các tỉnh, thành phố thuộc Thượng Lào và Đông Bắc Thái Lan. Đồng thời, đóng vai trò là cầu nối phát triển giữa các vùng và cả nước. Để khai thác hiệu quả vị thế đặc biệt này, việc hợp tác phát triển vùng và liên kết vùng với các tỉnh/thành lớn, đã được tỉnh Thanh Hóa hết sức chú trọng, với cách thức ngày càng đổi mới và đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như năm 2020, tỉnh Thanh Hóa và TP Hà Nội đã phối hợp xây dựng kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh giai đoạn 2021 – 2025; trong đó nhấn mạnh các lĩnh vực như đầu tư, công thương, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, văn hóa, thể thao và du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế. Hay tháng 3/2023, tỉnh Thanh Hóa đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội với TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 – 2025; trong đó, tập trung hợp tác song phương về thu hút đầu tư vào 3 trụ cột tăng trưởng, 4 trung tâm kinh tế động lực và 6 hành lang phát triển kinh tế của tỉnh…
Đặc biệt, để tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng theo Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định 3 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Trong đó bao gồm việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tại các khu kinh tế ven biển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ…
Với phương châm “tỉnh mạnh thì vùng mới mạnh và tỉnh có mạnh thì mới có điều kiện và có cơ hội để phát triển liên kết”, Thanh Hóa đã tích cực, chủ động trong thúc đẩy liên kết, hợp tác. Đồng thời, đa dạng nguồn lực cho các dự án liên kết vùng; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để góp phần nâng cao sức cạnh tranh của vùng; đề xuất các cơ chế chính sách làm cơ sở cho việc hợp tác giữa các tỉnh/thành, vùng, miền… Cũng thông qua việc hợp tác toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, đang mở ra “cánh cửa” phát triển mới cho tỉnh. Giai đoạn 2021 – 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân ước đạt 9,69%, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của cả nước. Riêng năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cán mốc 7,01%, đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Những con số này đã góp phần khẳng định vai trò, vị thế ngày càng cao của Thanh Hóa trong vùng Bắc Trung bộ và cả nước.
Khôi Nguyên