Gần hai mươi năm, mẹ không còn trên thế gian này nữa. Mẹ như làn mây trắng, như vòm trời râm mát trên cao chở che cho con những khi nắng nôi, gió bão. Mẹ như vầng trăng sáng hiền dịu mỗi khi con yếu mềm, trên con đường trơn số phận. Tôi nhớ tất cả những gì khi còn mẹ, từ tuổi ấu thơ cho đến lúc đủ lông, đủ cánh làm con chim tự do vụt bay lên bầu trời. Tám tuổi tôi vẫn còn được mẹ cõng đi học. Mấy bà hàng xóm mỗi lần bắt gặp hay buông lời trêu trọc tôi:
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
-Gớm, cẳng dài hơn cẳng mẹ rồi đó!
Những lần như vậy, tôi thường dúi mặt lên vai mẹ, tay chân vung vẩy, cào cấu như ăn vạ. Lúc ấy, mẹ bênh vực tôi, hai tay ôm lấy hai bắp đùi dài thõng của tôi, sợ tôi giẫy khỏi lưng bà, rồi mẹ hết lời dỗ dành bằng những lời ngọt ngào, âu yếm…
Mẹ tôi không biết chữ, nhưng thuộc nhiều ca dao, tục ngữ. Thuộc truyện Kiều, truyện Lục Vân Tiên đến mức mỗi khi nghe mẹ cất lời ru, tôi có cảm giác bà là người rất rành rẽ văn chương, hiểu thấu tận cùng từng câu chuyện mà chỉ những người biết đọc chữ mới cảm nhận hết được. Tiếng võng đay kẽo kẹt, đu đưa, man mác cuốn theo từng lời ru của mẹ, bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ anh em, con cháu trong nhà, cứ thế lấy đó mà lớn lên, lấy đó mà hành xử thành người tử tế:
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
Lời ru ấy, đi qua những đói no, lụt bão, đi qua những cơn ho thắt ruột, vượt lên số phận để rồi mỗi khi có dịp trở về với quá khứ, trở về với quê hương bờ tre, khóm lúa, ruộng ngô bên bãi bồi thân thuộc, tôi vẫn nghe văng vẳng trong gió tiếng của lòng nhân hậu bao dung.
Tôi nhớ da diết dáng mẹ lui cui bên bếp lửa làm món ngô bung. Hạt ngô già phơi khô, ninh trong nồi đồng bằng nước vôi pha loãng, sau một hồi củi lửa bỗng bung nở. Những hạt ngô ứa nhựa trắng ngà, sền sệt bám quấn vào nhau. Mẹ xuống lửa, bắc ra khỏi bếp, múc chia cho mỗi người trên chiếc bát sành ông bà để lại. Món ăn dân dã, mang đậm hương vị thôn quê dẻo thơm, béo ngậy như xua bớt đi cái đói, cái giá rét của ngày giáp hạt. Món ăn chứa chan tình thương yêu, niềm an ủi của mẹ dành cho chồng con với tất cả sự hy sinh, nhường nhịn. Ngồi bên bậu cửa, nhẩn nha với bát ngô bung, hết nhìn ra sân trời mưa rả rích lại nhìn dáng mẹ lặng lẽ, lom khom bên bếp lửa đang tàn, tôi không biết mẹ lúc đó nghĩ gì, chỉ thấy miệng bà vẫn bỏm bẻm miếng trầu thuốc, nước trào ra hai khóe mép đỏ au. Hình ảnh đó, cứ ám vào tôi không thể phai mờ trong suốt cuộc hành trình của cuộc đời, trong ký ức tuổi thơ ngày còn mẹ. Tôi nhớ có một lần cùng bạn bè nghịch ngợm làm vỡ vại tương. Sợ quá, tôi cùng lũ bạn trèo trốn lên cành đa to sụ đầu làng. Đêm đến, mẹ xách chiếc đèn chai như con đom đóm đực tìm tôi khắp làng. Tìm mãi, tìm mãi… Bất lực, mẹ ngồi sụp xuống chân đê đợi tôi trong gió Lào khô nẻ:
…
Mẹ ủ mốc tương
Trên chiếc nia cha đan mùa trước
Bữa cơm rau muống dầm tương
Cha mẹ làm nên ngon ngọt đời thường
Thế mà con đã nghịch vỡ vại tương
Buổi trưa ấy,
Trốn lên cành đa cùng lũ bạn
Gặp nắng òa
Bóng mẹ nỏ trên sân
Mẹ lặng lẽ
Nhặt lên từng mảng vỡ
Lòng chắt chiu lại chắp, lại hàn
Ủ ấm niềm tin vô tình con đánh mất
Đem hết lòng nhân hậu vá cho con…
Ngày tôi nhận được giấy báo vào đại học, mẹ lúi húi sắm một mâm cỗ đầy đặn đặt lên bàn thờ tổ tiên, lầm rầm khấn trong khói hương nghi ngút. Cảm ơn công đức ông bà đã phù hộ, độ trì cho thằng út vào đại học. Cầu mong tiên tổ nâng đỡ, che chở cho thằng út học hành công thành danh toại bằng chị, bằng anh… Mẹ khấn lâu lắm. Gương mặt mẹ trang nghiêm, rạng ngời, như có gì đó từ trong sâu thẳm, điều mà mẹ mong ngóng, chờ đợi ngày này lâu lắm rồi! Thằng út của mẹ đã lớn, không còn là thằng út tám tuổi cẳng dài hơn cẳng mẹ. Thằng út đã đủ lông, đủ cánh bắt đầu rời tổ, xa vòng tay ấm áp của bà. Hình như mẹ đang nghĩ thế, nên suốt bữa ăn liên hoan chia tay tôi, thi thoảng mẹ lại quay mặt ra phía sau lưng kéo vạt áo chấm đi giọt nước mắt hạnh phúc không kìm được. Đêm xuống nằm bên, mẹ ôm tôi vào lòng, bàn tay ấm áp của mẹ vuốt tóc tôi trong đêm tối, mẹ dặn tôi cố gắng học hành rồi dúi thêm vào tay tôi vài đồng bạc mà tôi biết trong phiên chợ sáng nay, mẹ đã bán đi vài mủng lúa ít ỏi còn lại trong nhà.
Thời gian cứ thế trôi đi, rồi tôi có vợ có con. Mẹ ngày đêm giúp đỡ vợ chồng chúng tôi chăm bẵm con cái. Mẹ như con thoi qua lại giữa quê nhà và thành phố, hễ cứ rảnh việc đồng áng là bà lại đáp tàu ra. Tôi lại được nghe mẹ ru cháu bằng lời ru thân thuộc ngày nào. Lời ru không còn rõ ràng như ngày mẹ ru tôi, nhưng vẫn tha thiết, ấm nóng lạ thường. Mấy đứa con tôi được bà chiều chuộng, quấn quýt cả ngày, bắt bà kể nào truyện Lục Vân Tiên đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga, Tấm Cám, Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn… Cứ mỗi lần đi làm về, bắt gặp bà cháu đang say sưa bên câu chuyện cổ, lòng tôi chộn rộn, mênh mang, lại muốn được quay lại thời trẻ thơ được làm nũng mẹ.
Rồi mẹ ra đi, vĩnh biệt chúng tôi trong một đêm tối trời, kẻ Nam người Bắc. Nghe tin mẹ mất, tôi như bị trời trồng giữa TP Hồ Chí Minh đông đúc. Không được gần mẹ những lúc mẹ lâm chung, chúng tôi về đến quê, cũng là lúc chuẩn bị đưa mẹ ra đồng. Nhìn mẹ lần cuối với mái tóc trắng phau, gương mặt thanh thản trong giấc ngủ vùi sâu vô định. Lòng tôi hụt hẫng, đất dưới chân như bỗng dưng tụt xuống đen ngòm. Nước mắt tôi trào ra, tôi gọi mẹ trong nhói đau, không thành tiếng:
Con lớn lên rồi xa xóm, xa làng
Xa mẹ mịt mù, quê hương tít tắp
Cứ mải miết với những gì to tát
Lại quên đi chút hơi ấm mẹ cần
Để bây giờ khi mẹ đã ngàn năm
Mới thảng thốt giật mình trong nhang khói.
Tản văn của Lê Quang Sinh