Nông nghiệp hiện đại không còn đơn thuần là trồng và nuôi mà cần đa dạng hóa để mang lại giá trị và thu nhập cao nhất. Các mô hình sản xuất đón khách tham quan, trải nghiệm đã phát triển ở nhiều nơi trong nước, cho hiệu quả kinh tế cao. Tại Thanh Hóa, những mô hình du lịch nông nghiệp chưa nhiều, phần lớn mới ở giai đoạn manh nha, khai mở, cần thêm những điều kiện và cơ chế…
Hồ cá trải nghiệm trong khu Nông trại Ánh Dương ở xã Định Tân (Yên Định) được nhiều bạn nhỏ yêu thích.
Tại thôn Lọc Trạch, xã Đồng Lợi (Triệu Sơn), một vườn nho canh tác theo hướng công nghệ cao với diện tích 2.500m2 và đang tiếp tục mở rộng. Cùng với canh tác rau an toàn, cây ăn quả thân thấp, các loại hoa cho khách check-in với tổng diện tích 1 ha, chủ vườn trại là thanh niên Hoàng Thanh Minh đã phát triển khu sản xuất thành mô hình tham quan. Thuận lợi ngay đường lớn nên mỗi năm có hàng chục đoàn học sinh của các trường trong huyện và TP Thanh Hóa cùng nhiều đoàn khách lẻ về trải nghiệm. Theo hạch toán của chủ trang trại, năm 2023 ngoài thu nhập hơn 400 triệu đồng từ nho, trang trại còn có nguồn thu khoảng 50 triệu đồng từ bán vé cho các đoàn và các dịch vụ liên quan.
Đây cũng chính là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng mới là nho hạ đen, nho sữa Hàn Quốc và những cây trồng giá trị cao hơn theo hướng nông nghiệp hiện đại.
Bí thư Đảng ủy xã Đồng Lợi Lê Đình Sơn cũng khẳng định: “Khu canh tác nông nghiệp gắn đón khách tham quan của anh Hoàng Thanh Minh chính là mô hình sản xuất hiện đại và hiệu quả nhất ở địa phương. Đi sau, nhưng anh không chạy theo phong trào, có ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, có nhiều sáng tạo và cách làm mới nông nghiệp địa phương”.
Nằm ven bờ hữu dòng sông Mã với cảnh quan thơ mộng, Trang trại Ánh Dương của ông Phạm Quang Vọng ở thôn Yên Hoành, xã Định Tân (Yên Định) với nhiều cây trái và đủ loại hoa thơm 4 mùa khoe sắc. Trên tổng diện tích 5 ha phát triển ổn định, ông dành gần 2 ha để phát triển các loài hoa. Từ vườn hồng sặc sỡ, đến những khu trồng hướng dương, hoa cúc vàng rực theo mùa, rồi nhiều loài hoa “lạ” được du nhập từ nhiều vùng, miền khác. Ven đường đi trong nông trại là những cây cảnh, kiểu giàn vòm trồng cây và các loài hoa dây leo. Xen lẫn các vườn hoa và tiểu cảnh là những luống, những khu canh tác rau màu, cà chua, ớt chuông để du khách tham quan, trải nghiệm. Đáng nói, áp dụng phương thức canh tác hữu cơ, đa phần trồng trong nhà lưới nên du khách có thể hái cà chua, ớt ngọt, dâu tây… ăn ngay tại ruộng. Điểm nhấn khác của nông trại là hồ cá Koi rộng tới 14 sào, du khách có thể trải nghiệm cho cá ăn. Một hồ nước nông khác được chủ trang trại du nhập loài hoa súng từ Úc về trồng, những bông hoa chi chít nhô lên mặt nước có thể đổi màu theo giờ. Xen lẫn các khu cho du khách check-in là những lều bát giác để nghỉ ngơi, ngồi ngắm cảnh, thưởng trà…
Để có được khu nông trại theo hướng du lịch, ông Vọng đã mất gần 30 năm nung nấu và từng bước gây dựng. “Từ năm 1994 khu đất trồng lúa sâu trũng này thường xuyên ngập úng, nhiều gia đình bỏ hoang. Tôi đã mạnh dạn đấu thầu 2,2 ha với thời hạn 50 năm. Sau đó tiếp tục dồn đổi, tự tích tụ những khu ruộng xung quanh để hình thành khu trang trại 5 ha. Sau nhiều năm phát triển các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi lợn và gà, tuy có lợi nhuận nhưng không cao, thường tiềm ẩn rủi do dịch bệnh và giá thấp nên sau đó tôi quyết tâm chuyển sang phát triển nông nghiệp trải nghiệm. Thuê thiết kế, chuyên gia về cải tạo, rồi vừa tích lũy, vừa gây dựng để thành mô hình như ngày nay”, ông Phạm Quang Vọng chia sẻ.
Khó khăn nhất không chỉ với ông Vọng mà của đa phần mô hình nông nghiệp trải nghiệm trên địa bàn tỉnh là các thủ tục, cơ chế. Tuy là đất hoang, đất sâu trũng, nhưng để cải tạo phát triển sản xuất đã là cả quá trình xin giấy, chuyển đổi phức tạp. Khi đã sản xuất, muốn phát triển thêm hoạt động đón khách lại thêm hành trình gian nan để chuyển từ đất nông nghiệp sang đất dịch vụ du lịch, mà cấp xã, cấp huyện có đồng thuận vì sự phát triển chung cũng khó có đủ thẩm quyền. Chỉ cần xây dựng những lều cho du khách dừng chân cũng phải chờ đầy đủ thủ tục, rồi hoạt động kết hợp buôn bán đồ uống… cũng phải tuân thủ các quy định.
Cả 3 lần đến mô hình, chúng tôi đều có những ấn tượng riêng bởi nơi đây luôn đổi mới trong cách bài trí, sản xuất mỗi mùa một khác. Dịp Tết dương lịch vừa qua khi có mặt, chứng kiến hàng trăm khách đổ về chụp ảnh, trải nghiệm nhộn nhịp. Tiếng lành đồn xa, cộng với sự quảng bá hình ảnh trên mạng xã hội, nhiều người từ TP Thanh Hóa, rồi các huyện xa cũng tìm về. Theo ghi nhận của chủ mô hình, mỗi năm đã có gần chục nghìn khách về đây, nhiều nhất là các dịp lễ tết, có ngày cả nghìn lượt.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Định Tân Vũ Xuân Thành: “Xã phải ghi nhận cách làm của anh Phạm Quang Vọng là đột phá trong nông nghiệp. Từ khu đất ruộng ít người quan tâm, thậm chí bỏ hoang, anh đã mạnh dạn thuê lại, rồi đấu thầu để xây dựng mô hình nông nghiệp mới lạ ở địa phương. Đây cũng chính là mô hình kinh tế điển hình để xã xây dựng thành công NTM nâng cao và kiểu mẫu. Đến nay, Định Tân đang cùng với gia đình xây dựng mô hình thành sản phẩm OCOP du lịch”.
Có thể kể ra cả chục mô hình nông nghiệp kết hợp phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Lớn thì các doanh nghiệp đứng ra xây dựng thành khu quy mô như Làng Du lịch Yên Trung ở xã Yên Trung (Yên Định) của Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát, nhỏ hơn như Nông trại Golden Cow ở xã miền núi Lương Sơn (Thường Xuân). Nhiều mô hình nhỏ cũng manh nha phát triển dịch vụ đón khách như Nông trại Vạn Hoa ở xã Nga Thạch (Nga Sơn), vườn trại của bà Trần Thị Trang ở xã Quảng Lưu (Quảng Xương), trang trại của ông Hoàng Công Hướng ở xã Hà Long (Hà Trung)…
Qua tìm hiểu, do nhiều nguyên nhân như thiếu vốn và kinh nghiệm, công tác quảng bá chưa tốt, chưa có sự đầu tư bài bản, chưa đủ các điều kiện, nên đa phần các mô hình vẫn sản xuất là chính, dịch vụ tham quan chỉ là kết hợp. Nhiều chủ mô hình chấp nhận phát triển dần từng giai đoạn, tháo gỡ từng bước khó khăn, vướng mắc chờ thời điểm đột phá…
Bài và ảnh: Linh Trường