Những năm qua, ngoài việc quan tâm phát triển kinh tế – xã hội, xã Lũng Niêm (Bá Thước) còn chú trọng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.
Nghề dệt thổ cẩm được người dân xã Lũng Niêm gìn giữ và phát huy.
Thôn Lặn Ngoài có 139 hộ, 521 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một trong những thôn tiêu biểu trong việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, xã Lũng Niêm. Cùng với tiếng Thái được dùng trong giao tiếp hàng ngày, trang phục truyền thống của phụ nữ Thái được sử dụng thường xuyên vào các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị của địa phương, nhiều hộ dân trong thôn còn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm. Năm 2014, thôn Lặn Ngoài được Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ máy may công nghiệp, khung cửi và kinh phí để các hộ dân khôi phục và phát huy nghề dệt thổ cẩm. Nhờ đó, nghề dệt thổ cẩm của địa phương có điều kiện để phát triển. Hiện nay, thôn Lặn Ngoài có hơn 50 hội viên phụ nữ làm nghề dệt thổ cẩm, với thu nhập hơn 3 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ ở thôn Lặn Ngoài, nhiều hội viên phụ nữ các thôn trên địa bàn xã Lũng Niêm cũng tích cực tham gia giữ gìn nghề dệt thổ cẩm. Hiện xã Lũng Niêm có hơn 200 phụ nữ biết dệt thổ cẩm. Những người làm nghề dệt thổ cẩm không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động địa phương.
Cùng với việc khuyến khích động viên người dân tham gia gìn giữ nghề dệt thổ cẩm, xã Lũng Niêm còn quan tâm khuyến khích các thôn thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay, xã đã thành lập được 3 câu lạc bộ, 8 đội văn nghệ quần chúng. Thông qua các câu lạc bộ, đội văn nghệ đã phát động toàn thể hội viên tham gia sưu tầm vốn văn hóa dân gian của dân tộc thiểu số; tổ chức dàn dựng các làn điệu dân ca, dân vũ để phục vụ bà con vào các ngày lễ, tết.
Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của Nhân dân xã Lũng Niêm, các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy. Nhiều hộ dân trong xã còn gìn giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm và sinh sống trong nếp nhà sàn truyền thống. Các loại hình văn hóa truyền thống, trò chơi, trò diễn đều được gìn giữ và phát huy trong cộng đồng. Nhiều nghệ nhân trong xã tích cực tham gia trao truyền cho thế hệ trẻ những làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Thái. Các trường học trên địa bàn xã luôn chú trọng đưa nội dung giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc thiểu số vào các bài giảng, hoạt động trải nghiệm của học sinh.
Ông Bùi Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Lũng Niêm, cho biết: Thực hiện chương trình phát triển du lịch, huyện Bá Thước xác định xây dựng thôn Phố Đòn, xã Lũng Niêm trở thành trung tâm văn hóa du lịch để hình thành điểm đến du lịch văn hóa cho du khách tham quan, trải nghiệm Pù Luông. Đây là điều kiện quan trọng để xã Lũng Niêm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Để làm được điều này, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Hỗ trợ một phần kinh phí để mua sắm trang thiết bị cho các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ hoạt động. Khuyến khích các hộ dân trong xã gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm, phát triển du lịch… Qua đó, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, tạo động lực thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có sức lan tỏa sâu rộng, thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương phát triển.
Bài và ảnh: Xuân Cường