Lần nào lên hang Co Phương cũng vậy, bà Ngoạt gọi tên họ, những con người tuổi xuân phơi phới đã nằm lại nơi núi rừng hùng vĩ, điệp trùng, cho độc lập tự do được nở hoa kết trái.
Bà Nguyễn Thị Ngoạt thăm lại hang Co Phương.
Mái tóc đã bạc, lưng đã còng, bà Nguyễn Thị Ngoạt (sinh năm 1932), ở xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa), người duy nhất sống sót của một tiểu đội gồm 13 dân công hỏa tuyến sau trận bom tàn ác của giặc Pháp trút xuống cửa hang Co Phương năm 1953 vẫn vẹn nguyên ký ức bi thương nhưng rất đỗi hào hùng của một thời hoa lửa. Run run bước chân lên bậc thềm đá, đôi tay nhăn nheo sờ lên tấm bia ghi danh, bà gọi tên từng người, rồi nước mắt lại chảy.
Sáng 2/4, huyện Quan Hóa đã tổ chức trọng thể Lễ tưởng niệm 71 năm ngày các liệt sĩ hy sinh tại hang Co Phương. Tại buổi lễ, đại biểu và Nhân dân đã dâng hoa, dâng hương, tưởng niệm các liệt sĩ. Trước đó, chiều 1/4, huyện đã tổ chức Lễ cầu siêu, thả hoa đăng trên sông Mã tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại khu vực bản Sại, xã Phú Lệ. |
Bà Ngoạt kể, năm ấy, cận Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 1953, bà cùng hơn 130 người quê Thiệu Hóa đã hăng hái đăng ký lên đường tham gia dân công hỏa tuyến, phục vụ Chiến dịch Thượng Lào. Ai cũng khấp khởi chờ cho cái tết nhanh chóng qua đi để được lên đường, với son sắt một lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Khu di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia hang Co Phương.
Và ngày lên đường cũng đến, đó là ngày 21 tháng Giêng (ngày 6/5/1953), bà cùng hơn 130 thanh niên được tổ chức thành 3 trung đội, rời quê hương Thiệu Hóa lên Quan Hóa, Vạn Mai làm nhiệm vụ phục vụ chiến dịch. Trong đoàn ai nấy đều háo hức với hừng hực khí thế “Tất cả vì tiền tuyến, tất để đánh thắng”.
Ngày ấy giao thông khó khăn, hơn 10 ngày sau, những thanh niên ấy đã có mặt trên công trường đắp cầu đường Vạn Mai (Hòa Bình), bắt đầu tổ chức đan sọt, gánh đá làm cầu đường, phục vụ giao thông nối hậu phương Thanh Hóa lên vùng Thượng Lào để chi viện cho bộ đội thắng Pháp.
Trên công trường khi ấy là khí thế hối hả, khẩn trương của bộ đội ta lên đường ra trận, của thanh niên xung phong vận lương tải đạn, của dân công hỏa tuyến phá đá mở đường, san gạt hố bom không kể ngày đêm, mưa nắng.
Bà Ngoạt dâng hương tưởng nhớ những đồng đội mãi mãi nằm lại hang Co Phương.
Đến ngày 31/3/1953, bà Ngoạt và đoàn dân công của huyện Thiệu Hóa được điều về làm cầu Phú Lệ (Quan Hóa), cách công trường cũ khoảng 10km. Dù ở Vạn Mai hay về Phú Lệ, bà Ngoạt tuổi nhỏ hơn, lại chăm chỉ siêng năng nên được Tiểu đội trưởng phân công nấu ăn, giặt giũ quần áo cho tiểu đội. Thường ngày, ngoài lương thực được cấp, bà vẫn vào rừng, lội suối hái thêm ít rau, bắt thêm con cá để cải thiện bữa ăn cho tiểu đội. Buổi tối bà vẫn ra công trường làm việc.
Trong Chiến dịch Thượng Lào, tỉnh Thanh Hóa đã trở thành hậu phương trực tiếp, quan trọng, đảm bảo hơn 70% nhu cầu lương thực. Trong chiến dịch này, tỉnh ta đã huy động 113.973 dân công dài hạn và 148.499 dân công ngắn hạn, 2.000 xe đạp thồ, 180 con ngựa, 08 ôtô, 1.300 thuyền,… |
Nằm cạnh đoạn đường này, hang Co Phương (tên gọi khác là hang Co Phường), theo tiếng Thái có nghĩa là hang cây khế, nằm trong lòng núi Pố Há, ở bản Sại, xã Phú Lệ, vừa là kho, trạm quân lương, cũng là nơi trú quân của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… Do có vị trí quan trọng, nên khu vực này thường xuyên bị thực dân Pháp cho máy bay tuần tra, bắn phá. Bởi vậy, việc làm cầu đường, vận lương tải đạn của ta thường diễn ra vào ban đêm để giữ bí mật.
Mỗi lần đến là mỗi lần bà Ngoạt khóc thương về những đồng đội của mình.
“Cả tiểu đội chúng tôi ban ngày trú ngụ trong hang Co Phương. Còn buổi tối ra công trường làm việc. Và chúng tôi mới ở đó được 1 ngày. Ngày hôm sau (2/4), đã xảy ra vụ tàn sát đau thương ấy”, bà Ngoạt kể lại.
Theo lời bà Ngoạt, vào khoảng 12 giờ trưa ngày 2/4, giặc Pháp cho máy bay trực thăng bay lượn sát ngọn cây khu vực bản Sại. Đến khoảng 3 giờ chiều, chúng đưa thêm 6 máy bay đến ném bom, bắn phá.
“Lúc đó, tôi vẫn đang giặt giũ quần áo cho các anh chị ngoài suối, cách hang Co Phương không xa. Dứt tiếng bom, tôi chạy về hang, không còn tin được quang cảnh hiện ra trước mắt mình. Ngay cửa hang là một người bị thương do đá đè (hy sinh trên đường được đưa đến bệnh viện cứu chữa – PV). Cửa hang bị lấp, 11 người của tiểu đội bị đá đè lấp bên trong. Tôi gào khóc thương các anh các chị, rồi ngất lịm đi”, bà dừng câu kể, rồi lấy tay gạt đi hàng nước mắt ướt nhèm.
Tấm bia ghi danh những dân công hỏa tuyến còn nằm lại trong hang Co Phương.
Sau trận thảm sát ấy, bộ đội công binh và các lực lượng đã bàn phương án phá mở cửa hang. Nhưng chẳng có máy móc nào kéo được những tấm đá nặng hàng chục tấn ấy ra. Mà nếu dùng thuốc nổ, thì chắc gì đã cứu được người bên trong do sức ép từ vụ nổ quá lớn. Vả lại, theo bà Ngoạt, lòng hang Co Phương rất hẹp, phía vòm thông lên bầu trời, giặc Pháp thả hai quả bom hai bên hang khiến nó bị sập hoàn toàn… Vậy nên, 11 dân công hỏa tuyến đã ở lại đó. Họ cùng quê xã Thiệu Nguyên.
Bà Ngoạt tham gia lễ cầu siêu cho các liệt sĩ hy sinh tại xã Phú Lệ.
Hòa bình, đây là lần thứ 5 bà Ngoạt lên thăm lại hang Co Phương, thắp nến hương nhớ về những người đồng đội đã ngã xuống trong trận bom năm ấy. Lần nào cũng vậy, bà vẫn gọi tên họ, những con người đã gửi lại tuổi xuân nơi núi rừng hùng vĩ, điệp trùng cho độc lập tự do được nở hoa kết trái.
Lần này cũng vậy, bà gọi tên từng người, như đã từng gọi họ về ăn cơm của những ngày xưa: “Ba anh, tám chị của em ơi! Anh Hoằng, anh Phước, anh Toàn ơi! Chị Diễu, chị Hội, chị Mứt, chị Thiêm, chị Toản, chị Tố, chị Vân, chị Viên ơi! Em Út Ngoạt lên với các anh chị đây”!. Rồi bà thụp xuống nấc nghẹn, hai tay dựa vào khối đá xù xì.
Thả hoa đăng trên sông Mã tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại khu vực bản Sại, xã Phú Lệ.
Bà Ngoạt nói, trong 11 liệt sỹ hy sinh, 3 anh đã lập gia đình, có con nhỏ ở quê. 2 chị mới lập gia đình và đang mang thai là chị Toản và chị Hội.
Sau này, một vài hội nghị đã được tổ chức có sự tham gia của thân nhân các liệt sĩ để bàn phương án cất bốc hài cốt của họ về quê mẹ Thiệu Nguyên an táng. Các ý kiến đã đi đến thống nhất giữ nguyên hiện trạng, để 11 liệt sĩ được ngàn thu yên giấc nơi núi rừng xanh tươi, hùng vĩ.
Và, ngọn núi Pố Há, nơi có hang Co Phương đã trở thành một nấm mồ chung cho 11 người con quả cảm, ra đi khi tuổi còn xuân.
Bà Nguyễn Thị Ngoạt cùng đại biểu dự Lễ tưởng niệm 71 năm ngày các liệt sĩ hy sinh tại hang Co Phương.
Năm 2019, hang Co Phương đã được Nhà nước xếp hạng Khu di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia. Đó là biểu tượng, địa điểm truyền thống, ghi lại dấu ấn về tinh thần chiến đấu quả cảm, sẵn sàng hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc Nhân dân của thế hệ cha ông đi trước.
Đó cũng là biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước, tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, của tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng” của thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tỉnh Thanh Hóa.
Chiến dịch Thượng Lào của liên quân Lào – Việt toàn thắng vào ngày 3/5/1953, đã mở ra giai đoạn mới cho cách mạng Lào, và tạo thuận lợi chiến lược cho ta tiến lên giành thắng lợi trong Chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tổng kết chiến dịch, Thanh Hóa được Bác Hồ tặng cờ “Phục vụ tiền tuyến khá nhất”… |
Sau trận bom ấy một ngày, bà Ngoạt và những dân công hỏa tuyến ở Thiệu Hóa được cho về quê. Ở nhà chừng nửa tháng, bà lại hăng hái đăng ký tham gia thanh niên xung phong vận lương tải đạn từ Nho Quan (Ninh Bình) lên Hòa Bình, rồi tham gia gánh gạo phục vụ bộ đội ta đánh thắng giặc Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Cho đến năm 1957, bà mới về quê lập gia đình.
Với bà, hễ còn sức trẻ, hễ đất nước cần, bà sẵn sàng lên đường. Đàn bà con gái sức yếu không được cầm súng đánh giặc thì làm đường, vận lương, tải đạn… đều góp phần quan trọng cho chiến thắng.
Và trên những cung đường ấy, Co Phương đã tạc vào tâm khảm, tuy bi thương nhưng rất đỗi hào hùng. Đó là một khúc tráng ca bất tử, nơi bà gửi gắm tâm hồn, lý tưởng, chất chứa ký ức tuổi xuân…
Đỗ Đức