Trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần tăng cường sự đa dạng sinh học, giảm thiểu biến đổi khí hậu và ngăn chặn xói mòn đất. Nhận thức được tầm quan trọng này, nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai các mô hình và đề án phát triển rừng trồng gỗ lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần hiện thực hóa ước mơ làm giàu từ rừng của nông dân.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Như Thanh kiểm tra tình hình phát triển rừng trồng gỗ lớn tại xã Xuân Thái.
Theo tính toán của các chủ rừng cho thấy, lợi nhuận từ rừng trồng gỗ lớn cao hơn nhiều lần so với rừng trồng gỗ nhỏ. Đơn cử, 1ha keo rừng gỗ nhỏ, có chu kỳ từ 5 đến 7 năm, khi khai thác chỉ đạt 50 đến 70 triệu đồng, bao gồm cả chi phí đầu tư, nhân công. Tuy nhiên, cùng diện tích đó, nếu có chu kỳ chăm sóc kéo dài từ 10 đến 15 năm, thì người trồng rừng sẽ bán theo giá trị gỗ xẻ, doanh thu được nâng lên từ 250 – 300 triệu đồng.
Anh Lê Văn Hùng, thôn 2, xã Xuân Du (Như Thanh) cho biết, gia đình anh nhận giao khoán 9ha từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh. Nhiều năm trước đây, diện tích đất rừng này chủ yếu được gia đình anh sử dụng trồng keo, tràm với chu kỳ từ 5 đến 7 năm. Sau khi thu hoạch, trừ các khoản chi phí đã đầu tư, thu nhập của gia đình anh chỉ được từ 10 đến 15 triệu đồng/ha. Nhận thấy lợi nhuận từ trồng rừng gỗ nhỏ thấp, năm 2023, gia đình anh đã chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn, với chu kỳ kéo dài trên 10 năm.
Chia sẻ về lợi ích của việc chuyển đổi này, anh Hùng cho rằng, rừng gỗ lớn mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Nếu chuyển hóa rừng keo gỗ nhỏ sang rừng keo gỗ lớn, với chu kỳ chăm sóc kéo dài lên từ 10 đến 15 năm, giá trị kinh tế của cây keo có thể tăng gấp 3 lần. Đồng thời, việc chuyển sang trồng rừng gỗ lớn cũng giúp gia đình anh giảm được nhiều khoản chi phí phát sinh như: nhân công, phân bón, giống…
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Hữu Trọng, thôn Ấp Cũ, xã Xuân Thái (Như Thanh), có nhiều năm gắn bó với kinh tế lâm nghiệp nhưng nguồn thu nhập từ trồng rừng gỗ nhỏ ngày càng giảm sút. Để nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng, giảm bớt các khoản chi phí đầu tư, năm 2006, gia đình ông đã chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn. Đến nay, cánh rừng gỗ lớn của gia đình ông đang có giá trị tiền tỷ. Trung bình mỗi cây keo trong rừng gỗ lớn của gia đình ông có đường kính từ 50cm trở lên, khối lượng gỗ chắc chắn cao hơn rừng trồng gỗ nhỏ. Ông Trọng chia sẻ: “Tuy thời gian thâm canh trồng rừng gỗ lớn kéo dài nhưng thực tế chủ rừng chỉ phải bỏ công, chi phí chăm sóc trong khoảng 5 năm đầu, những năm tiếp theo cây tự phát triển. Cây hơn 5 năm tuổi cũng hạn chế được những rủi ro về thời tiết như giông lốc, bão lũ”.
Nói về lợi ích của việc phát triển rừng gỗ lớn, ông Lương Hồng Sỹ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh, cho rằng: Việc phát triển rừng gỗ lớn là một trong những chủ trương đúng đắn của Trung ương, của tỉnh nhằm nâng cao giá trị cho rừng. Ngày 5/12/2016, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 4341/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Phát triển rừng trồng gỗ lớn, khoanh nuôi phục tráng rừng lim xanh huyện Như Thanh giai đoạn 2016-2021, định hướng đến năm 2030”. Sau 5 năm triển khai, toàn huyện đã chuyển hóa được hơn 400ha từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; trồng mới hơn 3.700ha rừng gỗ lớn; khoanh nuôi, phục tráng khoảng 90ha rừng lim xanh.
Bên cạnh giá trị về kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân thì trồng rừng gỗ lớn còn mang lại nhiều giá trị về môi trường, xã hội. Ví như mô hình trồng rừng gỗ lớn kết hợp bảo vệ nguồn nước. Đây là việc kết hợp trồng cây lim xanh bản địa, lát hoa để phục hồi hệ sinh thái rừng tự nhiên. Tại các khu vực đồi núi ven sông, suối, rừng phòng hộ, việc trồng rừng gỗ lớn được thiết lập như một giải pháp sinh thái, vừa tăng thu nhập cho các chủ rừng, vừa góp phần giảm nguy cơ xói mòn đất, bảo vệ nguồn nước. Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh trồng mới hơn 54.000ha rừng. Tuy nhiên, giai đoạn này, diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng chủ yếu áp dụng phương thức trồng kinh doanh gỗ nhỏ, chu kỳ từ 5 – 7 năm theo hình thức quảng canh để làm nguyên liệu giấy, dăm gỗ nên giá trị kinh tế thấp.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng, tạo vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung cung cấp cho các nhà máy và làng nghề chế biến gỗ, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4170/QĐ-UBND ngày 27/10/2016, phê duyệt Đề án “Phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Kết quả, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã phát triển được 56.000ha rừng trồng gỗ lớn và duy trì ổn định diện tích này cho đến nay. Các loại cây trồng rừng gỗ lớn chủ yếu là keo tai tượng Úc, trẩu, xoan ta. Trong đó, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững được duy trì hơn 22.000ha tại 7 huyện: Thạch Thành, Quan Sơn, Lang Chánh, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Như Xuân, Như Thanh, với sự tham gia liên kết của 5.369 hộ dân, hình thành 7 chuỗi liên kết giữa các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ và các nhà máy chế biến gỗ. Trung bình sản lượng gỗ khai thác đạt 900.000m3/năm, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng trên 800 tỷ đồng so với năm 2016 – thời điểm trước khi triển khai đề án.
Với mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Thanh Hóa duy trì, phát triển ổn định vùng kinh doanh rừng trồng gỗ lớn quy mô khoảng 56.000ha, đáp ứng nhu cầu gỗ cho chế biến và xuất khẩu. Để mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây, nhiều mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn tại các huyện: Lang Chánh, Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân… đã và đang tiếp tục được triển khai nhân rộng.
Bài và ảnh: Đình Giang
Bài 2: Tiềm năng mở nhưng còn nhiều “rào cản”
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/phat-trien-rung-ben-vung-bai-1-loi-ich-kep-tu-rung-trong-go-lon-234193.htm