Có diện tích khoảng 7,5 ha, xung quanh được bao bọc bởi sông nhà Lê và hệ thống cây cổ thụ xanh mát, quần thể Di tích lịch sử – văn hóa Lê Thì Hiến ở xã Thọ Phú (Triệu Sơn) như một ốc đảo nhỏ, linh thiêng và tĩnh lặng.
Một góc khuôn viên Di tích lịch sử – văn hóa Lê Thì Hiến. Ảnh: Khắc Công
Theo lịch sử ghi lại, Lê Thì Hiến (1610-1675) là con của quan Đô đốc Thiêm sự Thiếu phó Phong Quận công Lê Thì Nghi và ông ngoại là Thái bảo Nông Quận công ở xã Phú Hào, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên – nay là thôn Phú Hào, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), ông là danh tướng thời Lê Trung hưng. Ông là một trong những vị tướng có tài thao lược, đánh Đông, dẹp Bắc đều toàn thắng. Trong sự nghiệp binh đao của mình, ông đã được triều đình ban thưởng nhiều huân danh cao quý, như: Đô đốc Đồng tri, tước Hào Quận công, tăng Hữu Đô đốc.
Từ nhỏ, Lê Thì Hiến đã nổi tiếng thông minh, tài trí hơn người, học đâu hiểu đó, thông làu kinh sử. Lớn lên, ông thuộc binh thư, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, chăm chỉ rèn luyện nên sớm trưởng thành. Năm 28 tuổi, đời Vua Lê Thần tông (1637), Lê Thì Hiến được tấn phong chức Chánh đội trưởng. Đến năm Quý Sửu (1643) ông đã được phong đến chức Thượng tướng quân, tước Hầu. Năm 1645 ông được thăng tước Quận công và lấy tên xã là Hiệu phong Hào Quận công, Phúc Thái.
Thời Lê Thần tông, Lê Thì Hiến làm tướng võ. Lúc đó tướng Đàng Trong là Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật mang quân ra đánh úp dinh, Lê Thì Hiến thua trận phải rút lui. Vì việc này, ông bị mất chức.
Năm 1655, quân Đàng Trong lại mang quân ra đánh ra Bắc và chiếm được 7 huyện ở Nghệ An. Lê Thì Hiến được triều đình bỏ qua lỗi thua trận và cử cùng tướng Trịnh Toàn giao tranh với quân Nguyễn ở Thạch Hà và giành thắng lợi. Nhờ công lao trận này, ông được thăng Đô đốc đồng tri, tước Hào Quận công. Mùa đông năm 1658, Lê Thì Hiến lại cùng Đào Quang Nhiêu chia nhau tiến binh, đánh tan quân Nguyễn ở làng Tuần Lễ (Hà Tĩnh). Năm 1659, Lê Thì Hiến được thăng làm Thiếu bảo. Năm 1660, Trịnh Căn phát đại quân tiến công quân Nguyễn. Lê Thì Hiến vượt cửa biển Hội Thống, theo đường Tả Ao thuộc huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh ngày nay) đánh quân Nguyễn. Hai bên giao tranh dữ dội, Lê Thì Hiến phá được lũy Hùng Lộc, đốt dinh trại, thu được rất nhiều voi, ngựa và khí giới. Khi chúa Trịnh phò vua Lê ngự giá đem quân đánh Đàng Trong (năm 1672), lúc rút quân về, Lê Thì Hiến được giao ở lại giữ vùng đất Nghệ An.
Không chỉ là dũng tướng trên “chiến trường” khi đối địch với Đàng Trong, Lê Thì Hiến còn thể hiện tài năng hơn người khi xung trận ra phía Bắc đánh dẹp tàn quân nhà Mạc. Khi chúa Trịnh Tạc mang đại quân đánh tàn quân Mạc ở Cao Bằng (năm 1665), Lê Thì Hiến được giao làm thống lãnh, theo đường Thái Nguyên tiến vào. Sau trận đại thắng này, ông lại được tin tưởng giao ở lại trấn thủ một vùng rộng lớn Sơn Tây. Năm 1670, ông làm thống suất Tây đạo, cùng Nguyễn Đức Triêm đi đánh tù trưởng ở Tuyên Quang là Ma Phúc Lan, chém chết Lan và ổn định tình hình địa phương. Năm 1674, ông được phong làm Thái phó.
Ông là người trung nghĩa, khảng khái, có trí lược, dũng cảm, có tài ứng biến, trị quân. Mỗi khi xuất chinh thường lập công lớn. Trong 50 năm chinh chiến, giúp triều đình đánh Đông, dẹp Bắc, lập nhiều công lao, Lê Thì Hiến lúc đương triều đã từng được giữ chức Phụng sai Kinh Bắc xứ Trấn thủ quan, Hữu dực cơ Cai cơ quan, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Nam quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Thiếu bảo, tước Thạc Quận công. Năm 1675, Lê Thì Hiến qua đời khi đang trấn thủ Nghệ An, hưởng thọ 66 tuổi. Ông được triều đình truy tặng hàm Thái tể, tên thụy là Nghiêm Trí và phong làm phúc thần; được triều đình cho xây dựng đền thờ và khu lăng tẩm ngay tại quê nhà làng Phú Hào, xã Thọ Phú (Triệu Sơn). Theo sử liệu, văn bia và một số tài liệu còn lưu giữ tại làng quê Phú Hào ngày nay, Di tích lịch sử – văn hóa Lê Thì Hiến là công trình kiến trúc nghệ thuật điêu khắc đá độc đáo, điển hình ở thế kỷ 17.
Trước đây, di tích có 18 pho tượng được làm bằng đá khối, đường nét hoa văn được chạm khắc tinh xảo, voi đá, ngựa đá, ông phỗng ngồi chầu, bia đá và bàn thờ bằng đá. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiến tranh, hiện nay khu di tích chỉ còn một số hiện vật, như: văn bia, sập đá, hương án, ngựa đá, voi đá… Trong đó, riêng tấm văn bia ghi lại cuộc đời, binh nghiệp của Lê Thì Hiến vẫn còn nguyên vẹn. Cách đó 1 km là tấm bia ghi công trạng của Tướng quân Lê Thì Hải (con trai Lê Thì Hiến), là danh tướng lập nhiều chiến công ở miền biên cương phía Bắc thời Lê Gia tông, Lê Hy tông, Lê Dụ tông.
Di tích lịch sử – văn hóa Lê Thì Hiến đã được UBND tỉnh công nhận năm 1993, nhưng đến nay mới được đầu tư xây dựng một số công trình phụ trợ như: cầu, đường, nhà sắp lễ, còn các hạng mục khác chưa được đầu tư nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Khắc Công