Với quyết tâm “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã giành toàn thắng, Bắc – Nam hai miền thống nhất, non sông ca khúc khải hoàn.
Xe tăng quân giải phóng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. Ảnh: tư liệu
Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị ở cả hai miền Nam – Bắc, ngày 10/3/1975 quân ta đánh chiếm và giải phóng Buôn Ma Thuột, mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, tiến lên giải phóng toàn bộ vùng cao nguyên chiến lược, mở ra thời kỳ phát triển nhảy vọt của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam. Trước tình hình ta thắng lớn ở Tây Nguyên, trong cuộc họp ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Tiếp đó, ngày 25/3, Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Ngày 25/3, quân và dân ta giải phóng TP Huế; ngày 29/3, giải phóng Đà Nẵng và đến ngày 3/4 ta quét sạch quân địch khỏi các tỉnh ven biển miền Trung từ Đà Nẵng đến Cam Ranh. Ngày 1/4/1975, trước tình hình quân và dân ta đang tiến công như vũ bão trên chiến trường, Bộ Chính trị tiếp tục bổ sung quyết tâm chiến lược mới: giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, không thể để chậm hơn. Ngày 16/4, quân, dân ta đập vỡ tuyến phòng ngự từ xa của địch ở Phan Rang và ngày 20/4, Xuân Lộc – “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn bị nghiền nát.
Ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu. Năm mục tiêu quan trọng đã được Bộ Chỉ huy chiến dịch xác định, gồm Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu Ngụy, Dinh Tổng thống Ngụy quyền, Biệt khu thủ đô và Tổng Nha cảnh sát. Về cách đánh, Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương hình thành thế bao vây, cô lập địch trong thành phố; sử dụng lực lượng thích hợp trên từng hướng chia cắt, tiêu diệt địch ở bên ngoài. Đồng thời, sử dụng một bộ phận quan trọng lực lượng tổ chức thành những mũi đột kích mạnh, thọc sâu đánh thẳng vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm 5 mục tiêu đã được xác định. Từ đó, tỏa ra phối hợp với các đơn vị đặc công, biệt động, tự vệ thành phố và quần chúng nổi dậy, đánh chiếm tất cả các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế trong thành phố. Một số lực lượng đặc công, biệt động và lực lượng vũ trang tại chỗ được giao nhiệm vụ đánh chiếm và làm chủ các cầu, tham gia cùng các đơn vị hỏa lực khống chế sân bay và các trận địa pháo của địch. Phương châm là hiệp đồng chặt chẽ, tiến công nhanh, hạn chế đến mức thấp nhất thương vong của bộ đội và tổn thất về tính mạng, tài sản của Nhân dân.
Sau 2 ngày mở màn cuộc tổng công kích, tình hình diễn biến trên chiến trường có lợi cho ta. Ngày 29/4, các cánh quân ta trên 5 hướng đã đồng loạt nổ súng hiệp đồng chiến đấu, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng và mở cửa thọc sâu trung tâm Sài Gòn. Đến 5 giờ 30 phút sáng 30/4/1975, các hướng đồng loạt đánh vào Sài Gòn, buộc tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng của quân ta đã tung bay trên Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc hoàn toàn cuộc kháng chiến kiên cường, bất khuất và dài đằng đẳng suốt gần 21 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Với chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, Nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh thực dân mới của đế quốc Mỹ – một trong những cuộc chiến có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Khi nói về thất bại này, Mácxoen Taylo, Nguyên Đại sứ Mỹ ở miền Nam Việt Nam, nhà chiến lược có tên tuổi của nước Mỹ, đã thú nhận: “Tất cả chúng ta đều có phần của mình trong thất bại của Mỹ ở Việt Nam và chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này mà chỉ toàn là ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó”.
Còn khi nói về chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta, Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định: “Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chính là một cuộc tổng tiến công kết hợp với nổi dậy như vậy, một trận tổng hợp sức mạnh tất thắng và tài thao lược Việt Nam, sự phối hợp tuyệt đẹp về quân sự, chính trị, thể hiện sáng ngời của bạo lực cách mạng như Đảng ta quan niệm. Đại thắng mùa xuân năm 1975 thể hiện ý chí kiên trì, quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do và CNXH, coi mục tiêu của cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân tiến lên CNXH là mục đích chính trị nhất quán, bất biến của chiến tranh cách mạng”.
…
Ngót nửa thế kỷ kể từ mùa xuân thống nhất ấy, đất nước ta đã thực hiện một cuộc biến đổi vô cùng quan trọng, có tính quyết định đến sự hưng thịnh của quốc gia – dân tộc. Đó là tiến hành công cuộc đổi mới gần 40 năm và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (năm 1991). Trong quá trình ấy, lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên ở nước ta ngày càng được phát triển và hoàn thiện. Đồng thời, công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước theo con đường XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng từ năm 1986 đến nay, đã thu được những thắng lợi, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ đó, đưa đất nước ta từ một nước nghèo trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Đất nước được xây dựng ngày càng đàng hoàng hơn, đời sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện căn bản, toàn diện hơn, vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Cầu Hàm Rồng – một “tọa độ lửa” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
Thành quả to lớn từ công cuộc đổi mới đất nước, đã tạo dựng nền móng cho một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng – một mục tiêu lớn lao và cao cả mà cả dân tộc ta đang theo đuổi. Đồng thời, một lần nữa khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam không chỉ là một “biểu tượng của tinh thần đấu tranh chống áp bức”; mà với chiến thắng oanh liệt chống đế quốc Mỹ, cùng sự vươn dậy của dân tộc trong suốt gần 40 năm đổi mới – với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế được khẳng định, đã đưa Việt Nam trở thành “một trong những nhân tố, những dữ kiện mà các nước lớn phải tính đến khi hoạch định chiến lược và sách lược đối ngoại”.
Lịch sử vẻ vang chính là động lực quan trọng để xây dựng đất nước hưng thịnh. Bởi đất nước đã đi qua những năm chiến tranh gian khổ, ác liệt tưởng chừng không đong đếm hết, cho nên, hơn ai hết chúng ta càng phải quý trọng và gìn giữ lấy nền hòa bình. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, có một điều cốt tử – một bài học vô cùng đắt giá được đánh đổi bằng vô vàn máu xương, đó là phải giữ vững quyền độc lập, tự chủ dân tộc để làm nền tảng đưa nước ta vững bước đi lên CNXH. Như di huấn của ông cha ta: “Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy nghìn thu”. Muốn vậy, Đảng ta đã chỉ rõ, cần nhận thức ngày càng toàn diện hơn, sâu sắc hơn về động lực và nguồn lực xây dựng CNXH mang bản sắc Việt Nam, đặc biệt là đề cao vai trò của văn hóa với tư cách là sức mạnh nội sinh, xung lực quan trọng của quá trình phát triển đất nước. Đồng thời, tập trung xác lập mục tiêu, hệ giá trị nhân văn của CNXH Việt Nam trong bối cảnh mới; xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường trong từng bước phát triển. Cùng với đó là chú trọng phát triển lý luận về quốc gia – dân tộc hiện đại và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng nặng nề, phức tạp hơn trong giai đoạn phát triển mới. Đặc biệt, phát triển hơn nữa lý luận về vai trò, sứ mệnh của Đảng, nhất là về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Bài và ảnh: Lê Dung