Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhân dân xã Ban Công (Bá Thước) đã đóng góp nhiều sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến. Sau 70 năm, diện mạo nơi đây đã có nhiều đổi thay…
Con đường vận chuyển lương thực, vũ khí từ xã Ban Công (Bá Thước) đi huyện Quan Hóa đã được đầu tư xây dựng.
Ban Công là xã có địa hình núi non hiểm trở, thuận lợi cho việc thành lập căn cứ địa để tác chiến. Đầu năm 1947, quân Pháp từ Lào chia thành 3 cánh quân tiến theo sông Luồng, sông Lò, sông Mã vào miền Tây Thanh Hóa. Ngày 7/5/1947, quân Pháp tiến quân đánh chiếm vùng đất La Hán, xã Ban Công. Sau đó, quân Pháp tổ chức các đảng phái phản động, mưu đồ lập các xứ Mường, Thái tự trị để uy hiếp vùng trung du Thanh Hóa và phía Tây Nam.
Trước tình hình này, xã Ban Công đã xây dựng một trung đội dân quân tập trung lấy tên là Đại đội bộ đội Cầm Bá Thước. Đội quân này ngày đêm luyện tập và sẵn sàng chiến đấu khi có quân Pháp. Đồng thời xã Ban Công vận động lực lượng thanh niên trong xã tham gia dân quân du kích, chuyên cần tập luyện quân sự và tích cực tham gia nhập Đại đội bộ đội Cầm Bá Thước.
Tháng 5/1947, Đại đội bộ đội Cầm Bá Thước phối hợp với dân quân xã Ban Công kích giật bom tại làng Xôi Lôi, xã Ban Công khi quân địch từ đồn La Hán càn quét vào làng Chiềng Lau làm nhiều lính Pháp bị thương vong. Cũng trong thời gian này, Nhân dân xã Ban Công cùng với quân dân trong huyện, trong tỉnh đã kiên cường chiến đấu, đập tan âm mưu của thực dân Pháp, chiếm đánh đồn La Hán, buộc bọn chúng phải rút quân khỏi nơi đây. Việc đánh tan quân Pháp ở đồn La Hán là bước mở đường cho sự kiện giải phóng đồn Cổ Lũng (Bá Thước).
Đồn La Hán do quân Pháp xây dựng nay chỉ còn là phế tích.
Từ năm 1948 đến năm 1953, cán bộ, quần chúng Nhân dân xã Ban Công đã chú trọng đến việc xây dựng cơ sở kháng chiến, phát triển các đội quân du kích và cùng với bộ đội chủ lực chiến đấu giải phóng đồn La Hán và tích cực tham gia các cuộc đánh chiếm giải phóng đồn Cổ Lũng.
Bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, xã Ban Công tiếp tục góp công, góp của cùng với Nhân dân huyện Bá Thước vận chuyển được 1.352 tấn lương thực từ Bá Thước lên thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa).
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Tư, Bí thư Đảng ủy xã Ban Công, chia sẻ: Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Nhân dân Ban Công rất tự hào vì đã góp sức người, sức của cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có sự đóng góp nhân lực, vật lực của cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Ban Công. Toàn xã có 116 người đi bộ đội, dân công dài hạn tham gia chiến đấu và vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ cho tiền tuyến.
Nối tiếp trang sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ, Nhân dân xã Ban Công tiếp tục nêu cao tinh thần yêu nước, sẵn sàng cung cấp nhân lực, vật lực chi viện cho tiền tuyến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Ban Công có hơn 200 người lên đường nhập ngũ; 130 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu trên các chiến trường. Trong đó, có 89 người đã anh dũng hy sinh, có nhiều thương binh, bệnh binh…
Với những cống hiến trong chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc, xã Ban Công đã được nhận nhiều danh hiệu cao quý, như: Huân chương Lao động hạng Ba; đơn vị tiên tiến; đơn vị quyết thắng và nhiều phần thưởng khác… Đặc biệt, năm 2018, Đảng bộ và Nhân dân xã Ban Công đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Ban Công vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tiếp nối truyền thống anh hùng, trong công cuộc đổi mới hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Ban Công đã và đang chung sức, đồng lòng, vượt qua những khó khăn, thách thức xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Hiện nay, cuộc sống mới đã hồi sinh ngay trên đồn giặc năm xưa.
Theo sự chỉ dẫn của lãnh đạo xã Ban Công, chúng tôi đến thăm thôn La Hán – nơi quân Pháp chiếm để xây dựng đồn La Hán, giờ đây đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, những tuyến đường đất được thay thế bằng những con đường bê tông. Phấn khởi trước sự thay đổi của quê hương, ông Hà Văn Dũng, một trong những người cao tuổi ở thôn La Hán có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới (NTM), cho biết: “Nơi tôi sinh ra là nơi đóng quân của giặc Pháp, trải qua bao biến cố của lịch sử, thôn La Hán hôm nay có nhiều đổi thay. Triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, bà con thôn La Hán đã đóng góp khoảng 3 tỷ đồng, 1.000 ngày công lao động để làm đường giao thông. Do làm tốt công tác huy động sức dân, đường giao thông của thôn đã cơ bản được bê tông hóa. Nhìn các cháu học sinh tung tăng đến trường trên những con đường bê tông, tôi cảm thấy phấn khởi vô cùng”.
Một góc của thôn La Hán.
Cùng với thôn La Hán, Nhân dân các thôn trên địa bàn xã Ban Công đang từng ngày nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình và tích cực góp công, góp của xây dựng NTM. Hiện nay, nhiều công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang, trên nhiều tuyến đường giao thông của xã có đèn điện chiếu sáng, trồng hoa, gắn camera giám sát an ninh, trật tự. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đạt 39 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,51%; tỷ lệ nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng là 92,3%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 85%; tỷ lệ đường ngõ xóm được đổ bê tông đạt 85,47%…
Người dân xã Ban Công tích cực cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế.
“Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Ban Công viết tiếp những trang sử vẻ vang trong công cuộc đổi mới, phấn đấu xã đạt chuẩn NTM, xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng với công sức và sự hi sinh của thế hệ cha anh đã dâng hiến cả cuộc đời cho Tổ quốc”, ông Lương Văn Tư, Bí thư Đảng ủy xã Ban Công, cho biết.
Xuân Cường