Sáng 4/4 (tức 26/2 âm lịch), tại đền Sòng Sơn thuộc phường Bắc Sơn, UBND thị xã Bỉm Sơn đã long trọng tổ chức Lễ hội Sòng Sơn – Ba Dội năm 2024.
Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự lễ hội.
Lãnh đạo thị xã Bỉm Sơn và các đại biểu dự lễ hội.
Dự lễ hội có đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành cấp tỉnh, thị xã Bỉm Sơn và huyện lân cận; các bản hội cùng đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.
Lãnh đạo thị xã Bỉm Sơn đánh hồi trống khai hội.
Lễ hội Sòng Sơn – Ba Dội đã có từ lâu đời, phản ánh nhu cầu văn hóa, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn. Đồng thời thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, tri ân Thánh Mẫu Liễu Hạnh – một trong 4 vị Thánh bất tử của dân tộc Việt Nam.
Các bản hội về dự lễ.
Lễ hội cũng là dịp để các tầng lớp Nhân dân tưởng nhớ công lao to lớn của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ, cách đây 235 năm đã dừng chân tại đèo Ba Dội để cùng Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở chiêu mộ binh lính, tập kết quân lương, luyện tập nghĩa sĩ, luận bàn kế sách trước khi hành quân giải phóng Thăng Long. Chiến công ấy đã ghi tạc vào lịch sử chống giặc ngoại xâm, giành lại giang sơn, đất nước của dân tộc ta.
Các đại biểu và đông đảo Nhân dân, du khách thập phương về dự lễ hội.
Đền Sòng Sơn nơi gắn liền với Lễ hội Sòng Sơn, trước đây gọi là đền Sùng Trân, được xây dựng dưới thời vua Lê Hiển tông (1740-1786) ở làng Cổ Đam, Phú Dương, phủ Hà Trung (nay thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn). Đền Sòng Sơn có không gian linh thiêng, cảnh vật hữu tình, kiến trúc và bài trí hài hòa đậm nét truyền thống văn hóa Việt Nam và nổi tiếng với câu ca truyền tụng “Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh”. Nơi đây thờ Mẫu Liễu Hạnh là một trong những vị thần quan trọng nhất của đạo Mẫu Việt Nam. Năm 1993, đền Sòng Sơn – Ba Dội được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngày 14/1/2019, đền Sòng Sơn đã được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.
Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tưởng nhớ công đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Nghi thức tế lễ (đọc chúc văn) tại lễ hội.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng cùng các đại biểu đã dâng hương tưởng nhớ công đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Sau hồi trống khai hội của lãnh đạo thị xã Bỉm Sơn, nghi thức tế lễ (đọc chúc văn) được cử hành thành kính và trang nghiêm nhằm gửi gắm những ước muốn, khát vọng của Nhân dân về cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình an.
Chương trình nghệ thuật “Huyền tích tiên nữ đèo Ba Dội”.
Tiếp đến là chương trình nghệ thuật “Huyền tích tiên nữ đèo Ba Dội” thu hút sự quan tâm của đông đảo Nhân dân và du khách thập phương. Tại đây, Thánh Mẫu Liễu Hạnh hóa phép giúp đỡ khách bộ hành qua đèo Ba Dội; dạy cho dân trong vùng biết cách đào giếng lấy nước, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải; “cứu khổ, trừ tai”, “khuyến thiện, trừ ác”, thương yêu chúng sinh vô hạn, dạy người dân “tu thân dưỡng tính” theo tinh thần đạo Phật.
Lễ rước bóng Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Lễ rước rước kiệu Hoàng Đế Quang Trung
Sau chương trình nghệ thuật là nghi lễ rước bóng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, rước kiệu Hoàng Đế Quang Trung lên nhà bia Ba Dội về đền Chín Giếng và hoàn vị.
Cũng trong khuôn khổ của lễ hội, từ ngày 2 đến ngày 3/4/2024, thị xã Bỉm Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc như kéo co, thi nấu cơm, cờ tướng, hội hầu văn thánh.
Thông qua việc tổ chức Lễ hội Sòng Sơn – Ba Dội, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân và giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục tinh thần yêu nước, thương dân, tinh thần đoàn kết trong xây dựng quê hương, đất nước. Đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân thị xã Bỉm Sơn trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh hiện có. Từ đó, tiếp tục quan tâm đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh của thị xã Bỉm Sơn ngày càng hiệu quả.
Trần Thanh