Hơn 70 năm qua, cứ đến ngày 21/11 âm lịch, 27 hộ gia đình trong thôn Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân) đều tổ chức giỗ cùng ngày. “Đó là quá khứ đau buồn nhất của cả làng”, ông Đỗ Huy Nhất, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Trung Lập 2, cho biết.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, các làng của xã Xuân Lập là vùng hậu phương vững chắc, trở thành nơi sơ tán, đóng quân của nhiều cơ quan, đơn vị của tỉnh và trung ương như: Trung đoàn 9, Trung đoàn 66 (đơn vị pháo 75 ly), Tiểu đoàn 355, Sư đoàn 304; Xưởng quân giới Phạm Hồng Thái; Sở quân giới Liên khu Ba; Nơi làm việc của tướng Hoàng Minh Thảo và các chuyên gia Trung Quốc; Phòng chính trị, Quân báo của Đại đoàn 308 có sự làm việc thường xuyên với các tướng Vương Thừa Vũ và Cao Văn Khánh; Viện vi trùng chống sốt rét; Kho bạc và Sở Tài chính liên khu Ba; Quân y viện hậu phương B; Bệnh viện K71 của quân đội (sau năm 1954 bàn giao cho tỉnh Thanh Hóa và chuyển thành Bệnh viện Lao Thanh Hóa); Trạm đón nhận các tù binh Pháp (bị thương hoặc đau yếu); Trại điều dưỡng Liên khu Ba – nơi săn sóc, điều trị các thương, bệnh binh ở chiến trường về; Ngân hàng Liên khu Ba; Trại thương binh của tỉnh; Các kho tàng vũ khí, lương thực… Ngoài ra, các làng của xã Xuân Lập còn được chọn làm nơi hội họp và mở lớp huấn luyện chính trị, quân sự của tỉnh và liên khu Ba, Bốn…
“Gian khổ là thế, nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn và căm thù giặc, nhân dân Xuân Lập nói chung và làng Trung Lập nói riêng lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh chia sẻ; đùm bọc, giúp đỡ các cơ quan, đơn vị đóng quân và làm việc tại đây như tình thân ruột thịt. Vì thế mà các phong trào “Đảm phụ quốc phòng”; “Lúa khao quân”, “Dân quân tự túc”, “Cấp dưỡng bộ đội địa phương”, “Công trái quốc gia”, “Công phiếu kháng chiến”, Quỹ đảng, Quỹ mua súng… đều được bà con hưởng ứng và tham gia quên thân mình” (Địa chí xã Xuân Lập, NXB Thanh Hóa, 2019).
Ông Đỗ Huy Nhất, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Trung Lập 2, giới thiệu về bia tưởng niệm.
Cuộc kháng chiến chống Pháp càng về sau càng căng thẳng, đòi hỏi nhiều hơn sự đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Ngày 1/5/1951, để giải quyết yêu cầu lương thực, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh thuế nông nghiệp (số 13-SL) và đến ngày 15/7/1951 lại ban hành tiếp Sắc lệnh số 40 để công bố Bản điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp. Đây là một chủ trương, chính sách lớn được quán triệt sâu sắc đến toàn Đảng, toàn dân.
Dưới sự chỉ đạo sâu sát của chi bộ Đảng và sự kiểm tra, đôn đốc của chính quyền, đoàn thể, chỉ riêng đợt thuế đầu tiên trong năm 1951, các làng thuộc xã Xuân Lập đã thu được tới hơn 100 tấn thóc.
“Ngoài niềm vui hoàn thành chỉ tiêu thuế nông nghiệp với nhà nước, để kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), ăn mừng chiến dịch Hà Nam Ninh (còn gọi là chiến dịch Quang Trung), từ sáng ngày 21/12/1951, bà con nhân dân làng Xuân Lập đã tổ chức liên hoan. Niềm vui đã phút chốc biến thành tang thương. Thực dân Pháp đã rải xuống nơi này 9 quả bom, khiến 36 người chết, nhà cửa, sân vườn tan hoang”, ông Đỗ Huy Nhất, Bí thư kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Trung Lập 2 chia sẻ thông tin.
Ông Đỗ Đình Tốn chứng kiến sự kiện 36 người chết khi ông vừa 7 tuổi.
Dù thời điểm đó mới 7 tuổi nhưng đến nay ông Đỗ Đình Tốn vẫn nhớ rất rõ sự kiện. Bởi, “chỉ riêng gia đình tôi đã có tới 7 người chết, trong đó có bà nội, bác cả, bác hai, bác dâu, bố, mẹ và em trai. Người chết gần hết, ngôi nhà 5 gian cũng bay trụi. Nhà tôi chỉ còn người chị 10 tuổi, tôi 7 tuổi và cô em 2 tháng tuổi, cùng đám đất và 2 hố bom”.
36 người chết ngày hôm đó thì có 31 người cùng làng, trong đó có 3 người còn rất nhỏ, chừng 1-2 tuổi, chưa được đặt tên. Vì thế, các ông bà trong làng đặt cho tên là Đỏ. 6 người đến nay cũng không xác định được danh tính. .
“Nằm ngay ngã ba làng, nhà bia tưởng niệm 36 thường dân vô tội nhắc nhở con cháu trong thôn Trung Lập nói riêng, xã Xuân Lập nói chung về những năm tháng cả dân tộc cùng vượt qua gian khổ, hy sinh, người dân trong làng thiệt mạng vì đạn bom của thực dân Pháp. Căm thù giặc, nhiều thanh niên trong làng đã xung phong đi bộ đội, tham gia vào các chiến dịch, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ”, ông Đỗ Huy Nhất cho biết thêm.
Kiều Huyền