Chiều 8/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ để phục vụ công tác xây dựng luật tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.
Toàn cảnh hội nghị.
Dự hội nghị có đồng chí Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá; đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất đánh giá: Qua hơn 15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ đã có những tác động tích cực đến công tác bảo đảm trật tự, ATGT, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân cơ bản là do 2 lĩnh vực quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý về bảo đảm an ninh – trật tự, ATGT khác nhau, có nhiều nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Do vậy, việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 luật: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, ATGT đường bộ là hết sức cần thiết; giúp lực lượng chức năng chủ động trong công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách về bảo đảm an ninh – trật tự, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Các đại biểu dự hội nghị.
Góp ý đối với dự thảo Luật Đường bộ, các đại biểu đề nghị nghiên cứu để tăng tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị loại 3, loại 4, loại 5.
Xem xét sửa đổi việc xây dựng, lắp đặt công trình, biển quảng cáo quy định tại khoản 1 Điều 18 phải được cơ quan quản lý đường bộ chấp thuận vị trí, quy mô công trình, kích thước biển quảng cáo, phương án thi công để bảo đảm ATGT, an toàn cho công trình đường bộ và công trình liền kề khác; phải được cơ quan quản lý đường bộ cấp phép trước khi thi công.
Đề nghị sửa đổi điểm a, khoản 5, Điều 15 thành: “Mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ được xác định trên cơ sở quy mô, hướng tuyến, phạm vi xây dựng công trình đường bộ theo quy hoạch chuyên ngành đường bộ và quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Nghiên cứu, bổ sung nội dung quy định về việc giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định đầu tư đối với đường cao tốc trên địa bàn…
ĐBQH chuyên trách Cầm Thị Mẫn phát biểu tại hội nghị.
Góp ý vào dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ, các đại biểu đề nghị cần xem xét bổ sung một khoản tại Điều 3 để giải thích cụ thể về thuật ngữ “tổng thành” nhằm bảo đảm tính khả thi, thuận tiện trong thực thi.
Đồng thời đề nghị cần làm rõ các căn cứ, cơ sở khoa học của quy định cấm để đảm bảo tính thuyết phục, tránh tình trạng không quản lý được thì cấm gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực tới xã hội.
Xem xét phân hoá, làm rõ để áp dụng quy định cấm, hoặc hạn chế “nồng độ cồn” đối với các nhóm loại xe cơ giới khác nhau nhằm bảo đảm tính đồng thuận trong xã hội khi triển khai thực hiện.
Đại biểu tham gia phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Các đại biểu cũng đề nghị xem xét đưa vào đào tạo và cấp chứng chỉ cho người lái xe gắn máy, xe điện thuộc độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi; làm rõ hơn cơ sở pháp lý và thực tiễn quy định về việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ; nghiên cứu, xem xét việc kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ đối với trường hợp lái xe bị trừ hết điểm của giấy phép lái xe…
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thông tin đến cử tri về chương trình, nội dung Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đồng thời nhấn mạnh: Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ. Hai đạo luật này hết sức quan trọng, có tác động rất lớn đến kết cấu hạ tầng giao thông và quan trọng hơn là tình hình ATGT; được cử tri, Nhân dân cả nước và toàn xã hội quan tâm.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng các ý kiến phát biểu của đại biểu thể hiện sự kỹ lưỡng, công phu, nội dung đóng góp xác đáng, trách nhiệm cao. Các đại biểu đều muốn đóng góp sức mình, ngành mình để hoàn thiện các đạo luật. Trong đó, các ý kiến có căn cứ thực tiễn đều rất sâu sắc, phản ánh được những vấn đề mà thực tiễn của địa phương, của tỉnh đang phát sinh, có vướng mắc, cần điều chỉnh.
Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu và tổng hợp đầy đủ các ý kiến, từ đó thể hiện quan điểm, căn cứ tham gia thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội tới đây, để Quốc hội xem xét, hoàn chỉnh và sớm thông qua các dự án luật.
Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp lại những ý kiến, kiến nghị xác đáng của các đại biểu để báo cáo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, nghiên cứu.
Quốc Hương