Chỉ 600 m2 đất vườn sát nhà, ông Phạm Văn Quý ở thôn Tân Thành, xã Thọ Hải (Thọ Xuân) đã năng động ứng dụng các tiến bộ trong trồng trọt, tìm cho mình đối tượng cây trồng canh tác riêng. Đáng nói, hệ số xoay vòng đất được đẩy lên rất cao, chỉ 15 – 20 ngày đã thu hoạch một lứa cây trồng nên thu nhập đạt khoảng 300 triệu đồng mỗi năm.
Ông Phạm Văn Quý, xã Thọ Hải bên khu vườn chuyên canh rau giống. Ảnh: Linh Trường
Những ngày đầu tháng 7 dưới ánh nắng gay gắt, nhưng khắp khu vườn gia đình ông Quý vẫn phủ màu xanh ngát của những mầm rau. Toàn bộ khu vườn được ông che phủ lưới đen che cường độ ánh nắng. Hệ thống khung kẽm được lắp đặt các vòi tưới phun sương nên khu vườn luôn duy trì độ ẩm. Khác biệt với những mô hình trồng rau khác là ở đây, gia chủ không trồng rau thương phẩm mà mua hạt giống để ươm bán cây giống rau. Từ các gói hạt giống su hào, ớt, bắp cải, cà chua và nhiều loại rau khác được gieo nảy mầm với mật độ dày như mạ, khi được 3 – 4 lá sẽ được nhổ, đóng trong bầu lá chuối để đưa đi cung ứng khắp nơi. Trung bình mỗi năm, ông Quý dành 8 tháng sản xuất giống rau, 4 tháng còn lại khi nhu cầu thị trường ít đi, sẽ được ông trồng các loại rau thơm thương phẩm như hành hoa, cần tây, mùi, thì là…
“Khu vườn của gia đình tôi trước kia thuộc khu đất chuyên màu của xã Thọ Hải. Sau khi địa phương có chủ trương quy hoạch thành đất ở nông thôn, gia đình tôi đã mua lại, vừa xây dựng nhà ở, vừa để làm vườn ngay sát nhà cho thuận tiện sản xuất. Ban đầu, tôi cũng sản xuất các loại rau thương phẩm thông thường như các loại rau cải, su hào, bắp cải… Tuy nhiên, giá rau luôn bấp bênh, có năm được giá, năm lại ế ẩm nên thu nhập không ổn định, kinh tế gia đình theo đó cũng khó khăn. Tôi đã trăn trở suy nghĩ để tìm hướng phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất hiện có. Tôi đi tìm hiểu nhiều nơi, sau nghiệm ra rằng, ươm giống rau có thu nhập cao gấp nhiều lần trồng rau thương phẩm. Từ đó, vợ chồng tôi bắt đầu vừa làm vừa từng bước đúc kết kinh nghiệm, mở rộng thị trường đầu ra ở các vùng chuyên canh rau trong và ngoài huyện” – ông Phạm Văn Quý cho biết.
Cũng theo chia sẻ của chủ mô hình sinh năm 1965, trong những năm đầu, ông gặp nhiều khó khăn do quy trình sản xuất chưa phù hợp, chất lượng hạt giống kém nên tỷ lệ nảy mầm thấp. Theo đó, nhiều lứa cây giống sản xuất ra còi cọc, bị yếu nên bán rất chậm, thậm chí ế ẩm dẫn đến thua lỗ. “Cây rau giống như đứa trẻ mới sinh, quy trình chăm sóc cũng phải cẩn thận, tỉ mỉ như chăm em bé vậy. Vì thế, tôi vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, thậm chí phải trải qua nhiều bài học đắt giá để có quy trình sản xuất hoàn chỉnh như hiện nay” – ông Quý cho hay.
Để tạo uy tín với khách hàng, nhiều năm gần đây, ông Quý đã nhập các loại hạt giống từ một công ty uy tín tại Hà Nội gửi về. Thậm chí ông còn chấp nhận giá cao để mua giống của Hàn Quốc, Nhật Bản nên đầu ra cho sản phẩm ngày càng mở rộng. Rau giống được các tiểu thương đưa đi cung ứng khắp huyện Thọ Xuân, nhiều huyện trong tỉnh, đi tận tỉnh Ninh Bình và một số tỉnh phía Bắc. Việc canh tác theo từng luống, từng loại rau với thời gian gieo hạt khác nhau nên hầu như ngày nào cũng có giống rau để bán. Nhổ rau lứa trước ngay trong ngày là những gói hạt được tra xuống nên hệ số quay vòng đất ở đây rất cao.
Trên mảnh vườn nhà, ngoài 2 lao động gia đình, ông còn thuê gần 10 lao động mỗi khi nhổ cây giống. Riêng khâu tra giống đã có máy gieo hạt thay thế sức người. Theo hạch toán của gia chủ, mỗi năm gia đình thu nhập từ khu vườn khoảng 300 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 1/2 doanh thu. Tính trung bình, mỗi ngày ông Quý có thu nhập gần 1 triệu đồng từ khu vườn. Nếu không tính các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đây là mức thu ít có mô hình trồng trọt nào trên địa bàn tỉnh có thể vượt qua.
Linh Trường