Những năm gần đây thị trường bánh Trung thu xuất hiện nhiều thương hiệu sang trọng gắn với các khách sạn, nhà hàng 4 – 5 sao, được nhiều người chọn làm quà biếu, tặng. Bên cạnh đó, các nhãn hàng bánh trung thu “handmade” (làm thủ công, bằng tay) cũng xuất hiện nhiều hơn. Vậy thực chất thị trường bánh Trung thu đang như thế nào?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thông tin trên báo chí mới đây cho biết, đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan vừa kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu tại một số khách sạn và phát hiện một số sai phạm, trong đó có việc thuê các đơn vị làm bánh trung thu rồi dán mác “5 sao” của mình vào để cung cấp ra thị trường.
Đơn cử như khách sạn Novotel Hà Nội Thái Hà không trực tiếp sản xuất bánh Trung thu mà đặt đơn vị khác sản xuất, nhưng khi kiểm tra thì toàn bộ nhãn mác, vỏ hộp đều mang danh đơn vị này. Tương tự, khách sạn Pullman cũng đặt đơn vị khác sản xuất rồi đóng gói, dán nhãn mác, thương hiệu của mình lên sản phẩm, sau đó cung cấp cho khách hàng.
Câu chuyện trục lợi từ chính uy tín của mình không phải chỉ diễn ra ở Hà Nội và riêng với bánh Trung thu. Người tiêu dùng ở Thanh Hóa cũng từng phản ánh có cơ sở kinh doanh thực phẩm có tiếng, nhưng sau đó chính khách hàng phát hiện một số sản phẩm bán tại đây được cơ sở này nhập lại từ một số cơ sở sản xuất khác.
Khoan hãy nói đến khi có sự cố về chất lượng, chỉ việc “treo đầu dê, bán thịt chó” như thế đã là thiếu tôn trọng khách hàng. Nếu người tiêu dùng tiếp cận các cơ sở sản xuất để trực tiếp mua sản phẩm, thì đồng tiền phải trả chắc chắn sẽ ít hơn.
Quay trở lại câu chuyện bánh Trung thu. Bên cạnh một bộ phận khách hàng có tiền mua các thương hiệu bánh nổi tiếng, thì nhiều người đang có xu hướng tìm đến các thương hiệu bánh “handmade” được quảng cáo là không lạm dụng chất bảo quản, phụ gia có hại. Tuy nhiên, khi mà nhu cầu người tiêu dùng lớn, để đảm bảo nguồn cung, e rằng sẽ có cơ sở không còn tôn trọng nguyên tắc sản xuất nữa. Bởi, ngay đến cả những cơ sở đẳng cấp 5 sao mà còn nhập nhèm, thì cơ sở nhỏ lẻ sản xuất theo kiểu “handmade” có lý do gì để phải giữ cam kết.
Những vi phạm về chất lượng rất khó để với mắt thường có thể phát hiện ra, vì thế người tiêu dùng chỉ biết mua, sử dụng và chờ đợi vào sự may rủi. Gần như dịp Tết Trung thu năm nào cũng ghi nhận ngộ độc thực phẩm có nguyên nhân từ bánh Trung thu. Trong khi bánh Trung thu là thứ không thể thiếu trong những buổi liên hoan phá cỗ ở nhiều trường học, khu dân cư, cơ quan…
Nhiều người tiêu dùng mong muốn bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng kiểm tra các cơ sở cung cấp bánh Trung thu nổi tiếng, cơ sở bánh Trung thu truyền thống, thì những cơ sở được quảng cáo là “handmade” cũng cần được kiểm tra, giám sát nhằm tránh tình trạng khi nhu cầu tiêu dùng lớn, người sản xuất dễ “mượn áo, tráo dê” khiến người tiêu dùng thiệt thòi.
Thái Minh