Liên hoan Văn hóa dân tộc lần thứ XX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2024 đã chính thức khép lại. Với chủ đề “Xuân về trên quê Thanh”, các đơn vị tham gia liên hoan đã mang đến nhiều tiết mục đặc sắc, ấn tượng, có chiều sâu về nội dung, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc ở từng địa phương và có tính nghệ thuật cao.
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Ngũ trò Viên Khê” (Đông Sơn) biểu diễn tại liên hoan. Đây một loại hình diễn xướng dân gian phản ánh chân thực cuộc sống của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng sông Mã. Ảnh: Hoài Anh
Liên hoan Văn hóa các dân tộc lần thứ XX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2024 (gọi tắt là liên hoan) diễn ra tại Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) từ tối 8 đến tối 9/3. Với tâm thế sẵn sàng cho liên hoan, các đoàn nghệ thuật quần chúng đều cho thấy sự chuẩn bị chu đáo về nội dung, trang phục và đạo cụ biểu diễn.
Đến nay, liên hoan đã trải qua 20 kỳ tổ chức, song mỗi lần tham gia các đơn vị đều có chung tâm thế hứng khởi, xen lẫn sự hồi hộp, lo lắng. Tham gia liên hoan lần này, đơn vị huyện Hậu Lộc đã biểu diễn tiết mục hát chèo “Tự hào xứ Thanh”, với sự tham gia của 30 thành viên đến từ các câu lạc bộ (CLB) liên thế hệ xã Hưng Lộc.
Để mang đến cho công chúng tiết mục đặc sắc, mang đậm dấu ấn của vùng đất Hậu Lộc, trong suốt hơn 2 tuần trước khi diễn ra khai mạc liên hoan, các thành viên trong CLB đã bắt tay vào tập luyện. Trao đổi nhanh với chúng tôi trước giờ lên sân khấu biểu diễn, ông Lê Thanh Tùng (thành viên CLB liên thế hệ thôn Tiên Long, xã Hưng Lộc) cho biết: Đây là lần đầu tiên các CLB liên thế hệ của xã đại diện cho huyện Hậu Lộc tham gia liên hoan. Đối với chúng tôi đây vừa là niềm vinh dự, vừa là niềm tự hào lớn lao. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia liên hoan nên cảm thấy rất hồi hộp, đặc biệt là khi chứng kiến nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, đặc sắc, thể hiện tính chuyên nghiệp. Có lẽ, không chỉ đối với chúng tôi, mà với tất cả các đơn vị tham gia liên hoan đây thực sự là “điểm hẹn văn hóa” ý nghĩa, sợi dây gắn kết các dân tộc, các địa phương trong tỉnh. Ở đây, chúng tôi có cơ hội giao lưu, học hỏi và là nguồn động lực thôi thúc các đội nghệ thuật quần chúng không ngừng cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.
Đến với liên hoan lần này, các đơn vị tham gia liên hoan đều cố gắng góp vào một “mảng màu” đặc sắc, riêng biệt, để làm nên điều độc đáo, đặc biệt của văn hóa xứ Thanh. Trong đó, đơn vị huyện Đông Sơn mang đến tiết mục “Ngũ trò Viên Khê”, với sự tham gia của 40 nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ thôn Viên Khê 1, xã Đông Khê.
Không giấu nổi niềm tự hào, xúc động, nghệ nhân Lê Thị Cảnh cho biết: Mặc dù đã tham gia rất nhiều lần liên hoan, song trước giờ biểu diễn, chứng kiến sự chuẩn bị của các đơn vị trong tỉnh, và đặc biệt là đến gần hơn với khán giả, chúng tôi mới thực sự hình dung được một liên hoan đầy màu sắc, ấn tượng. Bên cạnh đó tôi và những nghệ nhân khác cũng trăn trở phải làm sao để Ngũ trò Viên Khê đến gần hơn nữa với thế hệ trẻ.
Hấp dẫn không kém chương trình văn nghệ dân gian, trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, trò chơi, trò diễn dân gian chính là phần thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Theo đánh giá của ban tổ chức, phần thi đã thể hiện được sự dàn dựng công phu, nghiêm túc từ lời bình, thuyết minh, phong cách trình diễn đến nhạc nền. Nhiều bộ trang phục dân tộc được thiết kế rực rỡ sắc màu gắn với đời sống hàng ngày và nhân sinh quan của người dân các dân tộc.
Có thể nói, những bản nhạc, điệu múa trong không gian văn hóa độc đáo, ấn tượng hay những bộ trang phục truyền thống của các dân tộc xứ Thanh đã góp phần quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Qua đó đem đến cho liên hoan một bức tranh văn hóa thống nhất trong sự đa dạng. Sau liên hoan, chúng ta tin tưởng rằng các nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ các địa phương trong tỉnh sẽ có thêm động lực để làm tốt hơn nữa vai trò xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Qua đó góp phần “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Ngũ trò Viên Khê” (Đông Sơn) biểu diễn tại liên hoan. Đây một loại hình diễn xướng dân gian phản ánh chân thực cuộc sống của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng sông Mã.
Hoài Anh