Từ xa xưa ông cha ta đã có câu: “Để vàng để bạc không bằng để sách cho con” để khẳng định ý nghĩa và giá trị của sách. Đọc sách giúp con người tiếp cận tri thức, lĩnh hội tinh hoa nhân loại để hoàn thiện, phát triển bản thân. Lan tỏa văn hóa đọc trong trường học không chỉ giúp các em học sinh thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách mà còn giúp mở ra “những chân trời mới”.
Các em học sinh Trường Tiểu học Tượng Văn (Nông Cống) đọc sách trong thư viện trường.
Bằng nhiều hình thức như tổ chức Hội thi cấp trường “Chúng em kể chuyện theo sách”; “Ngày hội đọc sách”, Trường THCS thị trấn Hậu Lộc (Hậu Lộc) đã góp phần vun bồi tình yêu với sách cho các em học sinh bằng cách tạo ra nhiều không gian để học sinh có thể tiếp cận với sách trong nhà trường. Thư viện trường sẽ mở cửa vào các thứ 3, 5, 7 để học sinh, giáo viên đọc sách, nghiên cứu tư liệu giảng dạy và mượn sách về nhà. Ngoài ra, nhà trường cũng xây dựng tại mỗi lớp một thư viện di động để học sinh đọc lúc ra chơi, trước hoặc sau giờ học. Đồng thời, mỗi lớp sẽ kêu gọi các em học sinh cùng nhau trao đổi sách để mỗi người đọc được nhiều sách hơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Diệp, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Hậu Lộc, cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định các cơ sở giáo dục không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn, để đáp ứng yêu cầu mới, giáo viên và học sinh đều phải tăng cường đọc sách để tiếp cận thêm nhiều văn bản mới.
Cũng theo cô Diệp, không chỉ nhà trường mà giáo viên các môn như: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh đều xây dựng tủ sách tại gia đình để đọc và cho học sinh mượn sách để các em tự học, tự đọc vì chương trình mới khá nặng và khó với học sinh.
Còn tại Trường Tiểu học Tượng Văn (Nông Cống), nhà trường hiện có 1 phòng đọc dành cho giáo viên, 1 phòng đọc dành cho học sinh, 1 kho sách và 1 thư viện xanh ngoài trời, ngoài ra, tại mỗi lớp học cũng có 1 tủ sách riêng.
Cô giáo Vũ Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tượng Văn, cho biết: Nhà trường xây dựng lịch đọc sách cho mỗi lớp 1 tiết vào mỗi buổi chiều. Ngoài ra, học sinh cũng có thể đọc sách vào giờ ra chơi, giờ tan học… Lượng kiến thức trong sách là vô cùng lớn và hữu ích, không chỉ giúp các em học sinh giải trí sau những giờ học căng thẳng mà còn là “người bạn”, “người thầy” sẻ chia những bài học trong cuộc sống, định hình nhân cách và định hướng cho các em học sinh về những ước mơ trong tương lai.
Em Vũ Ngọc Linh, học sinh Trường Tiểu học Tượng Văn chia sẻ: “Em rất thích đọc sách ở thư viện trường vì có rất nhiều loại sách hay. Các thầy, cô giáo cũng thường xuyên nhắc nhở chúng em phải chăm đọc sách để học thêm được nhiều điều hay trong sách. Sách cũng giúp em biết đến nhiều nơi mà em chưa có cơ hội được đi, được gặp gỡ nhiều người bạn thú vị”.
Nhằm lan tỏa tình yêu sách, khuyến khích phát triển văn hóa đọc trong nhà trường cũng như địa phương, thư viện Trường Tiểu học, THCS và THPT FPT Thanh Hóa (TP Thanh Hóa) hiện có khoảng 400 đầu sách, báo với nhiều thể loại, chủ đề phong phú, đa dạng và mở cửa để học sinh, sinh viên trong, ngoài nhà trường có thể đến đọc sách miễn phí, kể cả những ngày cuối tuần. Mục tiêu của nhà trường là xây dựng một thư viện trường học lớn của tỉnh Thanh Hóa, một thư viện mở theo đúng nghĩa, ở đó sách không chỉ để trưng bày, trang trí, mà để phục vụ tối đa nhu cầu đọc của học sinh.
Ông Vũ Hồng Quân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS và THPT FPT Thanh Hóa, cho biết: Thư viện mở ra không chỉ phục vụ cho học sinh nhà trường mà còn cho tất cả mọi người trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng có thể đến đọc sách, qua đó nhằm lan tỏa tinh thần yêu sách đến mọi người.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, học sinh không chỉ đọc sách, đọc các tài liệu giấy mà còn có thể đọc sách, báo điện tử. Đọc sách là con đường ngắn nhất giúp mỗi người tích lũy được mọi tri thức từ cơ bản đến chuyên sâu ở mọi lĩnh vực. Bởi vậy, phát triển văn hóa đọc ở mọi lứa tuổi không chỉ là việc duy trì thói quen đọc sách mà còn góp phần thúc đẩy phong trào học tập suốt đời trong cộng đồng.
Cô giáo Đinh Thị Thu Hằng, giáo viên Trường THPT Chuyên Lam Sơn, cho biết: “Chúng tôi khuyến khích học sinh không chỉ dừng lại ở việc đọc sách mà còn nghe sách, kết hợp xem những bộ phim chuyển thể từ những cuốn sách nổi tiếng… Những phương pháp này sẽ giúp vun bồi tình yêu với sách cho học sinh, tri thức trong sách mà mỗi người “thu lượm” được sẽ giúp chúng ta trưởng thành, hoàn thiện bản thân”.
Mỗi nhà trường sẽ có những cách phát triển văn hóa đọc khác nhau, mỗi thầy, cô giáo cũng sẽ có những phương thức khác nhau để vun đắp tình yêu với sách cho học trò, với mục tiêu chung hướng tới là giúp học trò biết yêu, biết trân quý sách – kho tàng tri thức vô giá của nhân loại.
Bài và ảnh: Linh Hương
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/lan-toa-van-hoa-doc-nbsp-trong-truong-hoc-229356.htm