Chính sách phải hướng đến người dân, hay lấy người dân là trung tâm của việc xây dựng và thực thi các chính sách an sinh xã hội – là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Trong đó, xây dựng nhà ở cho các đối tượng yếu thế là chính sách hết sức nhân văn, vừa thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, vừa khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần “Tương thân tương ái” trong cộng đồng.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo huyện Quan Sơn trao hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ bà Lò Thị Niên ở khu phố Hao, thị trấn Sơn Lư. Ảnh: Khôi Nguyên
“Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Nép mình trong con ngõ nhỏ, ngôi nhà của gia đình ông Lê Xuân Đức (phố 11, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa) vừa được cất lên, dẫu khiêm tốn nhưng chất chứa biết bao tình cảm và trách nhiệm của cả cộng đồng. Cuộc sống “giật gấu vá vai” do thu nhập của cả 2 vợ chồng đều không ổn định, ai thuê gì làm nấy, lại thêm cô con gái đau bệnh. Vậy nên, dù đã bước sang tuổi 66, gia đình ông vẫn phải sống trong căn nhà tạm bợ. “Căn nhà được xây từ năm 1983, đã xuống cấp nghiêm trọng. Chả may gặp mưa lớn thì không có chỗ nằm, cả đêm phải thức để tát nước”, ông Đức tâm sự. Cũng bởi nỗi lo cơm áo “ghì sát đất”, thế nên bao nỗi trăn trở về ngôi nhà mới chỉ có thể là niềm mơ ước cất sâu tận đáy lòng người đàn ông vốn là trụ cột gia đình.
Nhưng rồi niềm mong mỏi tưởng chừng vô vọng của ông, bỗng một ngày trở thành hiện thực, khi ngày 30/3/2024 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU, về “Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, trong 2 năm 2024-2025” (gọi tắt là Cuộc vận động). Ánh sáng nhân văn từ Chỉ thị số 22-CT/TU đã nhanh chóng lan tỏa ra khắp cộng đồng và đến với nhiều đối tượng yếu thế như gia đình ông Đức. Ông nhớ lại, khi cán bộ phường đến khảo sát và thông báo gia đình bà thuộc đối tượng được hỗ trợ làm nhà, ông vô cùng xúc động. Chỉ chừng 2 tháng xây dựng, gia đình ông đã được ở trong ngôi nhà mới. Dù nội thất bên trong chưa có gì đáng kể, nhưng với ông Đức vậy là đã mãn nguyện. Từ đây, niềm vui nhanh chóng bao trùm và thay thế cho cái không khí ngột ngạt từng bủa vây lấy gia đình. Và hy vọng rằng, ngôi nhà mới sẽ là sự khởi đầu tốt đẹp cho cuộc sống tương lai của gia đình ông.
Trong bối cảnh cả nước đang tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, do Thủ tướng Chính phủ phát động, thì Chỉ thị số 22-CT/TU ra đời đã nhanh chóng tạo được sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đã tích cực tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và kết quả của Cuộc vận động; đồng thời, hết sức trách nhiệm trong việc vận động, thuyết phục các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ, hỗ trợ. Từ đó, Chỉ thị số 22-CT/TU đã được cụ thể hóa bằng nhiều việc làm thiết thực, phản ánh tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia và những nghĩa cử cao đẹp của các tổ chức, cá nhân hướng đến những đối tượng yếu thế.
Kết quả, tính đến ngày 5/12/2024, tổng kinh phí ủng hộ tiếp nhận qua Ủy ban MTTQ Việt Nam 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) là trên 226,529 tỷ đồng. Trong đó, 11 huyện miền núi là trên 39,4 tỷ đồng; 16 huyện miền xuôi là trên 154,928 tỷ đồng. Đáng nói hơn, ngoài kinh phí điều chuyển về Ban Chỉ đạo tỉnh theo quy định (trên 19,19 tỷ đồng) nhiều địa phương miền xuôi còn hỗ trợ trực tiếp cho các huyện miền núi theo địa chỉ, với số tiền trên 11 tỷ đồng. Điển hình như huyện Nông Cống hỗ trợ huyện Lang Chánh 2 tỷ đồng; huyện Nga Sơn hỗ trợ huyện Mường Lát 1,2 tỷ đồng và huyện Bá Thước 960 triệu đồng; huyện Thiệu Hóa hỗ trợ huyện Mường Lát 1 tỷ đồng và huyện Quan Sơn 1 tỷ đồng… Cũng tính đến ngày 5/12/2024, tổng kinh phí các cấp đã phân bổ là trên 145,789 tỷ đồng. Trong đó, ban chỉ đạo cấp tỉnh phân bổ (2 đợt) là 55,82 tỷ đồng, với tổng số 1.420 hộ đã được hỗ trợ; ban chỉ đạo cấp huyện (26/27 huyện, thị xã, thành phố) đã phân bổ trên 89,969 tỷ đồng.
Với số tiền đã phân bổ, đến nay tổng số nhà đã khởi công theo Chỉ thị số 22-CT/TU và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, Đề án 4845 của UBND tỉnh (Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025) là 3.697 căn nhà (xây mới 2.953 căn, sửa chữa 744 căn); hiện đã hoàn thành 1.998 căn nhà. Trong đó, tính riêng số nhà khởi công làm mới và sửa chữa từ nguồn của Chỉ thị số 22-CT/TU (mức hỗ trợ 80 triệu đồng/hộ) là 1.430 căn và hiện đã hoàn thành 620 căn. Có lẽ, được ở trong ngôi nhà mới sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho cuộc sống của hàng trăm hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở, đã được nhận hỗ trợ từ Chỉ thị số 22-CT/TU trong năm 2024. Và cũng chỉ bản thân họ mới cảm nhận rõ hơn hết thế nào là đang sống trong mơ – giấc mơ được cất lên từ chính tình yêu, sự sẻ chia, đồng cảm và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Còn nhiều bất cập
Khơi nguồn từ một chính sách đầy tinh thần nhân văn, nhờ đó mà hàng nghìn hộ dân đã và sẽ được sống trong những ngôi nhà mới, giúp họ “an cư lạc nghiệp”. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều địa phương đã tích cực triển khai vận động và xây dựng nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn; thì vẫn còn một số địa phương chưa thể đưa Chỉ thị số 22-CT/TU đi vào cuộc sống. Trong đó, vướng mắc chủ yếu liên quan đến đất đai, như thiếu quỹ đất hoặc đất thiếu các giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Chẳng hạn như các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh và Thường Xuân (thực hiện hỗ trợ các hộ thuộc “Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”), tính đến ngày 5/12/2024, mới có 34/301 hộ khởi công xây dựng. Trong đó, có 9/301 hộ đã nhận kinh phí hỗ trợ từ Cuộc vận động; còn 292/301 hộ chưa giải ngân kinh phí đến hộ gia đình. Nguyên nhân lý giải cho việc chậm giải ngân kinh phí là do hầu hết các hộ chưa có đất ở để di chuyển. Còn lại là những hộ không muốn chuyển chỗ ở; hoặc do một số vướng mắc liên quan đến hồ sơ giải ngân, quyết toán kinh phí.
Cùng với đó, công tác phân bổ, giải ngân kinh phí từ Cuộc vận động đến các hộ còn rất chậm, tỷ lệ giải ngân thấp. Cá biệt như huyện Mường Lát chưa thực hiện phân bổ kinh phí của ban chỉ đạo cấp huyện đã vận động được. Ngoài ra, theo phản ánh của các địa phương thì việc thực hiện hồ sơ quyết toán và lưu trữ (theo Hướng dẫn số 5440/STC-TCĐT của Sở Tài chính) còn bất cập so với tình hình thực tế. Chẳng hạn, theo Hướng dẫn số 5440/STC-TCĐT yêu cầu phải có “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính chủ”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên địa bàn các xã, huyện vẫn còn tình trạng các hộ gia đình đã ở lâu dài, ổn định nhưng chưa có điều kiện về tài chính để thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Chưa kể, một số hộ được tặng, cho QSDĐ từ bố mẹ, anh em, người thân nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển QSDĐ. Do đó, nhiều hộ đang ở đất không tranh chấp nhưng chưa có GCNQSDĐ chính chủ.
Trong khi đó, theo Thông báo số 523/TB-VPCP, ngày 16/11/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước và Kế hoạch số 05-KH/BCĐ, ngày 10/4/2024 của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, thì chỉ cần UBND các cấp (cấp huyện, cấp xã) xác nhận là “đất không tranh chấp”, thì sẽ được hỗ trợ kinh phí từ chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Chưa hết, cũng theo Hướng dẫn số 5440/STC-TCĐT yêu cầu có “Bản thiết kế công trình hoặc thiết kế mẫu của Sở Xây dựng, dự toán công trình có xác nhận của UBND xã”. Yêu cầu này đang gây khó khăn về thủ tục cho hộ nghèo, hộ cận nghèo do các hộ không có kinh phí thuê xây dựng bản thiết kế công trình, dự toán công trình. Đồng thời, yêu cầu cũng không phù hợp với thực tế, khi nhà ở cho hộ nghèo cần đơn giản, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình và mức huy động hỗ trợ từ người thân, gia đình và dòng họ. Do đó, cũng không phù hợp với mẫu thiết kế của Sở Xây dựng, nên mẫu thiết kế chỉ có tính tham khảo.
Ngôi nhà mới của gia đình ông Lê Xuân Đức (phố 11, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa) được hỗ trợ xây dựng từ Chỉ thị số 22-CT/TU.
Ngoài ra, cũng Hướng dẫn số 5440/STC-TCĐT yêu cầu “kèm theo hình ảnh hiện trạng nhà trước khi xây dựng, sửa chữa”. Tuy nhiên, một số hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ 40 triệu đồng (theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Đề án 4845 của UBND tỉnh), đã khởi công xây dựng trước khi có Hướng dẫn số 5440/STC-TCĐT, nên không còn hình ảnh hiện trạng nhà ở trước khi xây dựng, sửa chữa. Điều này đang gây khó khăn cho việc hoàn thành hồ sơ…
Trước những bất cập trên, tại hội nghị làm việc với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo “Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, trong 2 năm 2024-2025”, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về giấy tờ đất đai cho các hộ gia đình đã được phê duyệt hỗ trợ xây dựng nhà ở theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài chính khẩn trương rà soát, điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung về hồ sơ quyết toán và lưu trữ tại Hướng dẫn số 5440/STC-TCĐT “Về công tác quản lý, sử dụng, giải ngân và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ từ nguồn vận động”. Qua đó, đơn giản hóa các thủ tục, đúng với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân trong thực hiện thủ tục nhận hỗ trợ kinh phí và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ từ Cuộc vận động.
Ngoài ra, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thực hiện công tác hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình thuộc Đề án 4845. Đồng thời, tham mưu cấp có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ đã được Ban Chỉ đạo tỉnh phân bổ. Đặc biệt, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy, trực tiếp là đồng chí bí thư huyện, thị, thành ủy và đồng chí chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các công việc thuộc trách nhiệm của địa phương. Với sự quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong triển khai thực hiện, qua đó, bảo đảm 100% các hộ gia đình trên địa bàn trong danh sách hỗ trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đều có nhà ở mới trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Khôi Nguyên
Bài 2: Tháo “điểm nghẽn” quỹ đất sạch
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/chi-thi-so-22-ct-tu-nhan-len-nhung-nghia-cu-cao-dep-bai-1-lan-toa-tinh-than-nhan-van-nhan-ai-234923.htm