“Đọc sách, mắt như đèn muôn dặm” câu nói của Cao Bá Quát cách đây gần 200 năm đã nói lên vai trò của việc đọc sách không chỉ đưa thêm hàm lượng tri thức mà giúp mỗi người hiểu đúng, hiểu thấu từng hành vi của chính mình và người xung quanh.
Một phần thi thuyết trình giới thiệu sách của học sinh Trường THCS Quảng Hùng (TP Sầm Sơn) hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.
Nhân một lần nói chuyện về sách, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Đào Minh Châu, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Thanh Hóa cho biết: Tôi đọc sách từ bé, lớp 4 đã đọc “Sông Đông êm đềm” của Solokhov. Mỗi năm, tủ sách của gia đình ngày càng nhiều hơn, với đủ các thể loại sách: nghiên cứu văn hóa lịch sử, sách văn học trong nước, nước ngoài, sách kỹ năng… Sách đầy nặng trĩu tủ, trong khi con cái chỉ đọc Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư. Tiếc lắm, vì thế mà tôi không giấu sách, ai đến mượn sách tôi cũng cho mượn thoải mái. Bà còn kể lại: “Một lần đến Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh để tìm mua cuốn 70 năm ngành giáo dục. Nhìn thấy một người phụ nữ đạp xe lóc cóc đến cô nhân viên của sở hỏi: Cô mua sách cho ai. – Cô mua để đọc thôi. Giờ cháu chả thấy có ai đọc sách nữa. Có cô đọc mừng quá, để cháu tìm gửi cô, không phải trả tiền đâu ạ. Sự thực là xung quanh tôi, ngày càng ít bạn trẻ cầm cuốn sách lên và đọc”.
70 tuổi đời và có hơn 40 năm làm công tác nghiên cứu, sách như người bạn của bà. “Tôi vẫn thường nói với các bạn làm trẻ đang theo con đường nghiên cứu, khi cầm cuốn sách lên, đọc và tìm hiểu tài liệu, dữ liệu sẽ đến và ở với ta bền chắc hơn rất nhiều so với cầm chiếc điện thoại đọc vội vàng lướt qua”.
Theo dữ liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam nằm trong top đầu các quốc gia Đông Nam Á xuất bản sách sản lượng lớn hằng năm. Mỗi năm, nước ta tiêu thụ khoảng 500 – 600 triệu bản sách. Trong đó, sách giáo khoa, giáo trình, sách bài tập phục vụ giáo dục vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Nếu không tính sách giáo khoa, tỷ lệ đọc của người Việt chỉ khoảng 2 đầu sách/người. Đến năm 2030, mục tiêu đặt ra là tỷ lệ đọc tăng lên 4 đầu sách/người.
Để đạt được điều đó, “sách hay cần bạn đọc”, hay bạn đọc phải tìm đến sách? Dù theo cách nào thì mối quan hệ giữa người đọc và sách cũng là cộng sinh. Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV NXB Thanh Hóa Hoàng Văn Tú cho biết: Tôi đang đọc cuốn sách “Người thầy” của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Cuốn sách dày hơn 500 trang không chỉ nói về công lao của ông Ba Quốc (Thiếu tướng tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Đặng Trần Đức), mà còn nói về những trăn trở, hy sinh, khó khăn mà ông phải vượt qua. Nghe qua tiêu đề, hẳn nhiều người sẽ nghĩ sách khô và khó đọc. Nhưng không, đó là một cuốn sách rất hay. Chỉ trong một thời gian ngắn sự hấp dẫn về nội dung cùng sự lan tỏa của nhiều bạn đọc, cuốn sách đã in với số lượng 16.000 bản.
Sự dẫn giải của ông Hoàng Văn Tú cũng nhằm để nói rằng: Càng có nhiều bạn đọc thì càng chuyển tải được nội dung và thông điệp của cuốn sách đến nhiều người, nhiều nơi. Từ đó góp phần nâng cao văn hóa đọc nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, bạn đọc không chỉ bị chi phối mà còn bị bão hòa bởi những xa lộ thông tin từ báo chí, mạng xã hội và các kênh thông tin khác.
Thực tế hiện nay, số lượng sách tăng, số bản sách tăng, sách hay cũng không ít, nhưng số người đọc thì còn khá khiêm tốn, chưa kể là đọc “đến đầu đến đũa”. Diễn giả Nguyễn Quốc Vương trong một lần nói chuyện về văn hóa đọc, đã khẳng định: Ở nước ta, chưa có một tổ chức hay một hoạt động xã hội nào xây dựng thói quen đọc mang tính hệ thống. Việc tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục kỹ năng đọc hầu như chưa tiến hành một cách bài bản và thường xuyên. Những cuộc điều tra xã hội học cơ bản về môi trường đọc, hoạt động đọc và văn hóa đọc ở quy mô quốc gia cũng chưa có…
Là người làm xuất bản, ông Hoàng Văn Tú hiểu rằng: Hiện nay, việc tìm và mua sách là khá dễ dàng. Ngoài phương thức truyền thống là đến các nhà sách, hiệu sách, văn phòng phẩm, thì mọi người còn có thể mua trên các trang trực tuyến của các nhà xuất bản hoặc mua qua Tiki… Vấn đề ở đây để phát huy hiệu quả văn hóa đọc và lan tỏa giá trị của sách đến với mọi tầng lớp Nhân dân điều đầu tiên là mỗi gia đình phải tự hình thành ý thức đọc sách cho trẻ nhỏ; các nhà trường cần có những giờ sinh hoạt ngoại khóa bằng việc giới thiệu sách, đọc sách, xây dựng các thư viện xanh dưới tán cây, thư viện mở (học sinh tự tìm sách đọc, tự cất vào đúng vị trí…); các cấp chính quyền cần phải quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền về văn hóa đọc, xây dựng đội ngũ “khuyến đọc”, mời diễn giả nói chuyện về sách…
Câu chuyện Thư viện tư nhân Hà Duyên Đạt ở thôn 5, xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân là một ví dụ về sự lan tỏa phong trào đọc sách. Gần 9 năm hoạt động, thư viện mang tên người chiến sĩ cách mạng trung kiên đã được cháu nội là ông Hà Duyên Sơn sưu tầm, gìn giữ hiện có trên 2.700 đầu sách, với trên 8.000 cuốn (chưa kể báo, tạp chí) gồm nhiều loại sách, như: Sách pháp luật, chính trị, văn học, lịch sử, y học, sách liên quan đến kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt, sách thiếu niên… Tất cả sách được ông Sơn đóng dấu của thư viện, chia thành các loại chi tiết, sắp xếp lên giá một cách khoa học, gọn gàng, ghi rõ tên sách, người mượn, ngày mượn và trả sách vào sổ theo dõi. Đến nay, thư viện có 500 bạn đọc được cấp thẻ thường xuyên. Bình quân mỗi ngày có vài chục người đến đọc và mượn sách, riêng mùa hè số lượng có thể tăng lên gấp đôi.
Trưởng làng Canh Hoạch, xã Xuân Lai Hoàng Đình Tư khẳng định: Kể từ ngày thư viện Hà Duyên Đạt được thành lập, ở xã Xuân Lai nói chung, làng Canh Hoạch nói riêng, các cháu nhỏ có chỗ vui chơi, học tập sau mỗi giờ tan học; người dân có một nơi để đọc sách trong khoảng thời gian nhàn rỗi; các cụ già có không gian để hàn huyên, chia sẻ những thông tin bổ ích. Một thư viện nhỏ nhưng đã lan tỏa được những điều to lớn.
Trái ngược với thư viện tư nhân Hà Duyên Đạt, Thư gia Vạn Ninh Đường của ông Lê Mai Bửu ở thôn Đồng Lạc, xã Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hóa hầu hết là sách Nôm, Hán văn, lại gần như im ắng. Theo giới thiệu của anh Lê Mai Hùng, con trai ông Lê Mai Bửu thì tủ sách lưu giữ hơn 500 cuốn sách cổ với nhiều chủng loại như: Văn, Sử, khoa học, y học cổ truyền Phương Đông… được bố ông và các thế hệ trước đó sưu tầm, giữ gìn.
Hơn 60% là sách in bằng tiếng Trung Quốc và các sách Việt Nam được in khắc và viết bằng tay, trong đó có cả cuốn Kim Vân Kiều quảng tập truyện in năm Giáp Thìn đời vua Thành Thái. Sách cổ lại in hoặc chép tay bằng chữ Hán, vì thế không phải ai cũng có thể tiếp cận và muốn tìm hiểu. Đặc biệt, kể từ năm 2019, ông Lê Mai Bửu tạ thế, tủ sách quý này lại càng im ắng. “Không ai mở ra, vì những người biết chữ Hán trong gia đình thì đã thành người thiên cổ, còn chúng tôi có biết đọc đâu mà mở ra làm gì. Biết là sách quý thì chúng tôi cất giữ thôi”, anh Lê Mai Hùng cho biết.
Sách hay không có bạn đọc đã là thiệt thòi. Với riêng gia đình nhà ông Lê Mai Hùng, tài sản quý giá này đang bị mối mọt, ẩm ướt, khiến rất nhiều cuốn sách bị rách nát dù đã được bọc kỹ rồi bỏ vào tủ gỗ khóa cẩn thận.
Người xưa nói “Thư trung hữu kim” (Trong sách có vàng). Một vài năm gần đây, sách đã là một món quà người lớn tặng cho con trẻ vào những ngày lễ tết với mong muốn con, cháu mỗi ngày dành chút thời gian để đọc sách. “Sách hay cần bạn đọc” sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta có thể lan tỏa thông qua một mô hình, một phong trào cụ thể. Chẳng hạn “Bạn đọc rồi, cho tôi xin” sẽ vừa khuyến khích mọi người đọc sách, từ đó chia sẻ, khoe với người khác những cuốn sách bổ ích, những câu nói đẹp, để thêm nhiều cuốn sách hay đến tay mọi người.
Bài và ảnh: CHI ANH