Việc đưa phân bón hóa học (PBHH) vào quy trình sản xuất nông nghiệp đang được người nông dân sử dụng rất rộng rãi, thậm chí còn là yếu tố quan trọng quyết định trực tiếp đến năng suất trồng trọt. Tuy nhiên, việc lạm dụng PBHH một cách tràn lan, mất cân đối, không đúng cách sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn đất, khiến đất bạc màu và thoái hóa nghiêm trọng. Đặc biệt, gây hại đến sinh vật có ích, tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.
Diện tích trồng chanh tứ quý của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng, xã Hà Long (Hà Trung) ra quả đều, đẹp sau khi hạn chế phân bón hóa học.
Tại xã Xuân Minh (Thọ Xuân), gia đình ông Hà Văn Trường đã có “thâm niên” trong việc sử dụng phân hóa học để bón cho lúa, ngô… Ông Minh chia sẻ: “Chúng tôi đều hiểu lợi ích của việc sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ trong sản xuất và nuôi trồng, tuy nhiên giá thành khá cao mà việc ủ phân chuồng lại tốn công, vất vả nên ra cửa hàng mua phân hóa học bón cho nhanh gọn. Sử dụng 10 năm nay cũng không thấy có vấn đề gì, đôi khi cây trồng có gặp một số bệnh nhưng vẫn khắc phục được”.
Ngoài việc lạm dụng PBHH thời gian dài, cách thức sử dụng của nhiều nông dân còn làm theo cảm tính và kinh nghiệm, không có tính toán chính xác thời điểm, khối lượng để bón phân. Bà Lê Thị Lý, xã Quảng Ninh (Quảng Xương) cho biết: “Tôi chăm sóc rất đơn giản chứ không cần phải bón lót. Cứ khi nào gieo cấy xong mà thấy lúa có hiện tượng bị cằn thì sẽ rắc khoảng 2 – 3kg đạm cho cây bốc lên, khi lúa sắp bước vào giai đoạn làm đòng thì dùng phân hỗn hợp NPK để bón”.
Việc lạm dụng PBHH cộng với sử dụng phân bón theo cảm tính; sử dụng phân đơn, mất cân đối giữa các loại đạm, lân, kali… phần lớn là do nhận thức còn yếu của một số nông dân. Tuy nhiên, nhiều hộ sản xuất sau khi được đào tạo, tập huấn đã dần nhận ra tác hại không thể xem nhẹ của PBHH. Điển hình như mô hình trồng chanh tứ quý của gia đình anh Nguyễn Văn Bảo, thôn Gia Miêu, xã Hà Long (Hà Trung) từ 3 năm trở lại đây đã dùng xen kẽ PBHH lẫn phân bón hữu cơ (PBHC) bằng cách tự trộn chế phẩm gốc để sản xuất phân bón. Nguyên liệu rất dễ kiếm và có chi phí rẻ như: sữa chua, cám gạo, men rượu và các phế phẩm như vỏ trứng gà, thức ăn thừa, rau củ quả… Anh Bảo nói: “Có thể trước đây khi còn bón phân cho cây hoàn toàn bằng PBHH thì lợi ích của chúng mang lại khá vượt trội, thậm chí còn giúp tăng năng suất cây trồng hơn cả PBHC; cùng với đó là khả năng thẩm thấu nhanh và giá thành khá rẻ. Tuy nhiên khi sử dụng năm này qua năm khác tôi nhận thấy đất bị chai, kém màu mỡ và không còn tơi xốp, từ đó cây trồng ngày một kém hiệu quả hơn. Đồng thời, trong quá trình chuyển hóa đã làm bay hơi một số khí độc khiến không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Vì vậy tôi đã quyết tâm giảm bớt liều lượng sử dụng PBHH, bón xen kẽ PBHC với mục tiêu hướng tới nền nông nghiệp xanh”.
Hằng năm, tỉnh Thanh Hóa gieo trồng khoảng 250 – 300 nghìn ha cây trồng các loại. Trung bình lượng PBHH sử dụng trong sản xuất mỗi năm khoảng 100.000 tấn – một con số không hề nhỏ. Theo Tiến sĩ Lê Văn Cường, Trưởng Khoa Nông Lâm Ngư nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức: Việc lạm dụng PBHH sẽ làm cây trồng không còn được hấp thụ các dưỡng chất cần thiết, làm giảm đi “sức đề kháng” của cây trồng đối với các loại sâu bệnh vì PBHH sẽ giết chết hệ vi sinh vật trong đất. Thiếu vi sinh vật, đất sẽ bị bạc màu, chai cứng nên dù có tiếp tục bón phân với liều lượng cao thì cây cũng không phát triển được. Ngoài ra, hiện nay nguồn phế phụ phẩm từ PBHH rất lớn, hầu như người nông dân đều chọn cách đốt hoặc cày vùi xuống đồng ruộng không những vừa lãng phí lại khiến phân hủy chậm, tạo ra hiện tượng “xì khói” lượng lớn khí thải hấp thụ nhiệt gây ô nhiễm môi trường và làm tăng hiệu ứng phát thải nhà kính. Bởi vậy, đã đến lúc cần định hướng lại cho người dân cần phải dần nói “không” với những tập quán sản xuất cũ để giảm thiểu tác động gây hại tới môi trường cũng như đảm bảo an toàn, sức khỏe cho cộng đồng.
Bài và ảnh: Chi Phạm