Vùng luồng Châu Lang thuộc huyện Lang Chánh ngày nay được cho là có chất lượng tốt bậc nhất ở xứ Thanh. Cũng như các vùng tre luồng nói chung của cả tỉnh, nhiều năm qua, giá vầu, nứa, luồng nguyên liệu ở huyện Lang Chánh rất thấp. Tuy nhiên gần đây, nhiều tín hiệu vui đã đến với bà con trồng tre luồng nơi đây…
Người trồng luồng xã Tân Phúc (Lang Chánh) có thu nhập ngày càng cao với những tín hiệu tích cực cho đầu ra sản phẩm.
Thân không quá to nhưng lại cứng và chắc bậc nhất nên cây luồng Châu Lang còn được dân gian phong là “vua luồng”. Luồng chính là cây trồng bản địa truyền thống của người dân huyện Lang Chánh từ nhiều đời nay. Trong kháng chiến và công cuộc tái thiết đất nước, luồng Lang Chánh cũng được vận chuyển xuôi các dòng sông về đồng bằng để đưa đi khắp các chiến trường cũng như các vùng miền của cả nước.
Là vùng tre luồng lớn với đa phần các hộ dân trong huyện sống nhờ cây luồng, Lang Chánh đang có gần 14.000 ha tre luồng, sản lượng khai thác hằng năm hơn 11 triệu cây và hơn 1.000 tấn nguyên liệu liên quan.
Thế nhưng, vài chục năm gần đây, nhu cầu xây dựng bằng luồng không còn nhiều cộng với việc nhiều vùng nguyên liệu luồng không được chăm sóc đúng mức, bị khai thác non, khai thác kiệt quệ dẫn đến chất lượng cây luồng nơi đây ngày càng giảm. Đó chính là 2 nguyên nhân cơ bản khiến luồng nguyên liệu cả tỉnh nói chung, luồng Lang Chánh nói riêng có giá trị thấp, ế ẩm. Đời sống của người trồng luồng nơi đây đa phần vẫn khó khăn kể cả với các hộ sở hữu một vài thậm chí cả chục héc–ta luồng. Bài toán nan giải vẫn là đầu ra và nâng cao giá trị vầu, luồng.
Xác định phải gắn với chế biến để có thêm đầu ra, nâng cao giá trị tre luồng và thu nhập cho bà con nên nhiều năm qua, huyện ra sức kêu gọi hình thành các cơ sở chế biến. Sau nhiều nỗ lực của huyện Lang Chánh và tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP Bamboo King Vina đã đầu tư xây dựng nhà máy ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm tre luồng tại cụm công nghiệp Bãi Bùi (thị trấn Lang Chánh). Đến nay, một phần nhà máy đã đi vào hoạt động, sản xuất ván ép, đồ gia dụng và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ tre luồng.
Đây là dự án có công suất chế biến 1.500 tấn nguyên liệu/ngày, với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng, đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Từ nhiều tháng qua, công ty đã thu mua nguyên liệu số lượng lớn nên giúp người trồng luồng, vầu trong huyện nâng cao giá trị. Với sự xuất hiện của nhà máy chế biến tre luồng quy mô lớn này, kỳ vọng việc “nâng tầm” cây luồng Lang Chánh đang hiện hữu.
Ngoài ra, toàn huyện Lang Chánh cũng thu hút được 14 công ty, HTX và các cơ sở thu mua, chế biến các sản phẩm từ luồng, như: đũa, giấy, ván sàn, đốt than hoạt tính… Người trồng luồng, vầu và các cơ sở chế biến đang hình thành nên các chuỗi cung ứng, thu mua nguyên liệu bền vững.
Tại xã vùng biên Yên Khương trong huyện, từ nhiều đời nay, đồng bào vẫn loay hoay chuyển đổi nhưng chưa có cây trồng thoát nghèo hiệu quả. Do quá xa trung tâm huyện, cộng với đường đi khó khăn nên nông sản đến kỳ thu hoạch thường ế ẩm. Một vùng đất đai rộng lớn nhưng nông nghiệp nơi đây cơ bản vẫn mang tính tự cấp tự túc.
Trăn trở tìm cây thoát nghèo cho đồng bào, từ năm 2018, xã Yên Khương và huyện Lang Chánh đã vận dụng các nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng thí điểm các mô hình trồng vầu – một cây họ tre luồng. Những triền đồi trồng vầu theo hướng thâm canh đầu tiên phát triển tươi tốt, khẳng định sự phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng rừng núi xã vùng biên này. Từ 22 ha vầu với 24 hộ trồng thử nghiệm thành công, chỉ 2 năm sau, số vầu thâm canh tiếp tục phát triển thêm hàng chục héc-ta. Đáng nói, những hộ chuyển sang trồng vầu đều lần lượt thoát nghèo bởi có nguồn thu ổn định, khá cao so với mặt bằng chung ở địa phương. Không những các mô hình được mở rộng, mà bà con đồng bào Thái cũng chủ động phát triển cây vầu để mở hướng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Tại bản Bôn cùng xã, bà Lò Thị Năm đang chăm sóc 2 ha vầu. Theo bà, vầu chính là cây thoát nghèo hiệu quả nhất mà đồng bào Thái nơi đây từng biết đến. Trên cùng thân đất này, trước kia trồng gỗ keo nguyên liệu nhưng phải 5 – 6 năm mới thu hoạch nên chủ rừng luôn túng thiếu. Mỗi ha keo sau 1 chu kỳ may ra có giá trị khoảng 40 triệu đồng, chia đều ra thì chỉ có thu nhập hơn 5 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên từ khi trồng vầu, thời kỳ đầu chỉ cho thu hoạch tỉa, nhưng sau 2 – 3 năm kiến thiết, mỗi ha vầu cho thu hoạch gần 40 tấn/năm, trị giá khoảng 60 triệu đồng. Đây là mức thu gấp khoảng 10 lần trồng keo như trước kia.
Cùng bản Bôn, không những có nguồn thu đều từ khai thác tỉa 4 ha vầu, gia đình bà Lữ Thị Bảy còn năng động học được cách tạo hom để bán giống cho bà con trong vùng. Mỗi hom giống có giá trên dưới 10.000 đồng nên mỗi đợt ươm, gia đình có thu nhập khoảng 30 triệu đồng, đưa tổng thu nhập từ rừng vầu lên hơn 100 triệu đồng/ha, giải quyết việc làm cho 3 – 4 lao động.
Thông tin từ UBND xã Yên Khương cho biết, đến nay có thể khẳng định, cây vầu phát triển rất tốt trên đất vùng biên này, hiệu quả cao hơn nhiều ngô và sắn như trước đây. Cây vầu không bị áp lực thu hoạch thời vụ như nông sản nên người dân yên tâm. Khi có thương lái và các đối tác thu mua, vầu thu hoạch cắt khúc và chẻ thành nan thanh theo yêu cầu nên dễ dàng vận chuyển. Hằng ngày, có các xe tải về tận đồi rừng thu mua nan thanh làm nguyên liệu cho các hoạt động đan lát, tiểu thủ công nghiệp khắp các tỉnh phía Bắc. Đến nay, xã đã phát triển khoảng 600 ha vầu, và đã xây dựng kế hoạch mở rộng lên hơn 1.000 ha vầu trong những năm tới.
Tân Phúc là địa phương có diện tích luồng lớn trong huyện Lang Chánh với 2.479 ha. Ông Lê Văn Phúc, cán bộ phụ trách địa chính – nông nghiệp xã Tân Phúc, cho biết: “Nhiều năm qua, giá trị cây luồng ở địa phương chỉ từ 10 – 20 triệu đồng/ha/năm, nhiều thời điểm còn khó bán. Gần đây, khi nhà máy chế biến tre luồng Bamboo King Vina đi vào hoạt động một phần, đã thu mua được khoảng 15% sản lượng luồng cho bà con trong xã và đang tăng dần. Gần đây, một doanh nghiệp sản xuất mành và ván sàn ở Hà Nội đã được cấp phép đầu tư nhà máy tại xã. Địa phương đang tích cực giải phóng mặt bằng 3 ha tại thôn Tân Tiến để thu hút dự án này. Nếu thêm được nhà máy tinh chế này, chắc chắn cây luồng trong xã và các xã lân cận sẽ có đầu ra bền vững, nâng cao được giá trị”.
Bài và ảnh: Lê Đồng