Qua 2 năm thực hiện công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) đã và đang tạo “sức nóng” để mỗi sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh nhìn nhận, cải thiện chất lượng điều hành kinh tế ở mỗi đơn vị. Hiện nay, giai đoạn cao điểm để chuẩn bị công bố DDCI năm thứ 3 đang được gấp rút triển khai, với những kỳ vọng mới đối với chỉ số này.
Chế tạo chân đế trụ điện gió tại Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật PTSC Thanh Hóa, Khu Kinh tế Nghi Sơn. Ảnh: Minh Hằng
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Thanh Hóa – Ninh Bình (VCCI Thanh Hóa – Ninh Bình), ở năm thứ 3 triển khai khảo sát, đánh giá về DDCI, nội dung khảo sát vẫn bao gồm 8 chỉ số: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Tính năng động và vai trò của người đứng đầu; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý và Tiếp cận đất đai. Tuy nhiên năm nay, VCCI sẽ thực hiện triển khai tới khoảng 7.000 DN, HTX, hộ kinh doanh đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh tiếp cận phiếu khảo sát. Với số lượng DN, HTX tham gia khảo sát cao gần gấp đôi so với những năm trước, sẽ là một điểm cộng cho tính khách quan của kết quả đánh giá này.
Cùng với đó, qua 2 năm triển khai đánh giá DDCI, các DN, HTX, hộ cá thể đã nhận thức và hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chỉ số này đối với lợi ích của mỗi DN. Giám đốc VCCI Thanh Hóa – Ninh Bình Đỗ Đình Hiệu chia sẻ: “DDCI năm 2023 vẫn được triển khai qua 2 hình thức online và trực tiếp. Trong đó, kế thừa kinh nghiệm triển khai của 2 năm trước, cán bộ của VCCI đã và đang kết hợp việc khảo sát với tuyên truyền, lan tỏa ý nghĩa và trách nhiệm của DN khi tham gia đánh giá. Từ thực tế tiếp cận khảo sát cho thấy các chủ thể DN cũng đã hiểu rõ được quyền lợi của mình khi tham gia đánh giá, từ đó tham gia trách nhiệm hơn, khách quan hơn nhằm hướng tới kết quả uy tín của bộ chỉ số”.
Cùng với sự tham gia trách nhiệm của cộng đồng DN, tinh thần cải cách cũng đã lan tỏa rộng rãi ở các sở, ngành, địa phương. Thời gian gần đây các đơn vị đều xây dựng các chương trình để nâng cao, cải thiện chỉ số này. Đặc biệt, người đứng đầu cấp cơ sở đã có những động thái quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo cán bộ công chức, viên chức thực thi tốt các nhiệm vụ được giao.
Cán bộ VCCI Thanh Hóa – Ninh Bình thực hiện nhập số liệu khảo sát.
Điển hình như mới đây, mặc dù Chỉ số DDCI năm 2023 còn chưa được công bố nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai sớm và đặt nhiệm vụ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh DDCI là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2024. Kết hợp cùng VCCI phân tích, đánh giá những hạn chế còn tồn tại, những dư địa cải cách, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường đã yêu cầu các phòng, đơn vị thuộc sở rà soát, điều chỉnh, giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra chồng chéo, chưa thực sự cần thiết; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng điều hành và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, việc chủ động và nâng cao tính tiên phong của người đứng đầu, hỗ trợ, đồng hành cùng với DN và nhà đầu tư; linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng.
Hiện nay, cán bộ VCCI đang khẩn trương chuẩn bị các công đoạn lấy phiếu khảo sát. Theo lãnh đạo Hiệp hội DN tỉnh, kết quả DDCI là một trong những công cụ hữu hiệu để đưa ra bức tranh chung về môi trường đầu tư, kinh doanh. Điều đó khiến DN kỳ vọng nhiều hơn vào những cải thiện chính sách sau này. Với một phong trào thi đua sôi nổi, đây sẽ là bước ngoặt mang tính đột phá trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khẳng định quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa không ngừng nâng cao chất lượng điều hành kinh tế một cách toàn diện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chính đáng của DN, nhà đầu tư.
Bộ Chỉ số DDCI năm 2023 dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng 4/2024. Theo VCCI, ý nghĩa của DDCI không nằm hoàn toàn ở bảng xếp hạng, mà chính là sự cải thiện điểm số của mỗi đơn vị sở, ngành, địa phương. Thực tế, ở năm thứ 2 tỉnh Thanh Hóa triển khai đánh giá DDCI (công bố tháng 5/2023) đã cho thấy, đa số các đơn vị thuộc khối sở, ngành và khoảng 1/2 đơn vị thuộc khối UBND cấp huyện, thị có tăng về điểm số so với năm trước; một số đơn vị có điểm số tăng khá mạnh. Điều đó thể hiện chất lượng điều hành của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và chính quyền cấp huyện, thị đều cải thiện tốt theo “chấm điểm” của cộng đồng DN.
Bài và ảnh: Minh Hằng