Tôi nhớ, đoàn văn công Liên khu V sau khi tập kết ra Bắc đã đến đóng quân tại làng tôi gần một tháng. Tôi thích lắm. Tay bế em, suốt ngày tôi say sưa đứng xem các cô, các chú văn công tập hát, tập múa ở sân nhà tôi hoặc sân nhà bà bác.
Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tại điểm Cầu truyền hình Thanh Hóa tại Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc (TP Sầm Sơn, tối 1/9/2024).
Lần đầu tiên tôi được xem và nghe các tiết mục ca kịch, bài chòi và những làn điệu dân ca miền Trung, được xem tận mắt các cô chú văn công biểu diễn sênh tiền. Chính tại sân nhà mình tôi đã được thưởng thức bài hát “Giải phóng Kon Tum” ca ngợi chiến thắng Kon Tum (tháng 2/1954). Tôi vẫn còn nhớ, tuy không hoàn toàn chính xác, một số đoạn của ca khúc này: “Tin vui, tin vui, Kon Tum giải phóng, tin về, Kon Tum giải phóng. Phấp phới cờ bay cao, Kon Tum vui sướng người dân ta… Chiều nay đồng bào Kon Tum vui sướng hả hê, trở về với phố phường… Nhớ lại thời xưa, hơn tám mươi năm nô lệ, đế quốc cùng phong kiến, áp bức Kon Tum xác xơ, gieo đau buồn tang tóc lên bao nhiêu người dân nghèo, nhưng đồng bào Kon Tum vẫn tin có ngày sáng tươi. Hôm nay Kon Tum giải phóng rồi, hôm nay Kon Tum vùng đứng lên giết quân tham tàn, cùng nhau kết đoàn. Kon Tum vui, vui tưng bừng, cùng đọc thơ Bác, Bác Hồ kính yêu…”. Còn có một bài chòi lên án Ngô Đình Diệm phá hoại đình chiến mà tôi còn nhớ mang máng mấy câu: “Tên hắn là ai, tên hắn là ai, cái tên ăn cướp, nó phá đình chiến, nó mưu chia rẽ, giữa giáo với lương, nó là tên Diệm, tình tang tang tính, tính tang tang tình, nó là, nó là tên Diệm í i í i…”.
Hồi đó, tôi chỉ biết về đoàn văn công Liên khu V qua những gì tôi thấy tận mắt ở nhà tôi và làng tôi, chỉ biết đây là đoàn văn công thuộc các tỉnh Nam Trung Bộ xa xôi. Nghe giọng nói theo phương ngữ của các cô, các chú văn công, tôi càng dễ nhận ra xuất xứ của đoàn văn công quân đội này. Chẳng hạn, các cô, các chú không nói “làm việc” mà nói “lờm việc” – “tôi lờm việc”. Còn người làng tôi, trong đó có tôi, thay vì nói “làm việc” thì nói “mằn việc” – “tôi mằn việc”. Mãi sau này, lớn lên, qua báo chí tôi mới biết rõ về lịch sử và hoạt động “vì nhân dân quên mình” của đoàn văn công quân đội này:
“Năm 1952, theo yêu cầu động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội và nhân dân trên chiến trường Khu 5, tại chợ Cát, xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), đội Văn công Bộ Tư lệnh Liên khu 5 thành lập với số lượng vỏn vẹn 10 thành viên, là những thiếu sinh quân vừa tốt nghiệp khóa 6, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) và một số đồng chí có năng khiếu ca, múa được chắt lọc từ cơ sở. Vốn liếng ban đầu của đội là những tiết mục tự biên, tự diễn dựa trên chất liệu dân ca Khu 5 đằm thắm, mượt mà.
Hầu hết diễn viên bấy giờ là những chiến sĩ ngày cầm súng chiến đấu, đêm hát phục vụ chiến sĩ, đồng bào; vừa sưu tầm cải biên, sáng tác, dàn dựng, vừa tự thiết kế trang phục, đạo cụ trong hoàn cảnh thiếu trước hụt sau. Cùng với quyết tâm bám sát bộ đội, bám sát chiến trường, vượt lên những thử thách sống còn giữa mưa bom bão đạn, đội chia thành từng tốp nhỏ, sẵn sàng lên đường phục vụ bộ đội, nhân dân, phục vụ thương, bệnh binh trong điều kiện “3 không”: không phông màn, không âm thanh, không ánh sáng.
Trong ngôi nhà nhỏ tại khu cư xá sĩ quan Quân khu 5, nhạc sĩ Thanh Anh, nguyên Trưởng đoàn Văn công Quân khu 5 kể lại, ngay từ ngày đầu thành lập, đội đã có hàng trăm buổi biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân ở Gò Nổi (Quảng Nam), Tà Mực (Sơn Tây), Nam Quảng Ngãi, An Khê (Gia Lai), Konplong (Kon Tum)… trước và sau chiến dịch Hè Thu năm 1952, Thu Đông năm 1953 lịch sử”.
“Nhạc sĩ Thanh Anh là một trong những “cánh chim đầu đàn” xây dựng phong trào ca múa nhạc Khu 5 phát triển. theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại nhưng vẫn phù hợp với mọi nhiệm vụ chính trị được giao. Thoát ly gia đình từ năm 13 tuổi, 3 năm sau, ông nhập ngũ và trở thành diễn viên múa của văn công Trung đoàn 120, trưởng đội múa đội Văn công Bộ Tư lệnh Liên khu 5 tập kết ở miền Bắc vài năm sau đó”.
Các cô, các chú Đoàn Văn công Liên khu V từng đóng quân và tập luyện tại nhà tôi và làng tôi bây giờ chắc đã già lắm rồi. Vì hồi đó tôi mới 12, 13 tuổi mà nay tôi đã là “tuổi ông” thì các cô, các chú già hơn tôi là cái chắc. Tuy nhiên, tôi vẫn mường tượng rất rõ trong đầu hình ảnh những cô chú văn công trẻ trung, xinh đẹp, đàn giỏi, hát hay và rất quý trẻ con chúng tôi.
Đã 70 năm trôi qua, các cô, các chú để lại trong tôi những ấn tượng không bao giờ phai mờ. Tôi thuộc được nhiều ca khúc, nhiều giai điệu Nam Trung Bộ chính là nhờ các cô, các chú đoàn văn công này. Và chính các cô, các chú đã truyền cho tôi niềm đam mê các làn điệu dân ca Nam Trung Bộ, các bài ca kháng chiến mang dấu ấn vùng miền. Tôi thật sự vui mừng khi hay tin, tượng đài “Con tàu tập kết” tại Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại TP Sầm Sơn sẽ được khánh thành vào dịp kỷ niệm 70 năm sự kiện trọng đại này (1954-2024).
Lê Bá Thự (CTV)
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ky-niem-cua-toi-voi-doan-van-cong-lien-khu-v-cach-day-70-nam-227661.htm