Những ngày đầu tháng tám lịch sử, trở về với các địa danh Lạch Trường, hòn Nẹ, hòn Mê… để lắng lòng nghe khúc tráng ca Hải quân Nhân dân Việt Nam đánh thắng trận đầu và những chiến công của cha ông trên hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Đài chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam được xây dựng ở cửa biển Lạch Trường (Hoằng Hóa). Ảnh: Hoàng Lan
Cách đây tròn 60 năm (vào ngày 2/8/1964), đã diễn ra một trận chiến không cân sức giữa một bên là lực lượng hùng hậu tàu chiến, máy bay hiện đại của quân đội Mỹ và một bên là lòng quả cảm, tinh thần mưu trí, sáng tạo của những người lính Hải quân Việt Nam và quân, dân Thanh Hóa gắn với các địa danh Lạch Trường, Hòn Nẹ, Hòn Mê…
Năm 1964, trước nguy cơ thất bại của Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ quyết định đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam bằng một chiến lược mới và thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân hòng làm suy yếu hậu phương chiến lược, quyết định tới cục diện chiến tranh ở miền Nam. Đêm 31/7, rạng sáng ngày 1/8/1964, tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ xâm phạm vào vùng biển tỉnh Quảng Bình, sau đó tiến lên phía Bắc, điều tra các mạng lưới bố phòng của ta ở khu vực đèo Ngang, Hòn Mát, Hòn Mê, Lạch Trường (Thanh Hóa). Có nơi tàu này đi cách bờ chỉ khoảng 6 hải lý, vòng đi vòng lại nhiều lần để quan sát thăm dò lực lượng và sự bố phòng của ta.
Tất cả các hành động trên của tàu Ma-đốc Mỹ đều bị các đơn vị ra đa, quan sát mắt của ta theo dõi chặt chẽ và kịp thời báo cáo lên cấp trên. Bộ Tư lệnh Hải quân đã giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 135 khẩn trương làm công tác chuẩn bị, đảm bảo mọi mặt và tiến hành lắp ngư lôi cho Phân đội 3 để sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu. 23 giờ ngày 1/8, Phân đội 3 lắp xong ngư lôi và hoàn tất mọi công tác chuẩn bị. Đến 0 giờ 15 phút ngày 2/8, Phân đội 3, Tiểu đoàn 135 (gồm 3 tàu phóng lôi, số hiệu 333, 336, 339) được lệnh rời cảng Vạn Hoa (Quảng Ninh) bí mật hành quân vào Hòn Nẹ (Thanh Hóa) để phục kích đón đánh tàu khu trục của địch. Đến 10 giờ 30 phút, chỉ huy biên đội tàu tuần tiễu ở tàu 146 thông báo cho tàu 333 biết cấp trên lệnh cho phân đội tàu phóng lôi hành quân vào Hòn Mê ngay. Chỉ huy Phân đội 3 đã chỉ đạo các tàu nhanh chóng cơ động vào Hòn Mê.
Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, cán bộ, chiến sĩ biên đội tàu phóng lôi 333, 336, 339 của Hải quân Việt Nam đã xuất kích chiến đấu, tập trung hỏa lực bắn cháy 1 máy bay và bắn bị thương 1 chiếc; hai chiếc còn lại vội vã rời khỏi khu vực chiến đấu. Tàu Ma-đốc của địch bị trúng đạn, phải rút chạy ra khỏi lãnh hải Việt Nam. Về phía ta, hai tàu 336 và 339 bị hư hỏng một số thiết bị trên boong và trong khoang; 4 đồng chí hy sinh, 6 đồng chí bị thương.
Ngày 5/8/1964, Mỹ huy động 64 lần máy bay ồ ạt, bất ngờ ném bom vào nhiều mục tiêu quan trọng của Hải quân Việt Nam suốt dải ven biển từ sông Gianh (Quảng Bình) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh), trong đó địa danh Lạch Trường (Thanh Hóa) là một trọng điểm đánh phá của địch. Lúc 14 giờ 45 phút ngày 5/8/1964, lực lượng không quân Mỹ từ Hạm đội 7 bay vào đánh phá từ đảo Hòn Nẹ (Hậu Lộc) đến cửa Lạch Trường (Hoằng Hóa). Ngay sau khi máy bay Mỹ xuất hiện bắn phá cửa Lạch Trường và công kích vào các tàu hải quân ta, đơn vị dân quân các xã Ngư Lộc, Đa Lộc, Minh Lộc, Hòa Lộc (Hậu Lộc); xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa); tự vệ đánh cá Lạch Trường; Đại đội 19 bộ đội Phòng không bảo vệ trạm ra đa; đồn Công an vũ trang 74… nhanh chóng vào vị trí sẵn sàng chiến đấu, bắn trả quyết liệt máy bay giặc Mỹ. Trong cả 2 đợt chiến đấu ngày 2 và 5/8 ở Lạch Trường, quân dân ta đã bắn rơi 2 máy bay giặc Mỹ.
Trong cuộc chiến đấu ấy, có rất nhiều câu chuyện cảm động về tình quân dân: tại khu vực Lạch Trường, pháo thủ Đặng Đình Lống của tàu 146 bị thương vào cả hai chân, nhưng kiên quyết không rời vị trí chiến đấu; pháo thủ Đặng Đình Lống đã dùng thắt lưng cột chặt thân mình vào giá súng để tiếp tục bắn và quan sát máy bay, kịp thời truyền thông tin cho chỉ huy; anh đã cùng đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, góp phần bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Trung đội Dân quân xã Hoằng Trường do Trung đội trưởng là cụ Tường 63 tuổi trực tiếp chỉ huy. Tuy tuổi cao, mắt kém song cụ Tường vẫn bình tĩnh phụ trách khẩu trung liên cùng con cháu chiến đấu kiên cường. 12 cô gái dân quân xã Hòa Lộc đã chiến đấu ngoan cường với giặc. Hai cô gái Nguyễn Thị Vy, 17 tuổi; Lê Thị Thảo, 20 tuổi chưa từng quen với sóng cả nhưng vẫn xung phong vượt sóng ra khơi dưới làn bom đạn địch để cứu chữa thương binh, tiếp đạn cho tàu hải quân chiến đấu.
Để hỗ trợ các tàu hải quân ngoài biển, lực lượng phòng không và dân quân các xã khu vực Lạch Trường đã dùng súng bộ binh bắn trả máy bay Mỹ. Ông Trần Văn Lự, khi ấy đang là Bí thư Đoàn, Chính trị viên xã đội Hoằng Trường. Khi máy bay lao vào phía đất liền, ông đã trực tiếp dùng súng bộ binh bắn trả và sau đó cùng với Nhân dân trong xã đưa tàu ra biển tìm kiếm cứu hộ tàu hải quân bị đắm. Ông Lự đã cùng bà con ở Hoằng Trường cứu được 16 chiến sĩ và tìm được 7 liệt sĩ. Ông Hoàng Văn Mão, nguyên Xã đội trưởng dân quân Hòa Lộc không quản hiểm nguy đã bơi bộ ra tận khu vực tàu hải quân bị đắm, lặn xuống biển để tìm vớt thi hài liệt sĩ. Đoàn viên Tô Thị Đạo không tiếc thân mình nhiều lần tiếp máu cứu sống thương binh.
Chiến thắng của quân và dân Thanh Hóa trên vùng biển khu vực đảo Hòn Mê, Hòn Nẹ, Lạch Trường là thắng lợi đầu tiên của Hải quân Việt Nam trong cuộc đối đầu khốc liệt với Đế quốc Mỹ, trở thành ngày truyền thống “đánh thắng trận đầu” của Hải quân Việt Nam. Đồng thời, là thắng lợi của đường lối chiến tranh Nhân dân “Lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều” của Ðảng ta. Để tri ân những đóng góp, hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam, quân và dân Thanh Hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày 29/7/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã xây dựng Đài chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam, tại xã Hoằng Trường.
Năm tháng đã trôi qua, song chiến công đánh thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam vào ngày 2 và 5/8/1964 vẫn còn nguyên giá trị lịch sử – thời đại trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Sự chi viện, chăm sóc của Nhân dân Thanh Hóa đã làm tăng thêm sức chiến đấu của lực lượng hải quân ta, góp phần viết nên bản hùng ca trận đầu chiến thắng của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Trở lại những địa danh lịch sử năm xưa, những pháo thủ, những nữ dân quân làng biển ngày ấy có người mới chỉ ở độ tuổi trăng tròn, nay đều đã trở thành những lão ông, lão bà, có người đã về nơi thiên cổ. Cuộc chiến đấu của quân, dân Thanh Hóa gắn với các địa danh Lạch Trường, Hòn Nẹ, Hòn Mê… nơi đã từng dậy sóng nhấn chìm tàu chiến của quân xâm lược, nhuộm thắm máu đào của những anh hùng liệt sĩ hơn nửa thế kỷ trước đã ghi một mốc son trong lịch sử dân tộc.
Hoàng Lan
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ky-niem-60-nam-chien-thang-tran-dau-cua-quan-va-dan-mien-bac-trong-chong-chien-tranh-pha-hoai-bao-ve-mien-bac-xhcn-2-va-5-8-1964-2-va-5-8-2024-vang-mai-nhung-chien-cong-221066.htm