Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã nêu tấm gương mẫu mực về một chiến sĩ cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, hết lòng vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của Nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng thăm quê hương Thanh Miện năm 1976. Ảnh: tư liệu
Sinh ra trong một gia đình nghèo, có truyền thống yêu nước (thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổ Đoàn Lâm, huyện Thanh Miện, nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), người thanh niên yêu nước Nguyễn Lương Bằng đã sớm được giác ngộ và trở thành một trong những chiến sĩ đầu tiên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (năm 1925). Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu, tháng 9/1926, đồng chí Nguyễn Lương Bằng rời Quảng Châu về Hải Phòng, làm nhiệm vụ thiết lập đường dây liên lạc Hải Phòng – Hương Cảng (Hồng Kông) – Quảng Châu, chuyển tài liệu, sách báo cách mạng về nước. Đồng thời, vận động, tuyên truyền cách mạng ở Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình… Tháng 10/1927 đến 12/1928, đồng chí vào Sài Gòn tuyên truyền, vận động cách mạng trong công nhân và thanh niên. Tháng 12/1928, đồng chí trở lại Hải Phòng hoạt động trong phong trào công nhân và phong trào “vô sản hóa”.
Theo chủ trương của tổ chức, đồng chí Nguyễn Lương Bằng tình nguyện đi vào phong trào “vô sản hóa”, góp phần thúc đẩy sự kết hợp Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng cách mạng Nguyễn Ái Quốc với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình vận động tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam – đội tiên phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc. Đặc biệt, đồng chí cũng là một trong những người tiên phong trong công tác vận động công nhân, binh lính và đã thành công trong việc hình thành các tổ chức đầu tiên của công nhân và binh lính người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài. Để rồi, trong quá trình hoạt động cách mạng đầy cam go, thử thách, đồng chí đã từng bước trưởng thành và trở thành một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với những đóng góp quan trọng đó, Đảng ta đã khẳng định: Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một người cộng sự đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh “trong việc xây dựng Đảng ta, giáo dục đảng viên, chăm lo sự vững vàng của Đảng về tư tưởng và tổ chức”.
Quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã nhiều lần bị địch bắt, tù đày. Năm 1931, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại Thượng Hải, áp giải về nước và lần lượt bị giam tại bốt Catina (Sài Gòn), nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), nhà lao Hải Dương. Sau khi bị tòa án thực dân tại Hải Dương kết án phát lưu chung thân, đồng chí lần lượt bị giam tại nhà lao Hải Dương, nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Tháng 12/1932, đồng chí vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng. Cuối năm 1933, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai và bị tòa án thực dân ở Bắc Giang kết án khổ sai chung thân. Tháng 5/1935, đồng chí bị đày lên nhà tù Sơn La. Tháng 8/1943, đồng chí cùng một số cán bộ của Đảng vượt ngục thành công và trở về tiếp tục hoạt động cách mạng.
Trong những năm tháng bị giam cầm dưới chế độ nhà tù khắc nghiệt, phải đương đầu với tra tấn, bệnh tật, sự hiểm nguy của hai lần vượt ngục… song những gian khổ đó đã không thể khuất phục được người chiến sĩ “gan vàng, dạ sắt”. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản, tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, mưu trí. Đồng chí là một trong những người đi đầu trong các cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc, nêu cao tinh thần bất khuất trước quân thù với việc vận động tù nhân tuyệt thực, làm cho máu chảy, thậm chí là mổ bụng để buộc kẻ địch phải nhượng bộ.
Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, Tuyên Quang (ngày 14 và 15/8), đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (ngày 16 và 17/8) đã bầu đồng chí vào Ban Thường trực Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam. Với phẩm chất, tài năng và uy tín của mình, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Đảng, Nhà nước tin cậy giao phó thực hiện nhiều nhiệm vụ mới của cách mạng. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí liên tục là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và lần lượt giữ các chức vụ Trưởng Ban Kinh tế – Tài chính Trung ương (sau đổi thành Ban Tài chính Trung ương (1947-1951)); Tống Giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam (1951-1952); Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô (1952-1956); Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1956-1960); Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng (1960-1969); Phó Chủ tịch nước (1969-1979).
Quá trình hoạt động và cống hiến cho cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã góp phần quan trọng vào những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX: thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; thắng lợi của công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, thực sự là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Không chỉ cống hiến trọn đời cho cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng còn là tấm gương mẫu mực về đạo đức và lối sống mẫu mực: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tác phong cần cù, giản dị, khiêm tốn. Đồng chí luôn tâm niệm “cần phải rèn luyện lối sống cách mạng, phải kiên quyết chống lại lối sống cá nhân chủ nghĩa của giai cấp tư sản và các giai cấp không vô sản khác”. Trên tinh thần đó, đồng chí xác định phải “tiếp tục và phát huy gương sáng của người trước, tiêu biểu và mẫu mực cho chúng ta ngày nay, đó là lối sống cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, bởi “đời sống của Người, con người của Người, suốt năm, sáu chục năm nay, thực là tấm gương sống về lối sống cách mạng cần cù, giản dị, tiết kiệm, trong sạch và lành mạnh”.
Ngày 20/7/1979, do tuổi cao sức yếu, đồng chí Nguyễn Lương Bằng từ trần, hưởng thọ 75 tuổi. Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã nêu tấm gương mẫu mực về một chiến sĩ cộng sản kiên trung, một lãnh đạo tiền bối tiêu biểu hết lòng vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. “Tấm gương của đồng chí là giá trị tinh thần mãi mãi tỏa sáng đối với nhiều thế hệ những người cộng sản và thanh niên ta, Nhân dân ta. Tinh thần cách mạng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa của đồng chí là bất diệt”, Đảng ta khẳng định.
Khôi Nguyên