Các mô hình kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX trên địa bàn huyện Nông Cống đã có bước phát triển tích cực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Sản xuất miến gạo tại HTX dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long, xã Thăng Long.
Tiên phong tham gia thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), HTX dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long đã xây dựng thành công sản phẩm miến gạo Thăng Long đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2019, đến nay, HTX đã thu hút gần 30 thành viên tham gia. Ông Trương Hữu Hoa, Giám đốc HTX cho biết: Chính quyền địa phương và HTX thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là các khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản để từ đó tạo ra sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… Đặc biệt, từ các ứng dụng điện tử, HTX đã đẩy mạnh quảng bá qua các kênh thông tin như facebook, zalo để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm… Hiện nay, sản phẩm miến gạo Thăng Long đang được tiêu thụ tại siêu thị và một số đại lý trên địa bàn tỉnh cùng một số tỉnh, thành lân cận, nhờ đó, các thành viên HTX đã có thu nhập ổn định, có cuộc sống khá giả hơn.
Xác định kinh tế tập thể là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển đúng hướng, bền vững, huyện Nông Cống đã có những giải pháp quyết liệt, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách có liên quan đến kinh tế tập thể là yếu tố chủ đạo. Huyện đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về bản chất, vai trò cũng như cơ chế, chính sách đối với phát triển, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, biểu dương các mô hình điển hình tiên tiến trong hoạt động của HTX để nhân rộng.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, huyện tập trung vào công tác đào tạo, dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể. Đối với đội ngũ quản lý, huyện tăng cường công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức về kinh tế hội nhập, khoa học – công nghệ và kinh nghiệm tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đồng thời, chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ về liên doanh, liên kết mở rộng thị trường; tạo điều kiện cho các chủ thể kinh tế tập thể tiếp cận các chương trình, dự án, đề án để được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể theo phương châm tích cực nhưng vững chắc, xuất phát từ nhu cầu thực tế của các thành viên; khơi dậy ý thức tự chủ, tự vươn lên của các tổ chức kinh tế tập thể gắn với nhu cầu thị trường.
Nhờ thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ đã giúp khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Nông Cống phát triển khá ổn định. Hiện trên địa bàn huyện có 67 HTX và hơn 300 tổ hợp tác, tạo việc làm cho hơn 1.800 lao động. Các HTX trên địa bàn đều hoạt động theo Điều lệ HTX, sản xuất, kinh doanh – dịch vụ có hiệu quả, phát huy được vai trò kết nối với các doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản cho các thành viên và các hộ gia đình trên địa bàn; giúp các thành viên được tham gia tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phương thức sản xuất.
Thời gian tới, huyện Nông Cống tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh nhằm nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tập thể. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể đối với sự phát triển của kinh tế tập thể, HTX; nâng cao năng lực thích ứng với dịch bệnh và biến đổi khí hậu, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX ngày càng phát triển ổn định, bền vững. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế tập thể, tạo điều kiện cho các HTX tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Bài và ảnh: Minh Hà