Nhằm hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, các địa phương trong tỉnh đang tích cực thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Xuân Minh (Thọ Xuân) cho năng suất, chất lượng cao.
Những năm gần đây, huyện Thọ Xuân đã liên kết sản xuất với một số công ty trong và ngoài tỉnh xây dựng các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại các xã với tổng diện tích 119,2ha. Vụ mùa năm 2024, huyện thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ với quy mô 10ha tại thôn Ngọc Trung, xã Xuân Minh với 18 hộ tham gia, sử dụng các giống lúa TBR225, TBR 39, Gia Lộc 35… Trong quá trình canh tác, người dân không sử dụng thuốc hóa học, phân bón vô cơ nên năng suất lúa đạt khá cao. Theo chị Mai Thị Bình, thôn Ngọc Trung, xã Xuân Minh (Thọ Xuân), gia đình tham gia sản xuất 2 sào lúa sử dụng phân bón hữu cơ. Tham gia mô hình, người dân được huyện Thọ Xuân hỗ trợ kinh phí mua lúa giống, phân bón hữu cơ sinh học Eco Nutrients và được tập huấn kỹ thuật canh tác. Đây là loại phân bón hữu cơ nhập khẩu, được dùng phun trên lá, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây lúa sinh trưởng, phát triển. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất lúa vụ mùa đạt 3 tạ/sào tăng 50 kg/sào so với lúa canh tác thông thường.
Đây là vụ lúa thứ 2, HTX Dịch vụ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh phối hợp với đơn vị cung cấp phân bón hữu cơ triển khai sản xuất lúa hữu cơ, với diện tích 10ha. Theo bà Đỗ Thị Hoa, Giám đốc HTX: Qua thực tế sử dụng cho thấy, bón phân hữu cơ cây lúa đẻ nhánh khỏe, đẻ tập trung, số nhánh hữu hiệu đạt 6 – 7 nhánh/khóm, cao hơn bình quân 0,5 nhánh/khóm so với sản xuất đại trà, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Lúa cứng cây, ít đổ ngã, trỗ tập trung và hạn chế được điều kiện thời tiết bất thuận, chiều dài bông đạt 24,5cm, tỷ lệ hạt chắc cao; năng suất đạt 60 tạ/ha, cao hơn 10 tạ/ha so với vùng sản xuất đại trà. Hiệu quả kinh tế từ sản xuất lúa hữu cơ cao hơn 1 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13,26ha diện tích đất trồng trọt đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, toàn tỉnh có khoảng 5.100ha diện tích cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ và tiêu chuẩn hữu cơ. Trong đó, lúa 4.264ha, chè 24ha, rau, đậu các loại 47,6ha, cây ăn quả 481ha, cây dược liệu 281,5ha, cây khác 1,9ha. Qua đánh giá bước đầu của ngành nông nghiệp, sản xuất hữu cơ đã nâng cao hiệu quả của sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp 1,2 – 1,5 lần so với phi hữu cơ. Phát triển nông nghiệp hữu cơ từng bước thay đổi hình thức sản xuất, thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế, kinh tế số trong nông nghiệp cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó, tạo ra tiền đề và cơ sở để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2030, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu diện tích sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ và đạt tiêu chuẩn hữu cơ đạt 2.000ha, trong đó, lúa 1.215ha, rau các loại 139ha, cây ăn quả 425ha và cây khác 63ha. Để đạt được mục tiêu đó, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về nông nghiệp hữu cơ, từng bước thay đổi nhận thức về sản xuất truyền thống, tiến đến nền nông nghiệp hữu cơ an toàn, bền vững. Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ trên các loại cây trồng để giới thiệu, khuyến khích các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia học tập, làm theo. Phát huy vai trò của doanh nghiệp, HTX làm nòng cốt, định hướng sản xuất, ứng dụng và chuyển giao khoa học – công nghệ, hỗ trợ đầu vào xây dựng, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Bài và ảnh: Lê Hợi
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/khuyen-khich-su-dung-phan-bon-huu-co-trong-san-xuat-nong-nghiep-225188.htm