Nơi núi rừng Quan Hóa hùng vĩ, hang Co Phương ở bản Sại, xã Phú Lệ là chứng tích bi thương nhưng oai hùng, nhắc nhớ lớp lớp hôm nay và mai sau về tinh thần quật cường, bất khuất của cha ông ta để bảo vệ non sông đất nước.
Người dân đến dâng hương tại hang Co Phương.
Hang Co Phương (còn có tên gọi khác là Co Phường) nằm trong lòng núi đá của dãy Pố Há. Hang được kiến tạo bởi những tảng đá lớn xếp chồng lên nhau, diện tích khoảng 20m2, vòm nơi cao nhất khoảng 4m, càng đi sâu vào bên trong, lòng hang càng hẹp. Xưa kia trước cửa hang có cây khế, nên người dân địa phương đã gọi tên Co Phường (theo tiếng Thái, tên gọi này có nghĩa là hang cây khế).
Theo các tài liệu có liên quan, vào những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, bản Sại, xã Phú Lệ nằm trên tuyến đường vận chuyển quân lương, khí giới của quân ta phục vụ chiến dịch Thượng Lào và chiến dịch Điện Biên Phủ. Hang Co Phương không chỉ là trạm quân lương mà còn là nơi trú quân của bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. Bởi nơi này nằm sát cả tuyến đường bộ và đường sông lên vùng Tây Bắc và Thượng Lào. Trong chiến dịch Thượng Lào, tỉnh Thanh Hóa đã trở thành hậu phương trực tiếp, quan trọng, đảm bảo hơn 70% nhu cầu lương thực để bộ đội ăn no đánh thắng. Trong chiến dịch này, tỉnh ta đã huy động 113.973 dân công dài hạn và 148.499 dân công ngắn hạn, 2.000 xe đạp thồ, 180 con ngựa, 8 ôtô, 1.300 thuyền,…
Do phát hiện vị trí quan trọng tập kết quân lương chi viện cho các chiến trường của quân ta, giặc Pháp đã liên tục cho máy may quần thảo, ném bom bắn phá. Với tinh thần “Tất cả cho chiến dịch”, “Tất cả cho bộ đội ăn no đánh thắng”, lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của tỉnh Thanh Hóa với cuốc xẻng thô sơ đã ngày đêm thường trực trên tuyến đường này, giữ vững giao thông thông suốt ra chiến trường.
Chiến dịch Thượng Lào của liên quân Lào – Việt toàn thắng, đã mở ra giai đoạn mới cho cách mạng Lào và tạo thuận lợi chiến lược cho ta tiến lên giành thắng lợi trong chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ. Tổng kết chiến dịch, Thanh Hóa được Bác Hồ tặng cờ “Phục vụ tiền tuyến khá nhất”. Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng, như: Đại đội xe thồ C3 (huyện Hậu Lộc), Đại đội 4 và Đại đội 7 (huyện Thiệu Hóa), 2 đơn vị xe đạp thồ của thị xã Thanh Hóa,…
Song để góp phần làm nên chiến thắng ấy, trên núi đồi bản Sại đã hứng chịu nhiều hy sinh mất mát. Chỉ tính riêng huyện Thiệu Hóa đã có 27 dân công hỏa tuyến hy sinh vì bom giặc trên đoạn đường này. Và hang Co Phương là một chứng tích về một thời khói lửa đau thương nhưng bi tráng của cha ông.
Theo các tài liệu lịch sử, vào khoảng 3 giờ chiều ngày 2/4/1953, máy bay giặc Pháp thay nhau thả bom khu vực xã Phú Lệ mà trọng tâm là khu vực hang Co Phương, nhằm phá hủy quân lương, khí giới, cắt đứt chi viện của ta ra chiến trường. Sau trận bom ấy, cửa hang bị tảng đá lớn sập xuống lấp kín 11 dân công hỏa tuyến đang trú ẩn bên trong. Phía bên ngoài là đầy rẫy những hố bom, không khí bi thương bao trùm lên núi đồi bản Sại.
Những cụ cao niên ở bản Sại kể lại, sau trận bom ấy, họ vẫn nghe có tiếng kêu cứu vọng ra từ trong hang. Người dân và bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã nghĩ trăm phương nghìn cách để cứu họ ra ngoài. Nhưng rồi khối đá quá lớn, chẳng có máy móc nào kéo ra được, mà nếu dùng thuốc nổ, thì ở bên trong họ cũng không thể giữ được tính mạng. Tuổi xanh của họ đã ở lại cùng với núi rừng Quan Hóa hùng vĩ, vẫn thường ngày nghe tiếng suối róc rách, tiếng cây rừng du dương vỗ về.
Và tên tuổi của họ ngày nay vẫn còn khắc ghi trên tấm bia đá đặt trước cửa hang Co Phương. Các anh, chị đều quê ở xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa), gồm: Nguyễn Thị Diễu, Nguyễn Chi Hoằng, Nguyễn Thị Hội, Nguyễn Thị Mứt, Nguyễn Dung Phước, Nguyễn Thị Thiêm, Nguyễn Chí Toàn, Nguyễn Thị Toán, Nguyễn Thị Tố, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Viên. Họ ra đi, nhưng tên tuổi còn mãi với núi sông này.
Hòa bình lập lại, ngành chức năng, chính quyền địa phương và thân nhân các liệt sĩ đã họp bàn phương án, đưa hài cốt các anh, các chị về quê hương. Đã có ý kiến tính đến phương án di dời tảng đá lớn ở cửa hang để quy tập hài cốt các liệt sĩ. Tuy nhiên, thời gian đã trôi xa, việc tìm được hài cốt và xác định danh tính sẽ gặp nhiều khó khăn. Các thân nhân liệt sĩ đã thống nhất giữ nguyên hiện trạng của hang, để họ mãi mãi yên nghỉ nơi mảnh đất này.
Để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, năm 1999, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà bia tưởng niệm tại hang Co Phương. Đến năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, UBND tỉnh đã lập quy hoạch, tôn tạo Khu Di tích lịch sử cách mạng hang Co Phương. Đến năm 2012, di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Và đến năm 2019, Khu di tích lịch sử hang Co Phương được xếp hạng cấp quốc gia.
Khu di tích lịch sử hang Co Phương hiện có nhà bia, có khuôn viên hành lễ nằm lặng lẽ giữa đại ngàn hùng vĩ, là chứng tích của tinh thần quật cường, anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Trước cửa hang ấy, người dân đã đắp lên một nấm mộ chung tượng trưng, phía bên ngoài là lư hương lớn, để những người hôm nay và mai sau hương khói, tri ân những người đã ngã xuống, kết thành khúc tráng ca bất tử.
Bài và ảnh: Vân Anh