Về Lam Kinh những ngày gần kề lễ hội, du khách sẽ được khám phá vẻ đẹp của di sản ở độ cuối thu. Đó là vẻ đẹp vừa trầm mặc, vừa man mác của đất trời mùa thu. Trong không gian thoang thoảng nhang trầm, khói hương là tiếng chiêng lanh lảnh vang vọng lại từ những tòa Thái miếu, sẽ mang đến cho con người cảm giác vừa thư thái, vừa an yên đến lạ…
Bảo vật quốc gia bia Vĩnh Lăng. Ảnh: Trường Giang
Sau khi dâng hương Chính điện, các tòa Thái miếu, các lăng mộ, du khách nên ghé thăm 5 bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại Lam Kinh, gồm: bia Vĩnh Lăng (bia Lê Thái tổ), bia Chiêu Lăng (bia Lê Thánh tông), bia Khôn Nguyên Chí Đức (bia Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao), bia Dụ Lăng (bia Lê Hiến tông) và bia Kính Lăng (bia vua Lê Túc tông). Những bảo vật quốc gia này không chỉ là minh chứng sống động về một thời kỳ vàng son trong quá khứ của khu di tích; mà còn khẳng định cho những giá trị bất biến, trường tồn của toàn bộ khu miếu điện Lam Kinh trong tiến trình lịch sử, cũng như trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam. Ở mỗi bảo vật lại ẩn chứa để kể cho hậu thế một câu chuyện lịch sử thú vị…
Trong số 5 bảo vật, bia Vĩnh Lăng luôn có một vị trí hết sức đặc biệt và vô cùng quan trọng. Bia được dựng tháng 10-1433, nằm cách lăng mộ vua Lê Thái tổ chừng 300m. Nhà che bia Vĩnh Lăng nổi bật bởi kiến trúc bằng gỗ lim, vì kèo theo lối chồng rường 2 tầng mái và 16 hàng chân cột bằng cả sải tay người ôm. Công trình này được phục dựng lại trên nền móng và chân tảng cũ từ những năm 60 của thế kỷ XX, để che công trình chính là tấm bia đá lớn bên dưới. Bia Vĩnh Lăng có màu xám xanh, được làm bằng đá trầm tích nguyên khối. Bia hình chữ nhật, đặt trên lưng rùa. Đầu bia khắc “Lưỡng long chầu nguyệt”, chân bia khắc những vân sóng nước tựa hình người đang ngồi niệm Phật, dường như mang ẩn ý về sự an nhiên, tĩnh tại và trường cửu.
Bia Vĩnh Lăng được dựng tháng 10 năm 1433 (Thuận Thiên năm thứ 6, Quý Sửu). Mặt trước được khắc khoảng 750 chữ Hán, được xem là “bản tổng kết thu nhỏ, nguyên bản” về cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Thái tổ – người đặt nền móng dựng nên cơ đồ nhà hậu Lê trải qua mấy trăm năm lịch sử. Văn bia do quan Vinh Lộc đại phu nhập nội hành khiển tri tam quán sự Nguyễn Trãi vâng soạn, được nhiều học giả đánh giá cao bởi lối văn biền ngẫu khí thế. Bia Vĩnh Lăng mang đầy đủ các giá trị cả về mặt nghệ thuật lẫn nội hàm (văn bia) nên được xem là “một pho tư liệu quý” về nghệ thuật trang trí, điêu khắc thời Lê sơ đã đạt đến trình độ cao của sự tinh tế, tỉ mỉ, vừa mềm mại vừa chắc khỏe khoắn.
Đánh giá về vẻ đẹp và giá trị của bảo vật quốc gia này, có tác giả đã viết: Bia Vĩnh Lăng là hồn khí, là trái tim, là não bộ của điện miếu Lam Kinh. Là pho sử liệu sống động, là tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, văn hóa to lớn trong kho tàng di sản văn hóa nước Việt. Đá trầm tích, lăng mộ cũng là độ sâu trầm tích của tư duy sáng tạo, của bề dày văn hóa. Dựng bia đặt trước mộ chí như thể là bức bình phong che chắn mọi điều bất lợi hoàn toàn là nét mới mang tính phá cách của triều Lê sơ mà các triều đại trước không hề có!
Cùng với bia Vĩnh Lăng, bảo vật quốc gia Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi (bia Lê Thánh tông), cũng là tấm bia rất giàu giá trị và được cho là đã đánh dấu bước phát triển lên tầm cao mới của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và văn hóa Việt thời Lê sơ. Bia được dựng vào mùa xuân năm Mậu Ngọ, niên hiệu cảnh Thống thứ nhất (1498) đời vua Lê Hiến tông. Bia Chiêu Lăng được làm bằng đá nguyên khối, màu xanh đen, nhẵn mịn. Bia cao 2,76m, rộng 1,9m, dày 0,28m được đặt trên lưng rùa.
Bia hình chữ nhật, trán bia hình vòng cung, mặt trước trán bia khắc nổi ba hình rồng; chính giữa là một hình rồng lớn, cuộn tròn, mặt hướng ra ngoài; hai bên khắc hai rồng thân hình mập, uốn khúc bay lượn, mặt hướng chầu vào rồng lớn ở giữa. Xung quanh diềm bia có hai đường chỉ nổi, chạy song song với nhau nối từ đỉnh bia xuống đế bia, tạo thành hình chữ nhật ôm trọn toàn bộ chữ Hán. Giữa hai đường chỉ nổi mỗi bên trang trí 6 hình rồng, thân uốn cong nhiều đoạn (rồng yên ngựa), miệng há to phun ra các đao lửa đang trong tư thế vờn lên. Phần diềm phía dưới bia trang trí tương xứng 6 rồng, mỗi bên 3 con nối nhau chầu vào, đầu chạm hình những đao lửa, đuôi uốn lượn tạo hình tam sơn. Hai bên hông bia, mỗi bên khắc một rồng lớn, rồng yên ngựa, đầu rồng chạm hoa văn hình đao lửa, đuôi giống đuôi cá chuối, tư thế vút cao, dưới đuôi rồng trang trí hoa văn hình tam sơn và sóng nước, trên tam sơn là vân mây…
Cùng với hoa văn nổi bật, giá trị của bia Chiêu Lăng còn thể hiện ở văn bia được khắc công phu, nhằm ghi tạc công lao to lớn, vĩ đại của một trong những vị minh quân, đã đưa nền quân chủ phát triển lên đỉnh cao rực rỡ nhất. Bia khắc chữ Hán cả hai mặt. Mặt trước tên bia viết theo lối chữ Triện, gồm 7 chữ “Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng Bi” (nghĩa là Bia Chiêu Lăng ở Lam Sơn nước Đại Việt). Toàn văn bia khắc kiểu chữ Khải chân, mặt trước có 58 dòng với hơn 3.000 chữ, ghi về thân thế, sự nghiệp của vua Lê Thánh tông. Bề tôi vâng mệnh soạn văn bia là các Hàn lâm viện: Thân Nhân Trung, chức Quang kiến đại phu, Hàn lâm viện thừa chỉ, Đông các Đại học sĩ kiêm Quốc Tử giám Tế tửu, Chính trị khanh; Đàm Văn Lễ, chức Thượng thư bộ Lễ, Gia hạnh đại phu kiêm Đông các Đại học sĩ, khuông mỹ doãn; Lưu Hưng Hiếu, chức Đạt tin đại phu, Đông các Đại học sĩ, tu thiện thiểu doãn.
Văn bia có đoạn ngợi ca công đức vua Lê Thánh tông: “Vua tuy không có ý ở ngôi cao, nhưng bởi cơ nghiệp tổ tông là trọng, vả lại thần liêu đều suy tôn nên lên nối ngôi. Đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là Quang Thuận, dâng tôn hiệu cho Nhân tông, đặt huy hiệu cho Tuyên Từ Hoàng thái hậu, Đào Biểu tử tiết thì đặc ban khen thưởng; Đắc Ninh theo phản nghịch thì giết bỏ để nghiêm trị. Phàm chính lệnh phiền nhiễu đều cách đổi; hình pháp hà khắc thì loại trừ, nhằm sửa đổi nền nếp trong dân, chấn chỉnh kỷ cương triều đình. Tiếp đó xem xét luật pháp, ngôi vua yên ổn. Thi hành tam đức để thuận nhân tâm, coi trọng việc học để hưng văn thơ, đề cao nho học, kính trọng đại thần, khảo xét điển chế cổ để xây dựng kế lâu dài cho nền thống trị. Đối với thưởng phạt thì giữ chữ tín mà chuẩn mực. Đối với hiệu lệnh thì nghiêm khắc mà rõ ràng. Kính trời thì lấy cơ hành làm đầu, cần dân thì cốt nông tang là không chuộng trân kỳ, không thích xa xỉ. Biết phong tục là gốc chủa chính hóa thì dùng đức nhân hậu nhường nhịn để dạy bảo. Biết quan lại là nguồn của trị loạn thì lấy đức thanh liêm, sự răn đe để rèn. Hết mức hiếu kính để phụng thờ mẫu hậu mà mãi đến được niềm vui của sự yên ổn. Dùng ân nghĩa để chế ngự tộc thuộc mà diệt hết được mầm mống của thói kiêu xỉ, đều rành rành trong tai mắt mọi người. Vậy mà vẫn còn biết bao chi tiết điều mục khúc triết tinh vi nữa khó có thể kể hết ra được! Chỉ trong mấy năm, xã hội đạt đến bình yên sung túc, ngày một giàu mạnh”.
Nếu bia Vĩnh Lăng được xem là cái gạch nối giữa thời trước và thời sau; nghĩa là điểm mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của nền nghệ thuật điêu khắc, có sự kế thừa tinh hoa của nền điêu khắc Lý – Trần và truyền thống nghệ thuật dân gian. Đến bia Chiêu Lăng đã tiến tới định hình một phong cách nghệ thuật mới hoàn chỉnh: nghệ thuật thời Lê sơ. Với ý nghĩa và giá trị đó mà khi đánh giá về bảo vật này, nhiều nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng, bia Chiêu Lăng với những đặc trưng tiêu biểu, là hiện vật độc bản mang tính độc đáo, có thể đại diện cho phong cách nghệ thuật của một giai đoạn mới phát triển rực rỡ nhất. Đó là một pho sử liệu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật trang trí, điêu khắc đá thời Lê sơ.
Ngoài 2 bảo vật kể trên thì 3 tấm bia còn lại gồm bia Khôn Nguyên Chí Đức, bia Dụ Lăng và bia Kính Lăng cũng là những bảo vật vô giá, rất đáng để du khách tìm hiểu, khám phá khi về với Lam Kinh. Bởi, không chỉ độc đáo và tinh tế về hình dáng, chất liệu hay hoa văn trang trí; mà các bảo vật này còn có giá trị đặc biệt liên quan đến các nhân vật có ảnh hưởng đến lịch sử dân tộc. Và tựu chung lại, các bảo vật đều truyền tải một hay nhiều thông điệp ý nghĩa, đậm tính nhân văn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và đều hướng đến các giá trị chân – thiện – mỹ!
Trường Giang
Bài 3: Lam Kinh và những câu chuyện ly kỳ.