Theo kế hoạch, trong tháng 10 này Đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam lần thứ 4 để giám sát, kiểm tra, đưa ra quyết định có gỡ “thẻ vàng” IUU hay không.
Ảnh minh họa.
IUU được biết đến là các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Trong 6 năm bị EC cảnh báo “thẻ vàng” IUU tính đến thời điểm này, chúng ta không chỉ thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh, vị thế quốc gia. Qua 3 lần Đoàn công tác của EC sang kiểm tra, nhưng Việt Nam vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng”. Với quyết tâm chính trị rất cao, đồng bộ giải pháp từ Chính phủ, các bộ, ngành chức năng ở Trung ương, đến các địa phương có biển trong thời gian gần đây, đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, dự báo là sẽ thuyết phục được Đoàn công tác của EC trong chuyến kiểm tra, giám sát lần này.
Hy vọng tràn trề và cứ cho rằng lần này thủy sản Việt Nam sẽ thoát được “kiếp nạn” pháp lý được đặt ra bởi EC, nhưng nỗi lo đâu đó lại thấp thoáng. Việc vi phạm hay chấp hành nghiêm quy định IUU phần rất lớn thuộc về ý thức của ngư dân và chủ phương tiện đánh bắt. Dù chúng ta đã có rất nhiều biện pháp tuyên truyền, nhưng chưa thể thay đổi triệt để ứng xử của ngư dân. Nhiều ngư dân bề ngoài chấp hành, hoặc có cam kết, nhưng thực chất vẫn chưa gác lại được lợi ích cục bộ và ngắn hạn để nâng niu, nuôi dưỡng những lợi ích lớn hơn, lâu dài hơn gắn với lợi ích, uy tín quốc gia, dân tộc. Những tháng gần đây, theo thông tin báo chí vẫn còn có những vụ vi phạm diễn ra ở một số địa phương.
Phải nhớ rằng, bị EC cảnh báo “thẻ vàng” IUU không chỉ là thiệt hại về kinh tế, mà còn là mất uy tín, danh dự gắn với những vấn đề đối ngoại, gồm cả việc xử lý một số tranh chấp, phân định chủ quyền trên biển.
Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định vừa tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, chống khai thác IUU chính là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân, chứ không phải vì việc thanh, kiểm tra của EC. Thủ tướng nhấn mạnh, cần để người dân có ý thức, thực hiện nghiêm việc “đi khai, về báo” một cách tự giác vì lợi ích của chính mình và của đất nước.
Có thể hiểu, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải xây dựng được trách nhiệm tuân thủ và ý thức tự giác ở từng ngư dân thì mới tạo ra chuyển biến thực chất và lâu dài. Còn nếu chỉ vì đáp ứng các yêu cầu phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát của EC, thì cũng có thể xem là sự “lên gân, lên cốt”, chứ chưa đủ để đảm bảo duy trì trật tự trong lâu dài, nguy cơ bị tái áp đặt “thẻ vàng” hoàn toàn có thể xảy ra.
Bởi thế, các nỗ lực để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” từ EC là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn chính là phải có những biện pháp mạnh để duy trì trật tự sau đó. Việc này không chỉ đòi hỏi phải đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các biện pháp trên bờ như yêu cầu đáp ứng trang thiết bị giám sát, giấy phép đánh bắt, tuân thủ quy định đánh bắt; mà còn đòi hỏi trách nhiệm rất cao của các lực lượng chấp pháp trên biển. Bởi giữa mênh mông biển cả mà ngư dân cố tình thì sẽ không có ai và phương tiện nào trên bờ có thể ngăn chặn kịp thời được.
Thái Minh