Cùng với việc triển khai hiệu quả các chương trình của Chính phủ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19, Chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp do các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng tín dụng. Qua đó đã đẩy mạnh đầu tư nguồn vốn tín dụng ra thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn, đóng góp thiết thực cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Công ty TNHH Nông sản Đại Phát, Cụm công nghiệp xã Xuân Khang (Như Thanh) được vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Từng gặp khó khăn do thiếu vốn, Công ty TNHH Nông sản Đại Phát ở Cụm công nghiệp xã Xuân Khang (Như Thanh) chuyên sản xuất dăm gỗ xuất khẩu và ván ép phủ phim xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã phải thu nhỏ quy mô sản xuất để duy trì hoạt động. Nhờ có Chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, công ty đã được cung ứng vốn và phát triển sau những tháng ngày phải hoạt động cầm chừng. Ông Vũ Đăng Bắc, Giám đốc công ty cho biết: “Chúng tôi đã được Agribank Như Thanh hỗ trợ vốn vay 10 tỷ đồng để đầu tư mở rộng thêm 3 dây chuyền sản xuất ván ép, 2 dây chuyền bóc ván, mua thêm xe tải, nguyên liệu sản xuất, trả tiền lương công nhân… Nhờ vốn vay ngân hàng, công ty đã vượt qua khó khăn và đứng vững trước sự cạnh tranh của thị trường. Hiện nay, doanh thu của công ty đạt hơn 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho 70 lao động với thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng/người/tháng”.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) đã chỉ đạo các NHTM trên địa bàn triển khai mạnh mẽ, sâu rộng Chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, như: chủ động gặp gỡ, đối thoại, tổ chức hội nghị khách hàng để nắm bắt nhu cầu và tháo gỡ các khó khăn trong vay vốn ngân hàng, tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện bảo đảm chính sách hỗ trợ được triển khai hiệu quả, thực chất. NHNN Thanh Hóa chỉ đạo các NHTM chủ động tìm kiếm, tổ chức ký kết cho vay vốn ưu đãi khách hàng, tùy theo điều kiện, mở rộng đến cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu vay phù hợp với mục tiêu chương trình. Đồng thời, ưu tiên cấp tín dụng hướng vào những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh; thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp cũng là dịp để các doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi những vấn đề đang vướng mắc như không vay được vốn ngân hàng nào, ngân hàng giải thích vì sao không được vay vốn… Thông qua chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, ngày càng có nhiều doanh nghiệp được tiếp cận chính sách tháo gỡ khó khăn của NHNN và Chính phủ. Tính đến cuối tháng 11/2023, toàn tỉnh có 4.662 doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng với dư nợ đạt 51.968 tỷ đồng.
Bên cạnh hoạt động cam kết và giải ngân vốn vay mới, các NHTM trên địa bàn tỉnh cũng quyết liệt triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như: Hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP với tiền lãi đã hỗ trợ đạt hơn 21 tỷ đồng; thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ, dư nợ đã hỗ trợ là 7.061,9 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 125,3 tỷ đồng; hơn 77 tỷ đồng đã giải ngân theo gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm thủy sản với lãi suất thấp hơn từ 1 – 2% so với lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn; hơn 39 tỷ đồng tiền phí dịch vụ đã miễn/giảm cho khách hàng từ đầu năm 2023 đến nay; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 218 lượt khách hàng với tổng giá trị nợ được cơ cấu là 1.190 tỷ đồng… Với việc được vay vốn từ chương trình, các doanh nghiệp đã giảm bớt những khó khăn về vốn và chi phí lãi vay bởi lãi suất cho vay thấp, từ đó góp phần tác động giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thanh Hóa, cho biết: Thông qua Chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội để củng cố niềm tin và hợp tác lâu dài của cả ngân hàng và doanh nghiệp. Về phía ngân hàng sẽ tìm được khách hàng uy tín, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Còn về phía doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn về các cơ chế chính sách, các chương trình hỗ trợ lãi suất của ngân hàng, từ đó, điều chỉnh kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng. Đó chủ yếu là những doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa có năng lực quản trị điều hành còn hạn chế, hệ thống sổ sách chứng từ chưa đầy đủ. Do đó, doanh nghiệp chưa tạo được uy tín, niềm tin cho ngân hàng, gây khó khăn cho công tác thẩm định trong quá trình cho vay. Để tiếp cận được nguồn vốn, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động, quản trị điều hành để đáp ứng các điều kiện vay vốn từ ngân hàng. Tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ trong việc lập sổ sách kế toán, khai thuế và hải quan điện tử, giao dịch ngân hàng qua internet nhằm giảm chi phí giao dịch; minh bạch thông tin tài chính, dòng tiền, kết nối và chia sẻ thông tin tài chính với các tổ chức tín dụng để dần minh bạch hóa thông tin tài chính, tạo lòng tin trên thị trường.
Bài và ảnh: Khánh Phương