Cùng với việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ lãi suất, cho vay các chương trình ưu đãi doanh nghiệp vay vốn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang đẩy mạnh cho vay đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Qua đó, góp phần kích thích tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nhân viên Ngân hàng TMCP Bắc Á – Chi nhánh Thanh Hóa tư vấn cho khách hàng các dịch vụ, gói vay ưu đãi của ngân hàng.
Chị Mai Thị Hà ở phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Hai vợ chồng chị đều là nhân viên phát triển thị trường, thu nhập chỉ đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày nên rất khó tích lũy được khoản tiền lớn. Vì thế khi có nhu cầu sử dụng, vợ chồng chị thường tìm đến ngân hàng để vay vốn. Hoặc khi cần mua sắm, cũng có thể mua hàng trả góp, điều này không chỉ giảm áp lực về tài chính mà còn giúp gia đình dễ dàng hơn trong việc mua sắm cũng như quản lý tài chính.
Được biết, để thu hút khách hàng vay tiêu dùng, thời gian qua, nhiều tổ chức tín dụng đã thiết kế đa dạng các sản phẩm, thủ tục cho vay đơn giản, lãi suất cạnh tranh, kỳ hạn trả nợ linh hoạt. Cụ thể, hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trên địa bàn tỉnh đã triển khai chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước với tổng nguồn vốn cho vay lên đến 15 nghìn tỷ đồng.
Đối với khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương qua tài khoản mở tại Agribank, lãi suất cho vay thấp hơn từ 1 – 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Đối với khách hàng chưa sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương qua tài khoản thì lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 – 1%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Chương trình được triển khai cho các khoản vay ngắn, trung và dài hạn được áp dụng từ ngày 12-6-2023 đến hết ngày 12-6-2024.
Tại SeABank Thanh Hóa cũng đang triển khai chương trình cho vay tiêu dùng mua nhà, mua ô tô với lãi suất ưu đãi từ 9,29%/năm. Sacombank Thanh Hóa cũng có gói cho vay mua xe lãi suất 8,5%/năm và vay đến 100% giá trị xe, thời gian vay kéo dài đến 10 năm; cho vay mua, xây mới hoặc sửa chữa nhà với mức lãi suất chỉ từ 10,68%/năm và được vay tối đa đến 30 năm…
Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn triển khai dịch vụ mua hàng trả góp qua thẻ tín dụng với lãi suất 0%. Đây được xem là hình thức mua hàng tiện lợi nếu tận dụng tốt chính sách hỗ trợ của ngân hàng. Với hình thức này, khi khách hàng mua trả góp thì số tiền trả trước, tiền trả góp hằng tháng… sẽ được thanh toán trên thẻ tín dụng, khách hàng không phải ra cửa hàng đóng tiền trực tiếp. Số tiền giao dịch sẽ được chia thành những khoản trả góp đều nhau trong nhiều tháng, được liệt kê cùng với các giao dịch bằng thẻ vào bảng sao kê hằng tháng. Ngoài thủ tục trả góp đơn giản, lãi suất bằng 0%, khách hàng còn được hưởng các chương trình ưu đãi khi mua hàng bằng thẻ tín dụng như giảm giá hoặc tích điểm.
Bên cạnh đó, ngoài kênh vay vốn tiêu dùng ở ngân hàng, các tổ chức tín dụng không phải ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng như: công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng Nhân dân, tổ chức cho vay khác… Ngoài ra, thị trường tài chính tiêu dùng còn được đa dạng hóa với sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính và hoạt động cấp tín dụng thông qua bán hàng trả chậm của những công ty bán lẻ. Các đơn vị này thực hiện hoạt động cho vay tiêu dùng với thủ tục cho vay đơn giản và các sản phẩm, dịch vụ đa dạng như cho vay mua, sửa chữa nhà ở, học tập, du lịch, chữa bệnh… Các tổ chức tín dụng này liên kết với các đại lý điện máy, hàng tiêu dùng, doanh nghiệp du lịch giúp người dân có nhu cầu vay tiêu dùng dễ dàng tiếp cận dịch vụ, kích thích tiêu dùng, đồng thời góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”. Tuy nhiên, khi vay vốn tại các công ty tài chính, các tổ chức tín dụng này cần phải tìm hiểu kỹ về các điều khoản, lãi suất… để tránh các trường hợp lãi suất quá cao, mất khả năng thanh toán.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, đến hết tháng 9-2023 dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 183.204 tỷ đồng, tăng 4,2% so với đầu năm, trong đó nhiều ngân hàng thương mại dành 30 – 45% thị phần tổng dư nợ để cho vay khách hàng cá nhân tiêu dùng. Việc giải ngân vốn cho vay tiêu dùng không chỉ giúp các ngân hàng tăng trưởng tín dụng mà còn kích cầu sản xuất, phục hồi phát triển kinh tế – xã hội.
Để đáp ứng nguồn vốn vay phục vụ tiêu dùng, nhất là trong những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân lớn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn tín dụng phục vụ tiêu dùng cá nhân. Đồng thời, nâng cao chất lượng xét duyệt hồ sơ vay vốn nhằm hạn chế rủi ro phát sinh; kiểm soát tốt chất lượng tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng khuyến cáo người tiêu dùng phải thận trọng lựa chọn cho mình các gói tín dụng phù hợp với thu nhập và khả năng trả nợ để tránh món vay trở thành nợ xấu, khách hàng “mất điểm” tại các ngân hàng, gây ra hệ lụy mất an toàn trật tự xã hội.
Bài và ảnh: Lương Khánh