Với mục tiêu xây dựng và phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) trở thành một trong những trung tâm công nghiệp – đô thị và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước; xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN) với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, bên cạnh những nỗ lực trong cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư,… Trung ương và tỉnh Thanh Hóa cũng đã và đang dành nguồn lực tương xứng và cơ chế cởi mở, với kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá phát triển cho KKTNS và các KCN trong thời gian tới.
Bốc xếp hàng container tại Cảng quốc tế Nghi Sơn. Ảnh: Minh Hằng
Kiên định mục tiêu
Trong chương trình phát triển KKTNS và các KCN, tỉnh Thanh Hóa hướng tới xây dựng KKTNS trở thành một trong những trung tâm công nghiệp – đô thị và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước, với các tổ hợp công nghiệp mũi nhọn là: lọc hóa dầu, nhiệt điện, luyện cán thép, xi măng, chế biến hàng xuất khẩu… gắn với khai thác có hiệu quả cảng nước sâu Nghi Sơn, hình thành trung tâm cảng biển, dịch vụ thương mại, logistics và các đô thị hiện đại, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, khu vực và của cả nước. Cùng với đó, sẽ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển các KCN với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, nhanh chóng lấp đầy các KCN, tạo ra các cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế của tỉnh.
Theo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương cần tập trung quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu thực hiện bảo đảm đạt kết quả cao nhất đối với các mục tiêu đã đề ra tại Chương trình phát triển KKTNS và các KCN giai đoạn 2021-2025, với giá trị sản xuất đạt 1.463.000 tỷ đồng; tổng giá trị xuất khẩu 5 năm đạt 26.340 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 130.650 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 120.000 lao động; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 455.000 tỷ đồng; hoàn thành công tác đầu tư hạ tầng cho 445 ha; hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) 2.500 ha…
Đồng chí Bùi Tuấn Tự, Phó trưởng Ban Quản lý KKTNS và các KCN, cho biết: “Đơn vị sẽ tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, cơ chế, chính sách, chương trình trọng tâm, khâu đột phá để sớm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các công trình dự án xây dựng kết cấu hạ tầng KKTNS và các KCN; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để thu hút các dự án công nghiệp nặng, giá trị gia tăng cao, nhằm tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư và phát triển tại KKTNS và các KCN”.
Để khắc phục những điểm yếu, phát huy tiềm năng, lợi thế của KKTNS và các KCN, phát biểu tại hội nghị nghe báo cáo chương trình này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi, nêu rõ: “Việc thực hiện các mục tiêu đề ra tại chương trình là hết sức quan trọng nhằm tạo động lực, “đầu kéo” cho phát triển ngành công nghiệp của tỉnh nói riêng và các mục tiêu tăng trưởng của tỉnh nói chung. Do đó, đồng chí đề nghị Ban Quản lý KKTNS và các KCN, các sở, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác lập quy hoạch phân khu, làm cơ sở cho việc thực hiện các thủ tục pháp lý trong hoạt động thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ GPMB, tạo quỹ đất sạch thu hút những dự án lớn, giá trị gia tăng cao; tích cực xúc tiến thu hút và phát triển cảng container chuyên dụng, các tuyến vận tải container quốc tế, các trung tâm logistics để đáp ứng đa dạng nhu cầu kho bãi, trung chuyển hàng hóa cho khách hàng. Đồng chí cũng yêu cầu các địa phương có tiềm năng thu hút đầu tư như Quảng Xương, Hoằng Hóa,… có quy hoạch KCN cần khẩn trương lập, trình phê duyệt, xúc tiến các cơ hội thu hút đầu tư trong thời gian gần nhất”.
Kỳ vọng tạo đột phá
Nhằm tháo gỡ “nút thắt” quan trọng nhất tại KKTNS là thiếu quỹ đất “sạch” – mấu chốt dẫn đến công tác thu hút đầu tư và việc thực hiện các mục tiêu về sản xuất, kinh doanh gặp khó – cuối năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã khởi động Đề án “GPMB, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và GPMB các KCN trong KKTNS”, với kinh phí hơn 11.300 tỷ đồng. Ban chỉ đạo thực hiện đề án cũng đã được thành lập với 23 thành viên, do đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Theo đề án, Thanh Hóa sẽ dành nguồn vốn 11.300 tỷ đồng đầu tư GPMB, xây dựng các khu tái định cư để phục vụ GPMB 3 KCN số 6, số 20, số 21. Đây là những KCN có vị trí quan trọng, là điểm nhấn thu hút các dự án của các nhà đầu tư tiềm năng để phát triển KKTNS nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Hiện nay vị trí của 3 KCN có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu để đầu tư.
Theo phân kỳ đầu tư, trong các năm 2023-2024, địa phương sẽ tập trung nguồn lực GPMB, đầu tư xây dựng 3 khu tái định cư tại xã Anh Sơn và xã Các Sơn, với diện tích khoảng 23 ha, phục vụ di dân GPMB KCN số 20, đồng thời triển khai GPMB với diện tích khoảng 604 ha thuộc phạm vi KCN số 20. Từ năm 2024-2025 sẽ tiến hành GPMB, đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư tại các xã Thanh Sơn, Ngọc Lĩnh, các phường Mai Lâm, Trúc Lâm, với tổng diện tích khoảng 57 ha, để chuẩn bị GPMB các KCN số 21 và số 6. Các KCN này đều có vị trí quan trọng, là điểm nhấn thu hút các dự án của các nhà đầu tư tiềm năng để phát triển KKTNS nói riêng và tỉnh nói chung. Có thể nói, đây là quyết định mang tính đột phá chiến lược về hạ tầng của tỉnh nhằm cải thiện vị thế trong khu vực và cả nước về thu hút đầu tư FDI vào KKTNS.
Cùng với đó, Trung ương và tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành và rốt ráo triển khai nhiều cơ chế kích cầu khác nhằm thu hút các dự án quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, các hoạt động thông thương hàng hóa nhằm tạo động lực phát triển tại KKTNS và các vùng lân cận. Điển hình như theo Thông tư số 21/2021/TT-BCT ngày 10-12-2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc quy định Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, thì đây là 1 trong 6 cửa khẩu cảng biển của cả nước được phép nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi. Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2026; trong đó, chính sách này thực hiện hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu tiếp cận thị trường mới…
Dây chuyền sản xuất gạch tiêu chuẩn xuất khẩu Âu, Mỹ tại Công ty CP Đầu tư phát triển Vicenza (KCN Lễ Môn).
Đặc biệt, để tạo sức hút đối với các hãng tàu, đơn vị logistics và doanh nghiệp thực hiện vận chuyển hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, tạo đột phá trong hoạt động xuất nhập khẩu qua hệ thống Cảng Nghi Sơn, ngày 13-7-2022 HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND (NQ 248) về chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn. Theo đó, chính sách từ NQ 248 quy định mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển container quốc tế qua Cảng Nghi Sơn là 500 triệu đồng/chuyến; đồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến. Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet khi doanh nghiệp không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa. Thời gian thực hiện chính sách đến hết ngày 31-12-2026.
Ông Phan Đào Vũ, Chủ tịch Công ty TNHH Cảng Quốc tế Nghi Sơn, chia sẻ: “Có thể nói, đây là chính sách hỗ trợ tốt nhất trong hệ thống cảng biển ở Việt Nam. Theo khảo sát, nguồn hàng container tại Thanh Hóa và Nghệ An khoảng 250.000 TUE. Đây là tiềm năng rất lớn cho việc khai thác hàng container về cảng, tăng thu thuế xuất nhập khẩu cho tỉnh Thanh Hóa. Chính sách từ NQ 248 được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt trong thu hút đầu tư cả hãng tàu và doanh nghiệp về với Cảng Nghi Sơn”.
Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng KKTNS và các KCN; đặc biệt là đôn đốc thi công hoàn thành các dự án kết nối với cảng biển Nghi Sơn, như: tuyến đường bộ ven biển, đường vào cảng container Long Sơn, tuyến giao thông trục chính phía Tây… đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án mới như đường nối cao tốc Bắc Nam, Quốc lộ 1A đi Cảng Nghi Sơn; dự án đầu tư hệ thống thoát nước đường 513 – KKTNS; hoàn thiện mặt đường vào Nhà máy Xi măng Đại Dương. Các dự án mới như Dự án đầu tư nâng cấp cải tạo một số tuyến đường của thị xã Nghi Sơn kết nối các huyện Quảng Xương, Nông Cống, Như Thanh; tuyến đường sắt từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi KKTNS; đầu tư ga Trường Lâm và tuyến đường sắt nối Cảng Nghi Sơn theo quy hoạch nhằm thiết lập thêm các hành lang thông thương tới KKTNS.
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cũng cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các nhà đầu tư lớn đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh mở rộng quy mô, công suất; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để thu hút các dự án công nghiệp nặng, giá trị gia tăng cao; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics; thường xuyên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là hoạt động của các dự án lớn có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tạo việc làm.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ tập trung đôn đốc, hỗ trợ tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai sớm đưa vào hoạt động như: Nhà máy Xi măng Đại Dương 1 và 2, Nhà máy Săm lốp ôtô Radial, Nhà máy Thép Nghi Sơn số 2, Nhà máy Hóa chất Đức Giang; các dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư như: Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn, Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương, Khu nuôi trồng thủy hải sản VNC, Nhà máy cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn… Khi các dự án này đi vào hoạt động hiệu quả, sẽ tạo sức lan tỏa thu hút nhiều dự án mới, định hình vững vàng vị thế một trọng điểm về sản xuất công nghiệp của tỉnh Thanh.
Bài và ảnh: Minh Hằng