Thời gian qua, hoạt động lý luận phê bình văn học nghệ thuật (LLPBVHNT) Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Một trong những dấu ấn đậm nét nhất là việc 4 tác giả của Thanh Hóa được trao tặng thưởng các tác phẩm LLPBVHNT xuất bản năm 2023.
Nhà phê bình Trịnh Vĩnh Đức (thứ 3 từ trái sang) nhận tặng thưởng các tác phẩm LLPBVHNT xuất bản năm 2023.
Nếu VHNT là “lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế của văn hóa” thì LLPB là một thành tố hữu cơ trong đời sống VHNT. Ở đó, LLPBVHNT giữ vai trò như chiếc roi đặc biệt, sáng tác là những con ngựa; roi có quất mạnh thì ngựa mới lồng lên mà phi nước đại. Thanh Hóa là một trong các địa phương có đội ngũ sáng tác đông đảo, hoạt động hăng hái, sôi nổi trên hầu khắp các lĩnh vực VHNT.
Để có thể “đồng hành” và cao hơn thế là định hướng, mở lối cho sáng tác, bản thân những người hoạt động trong lĩnh vực LLPBVHNT của xứ Thanh luôn nêu cao vai trò, tâm huyết, trách nhiệm trong từng tác phẩm. Ban LLPBVHNT (Hội VHNT Thanh Hóa) đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ là nơi tập hợp, khích lệ, tạo “sân chơi” cho các thành viên thỏa đam mê, sức sáng tạo, từ đó cho ra đời nhiều tác phẩm, công trình giá trị và đạt được nhiều giải thưởng của tỉnh, Trung ương, góp phần nâng tầm vị thế của VHNT xứ Thanh.
Nhìn từ các giải thưởng LLPBVHNT thời gian qua, có thể nói, hoạt động LLPBVHNT của xứ Thanh đã và đang có nhiều khởi sắc. Thực tế, một khoảng thời gian khá dài, Ban LLPBVHNT Thanh Hóa “vắng bóng” các giải thưởng ở cấp Trung ương. Năm 2016, nhà LLPBVH Thy Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh đạt giải C của Hội đồng LLPBVHNT Trung ương và giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với tập sách “Mạch ngầm con chữ” được xem như đã “giải cơn khát” cho LLPBVHNT xứ Thanh. Đến năm 2022, LLPBVHNT xứ Thanh tiếp tục được xướng tên với giải B – giải thưởng VHNT của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với tập sách “Tri âm con chữ” của Trịnh Vĩnh Đức. Năm 2024, LLPBVHNT xứ Thanh thực sự ghi dấu ấn sâu đậm khi có 4/25 tác giả được Hội đồng LLPBVHNT Trung ương trao tặng thưởng các tác phẩm LLPBVHNT xuất bản năm 2023, gồm 1 mức C và 3 mức khuyến khích. Cụ thể là: Tác giả Trịnh Vĩnh Đức với tác phẩm “Điểm hẹn văn chương” (mức C); tác giả Nguyễn Minh Khiêm với tác phẩm “Phê bình và tiểu luận” (mức khuyến khích); tác giả Trần Đàm với tác phẩm “Những ngôi sao bên tôi” (mức khuyến khích); tác giả Lê Quang Sinh với tác phẩm “Trầm tích mùa thu” (mức khuyến khích)… Trong đó, 3/4 tác giả được trao tặng giải thưởng là thành viên ban LLPBVHNT.
Được biết, đợt xét tặng thưởng năm 2023 có 118 tác phẩm (gồm 34 cuốn sách và 84 bài viết) được các cơ quan, đơn vị gửi đề nghị hội đồng xem xét. Để chọn lọc, thẩm định và đi đến quyết định trao tặng thưởng hằng năm cho các tác phẩm LLPBVHNT chất lượng cao, hội đồng đặc biệt coi trọng tính học thuật, tính mới, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của các tác giả khi đi vào các vấn đề, hiện tượng, khuynh hướng hay trường hợp văn nghệ cụ thể, đặc biệt là đóng góp của tác phẩm đoạt giải đối với thực tiễn sáng tác; nghiên cứu lý luận, phê bình; quảng bá và tiếp nhận giá trị tác phẩm.
Nhà phê bình Trịnh Vĩnh Đức là một trong những cây viết đã dần khẳng định được mình trong địa hạt PBVH xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung. Là người yêu thích công việc viết lách, bắt đầu thử sức ở nhiều lĩnh vực như viết văn, viết báo cả nghiên cứu văn hóa, lịch sử, sáng tác thơ từ những năm 90 của thế kỷ XX. Song, với nhà phê bình Trịnh Vĩnh Đức, niềm đam mê, yêu thích nhất vẫn luôn dành cho nghiên cứu PBVH.
Trước đây, do công tác chuyên môn, sau đó đảm nhiệm quản lý giáo dục chiếm phần lớn thời gian, nhà phê bình Trịnh Vĩnh Đức chủ yếu tập trung nghiên cứu, trau dồi kiến thức về LLPBVHNT qua việc đọc sách. Kể từ khi nghỉ hưu, ông toàn tâm toàn ý theo đuổi hoạt động viết, chuyển hóa kiến thức mình tiếp thu được qua từng trang viết. Từ năm 2019 đến nay, ngoài việc tham gia viết nội dung cho tập sách “LLPBVH Thanh Hóa từ năm 2010 đến nay”, nhà phê bình Trịnh Vĩnh Đức đã xuất bản 2 tập sách chuyên về LLPBVH. Điều đặc biệt, cả hai tập sách này đều nhận được sự quan tâm của độc giả, đánh giá cao từ phía đông đảo các “bạn văn”, hội đồng chuyên môn, giành được giải thưởng về VHNT của tỉnh, Trung ương. Năm 2022, tập sách “Tri âm cùng con chữ” đã đoạt giải B – giải thưởng VHNT của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Năm 2024, tập sách “Điểm hẹn văn chương” được Hội đồng LLPBVHNT Trung ương quyết định trao tặng thưởng mức C. Nhà phê bình Trịnh Vĩnh Đức chia sẻ: “Không có sự thành công nào đến dễ dàng mà phải có ý chí phấn đấu với lòng đam mê nhiệt huyết, sáng tạo, không ngừng trau dồi kỹ năng nghiên cứu. Đặc biệt, người viết phải biết vận dụng tổng hợp kiến thức đặc trưng riêng của từng thể loại, từ đó tìm ra nét riêng của mình trong các thao tác, nhận diện, phân tích, bình luận, đánh giá đúng, phù hợp với đối tượng nghiên cứu”.
Với cái nhìn bao quát, toàn diện, bên cạnh những tín hiệu vui, nhà phê bình Trịnh Vĩnh Đức không khỏi có những băn khoăn, trăn trở: “Mặc dù thời gian qua, ban LLPBVHNT đã có nhiều giải pháp hiệu quả để phát triển, mở rộng hội viên, kết nạp thêm được nhiều các cây viết trẻ có tinh thần, nhiệt huyết, nền tảng vững chắc. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có kế hoạch bồi dưỡng, phát huy kịp thời thì những “khoảng trống” vẫn luôn hiện hữu”. Do đó, để VHNT xứ Thanh nói chung, LLPBVHNT xứ Thanh nói riêng ngày càng “thăng hạng”, ngày càng có nhiều tác giả – tác phẩm đạt giải cao của tỉnh, Trung ương, nhà phê bình Trịnh Vĩnh Đức chỉ rõ: “Trước nhất, các thành viên trong ban LLPBVHNT cần tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thực hiện các đề tài có tính khái quát, chuyên sâu. Các nghiên cứu, công trình phải có tính hệ thống, cần áp dụng các thao tác kết hợp giữa lý thuyết cơ bản kết hợp với cách nhìn trực giác nghệ thuật; nắm vững quan điểm phê bình, tìm ra cái hay cái đẹp của tác phẩm văn chương, hướng người đọc đến các giá trị chân – thiện – mỹ. Điều quan trọng, mỗi người cần tìm ra cái riêng khác để khẳng định cá tính riêng, hướng tới những vấn đề lớn cần biểu đạt. Cùng với nỗ lực của người viết, Hội VHNT Thanh Hóa cần chú trọng tăng cường quảng bá các tác phẩm VHNT; tổ chức thêm các buổi tọa đàm, ra mắt sách, hội thảo quy mô với sự tham gia của cả các cây viết Trung ương”.
Bài và ảnh: Hoàng Linh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/khoi-sac-ly-luan-phe-binh-van-hoc-nghe-thuat-thanh-hoa-nhin-tu-cac-giai-thuong-trung-uong-234313.htm