Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên với nhiều giải pháp linh hoạt, hoạt động của nhiều doanh nghiệp (DN) tại “đầu tàu” Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) và các KCN vẫn là những “điểm sáng” đóng góp tích cực cho ngành công nghiệp Thanh Hóa.
Sản xuất sản phẩm tại Công ty TNHH Dầu thực vật khu vực miền Bắc Việt Nam (KKTNS).
Tại Công ty Xi măng Nghi Sơn, những tháng đầu năm nay ghi nhận sự tăng trưởng sản lượng ở cả mặt hàng xi măng và clinker. Trong quý I, công ty đã sản xuất và xuất bán ra thị trường 1,3 triệu tấn xi măng và 1,05 triệu tấn clinker. Với tín hiệu tích cực trong tiêu thụ những tháng đầu năm, công ty này đang đặt ra mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, lợi nhuận tăng 300 tỷ đồng và đóng góp ngân sách Nhà nước 250 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Trong quý I, Công ty TNHH Dầu thực vật khu vực miền Bắc Việt Nam đưa ra thị trường 10.815 tấn dầu ăn đóng gói và 7.164 hàng hóa rời, đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Với những tín hiệu tiêu thụ tốt, công ty cũng định hướng các chỉ tiêu sản xuất đều tăng như doanh thu đạt 2.693 tỷ đồng, tăng 55%; lợi nhuận đạt 118 tỷ đồng, tăng 5%; nộp ngân sách Nhà nước 453 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ.
Theo Ban Quản lý KKTNS và các KCN, những tháng đầu năm 2024 cũng chứng kiến hoạt động ổn định của nhiều DN lớn như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, các nhà máy nhiệt điện, xi măng, bao bì… Giá trị sản xuất, kinh doanh của các DN tăng trưởng tốt, với doanh thu đạt 64.083 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Các DN đã nộp ngân sách 6.758 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ và giải quyết việc làm cho gần 100.000 lao động.
Ngoài các dự án hiện hữu, trong quý I năm nay cũng ghi nhận đưa vào vận hành một số dự án mới, tăng thêm sản phẩm và kỳ vọng gia tăng giá trị sản xuất. Mới đây nhất, sau hơn 20 tháng thi công, Nhà máy Công nghiệp SAB, trực thuộc Công ty TNHH Công nghiệp SAB Việt Nam đã chính thức khánh thành, đi vào hoạt động tại KCN Bỉm Sơn. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư hơn 62 triệu USD, chuyên sản xuất phụ kiện quần áo như dây khóa kéo, cúc nhựa, cúc kim loại… Việc đưa dự án vào hoạt động không chỉ tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương mà còn góp phần vào việc phát triển công nghiệp phụ trợ ngành may mặc, giảm thiểu sự phụ thuộc của ngành may vào các phụ kiện nhập khẩu từ nước ngoài.
Ông Wang Wo, Tổng Giám đốc Nhà máy Công nghiệp SAB, cho biết: “Chúng tôi rất cảm ơn chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã luôn đồng hành hỗ trợ để dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Chúng tôi đang khẩn trương kết nối với các đối tác, khách hàng. Kế hoạch năm nay dự kiến sẽ sản xuất với sản lượng đạt khoảng 56 triệu USD”.
Hiện nay, Ban Quản lý KKTNS và các KCN tỉnh đang đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án mang lại hiệu quả cao về kinh tế – xã hội; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hiện hữu đầu tư mở rộng quy mô, công suất, đặc biệt là các dự án lớn, dự án trọng điểm của tỉnh. Đơn vị cũng đang tích cực đôn đốc, hỗ trợ các dự án triển khai xây dựng đảm bảo tiến độ, đặc biệt hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc các dự án: dự án hạ tầng KCN Đồng Vàng; hạ tầng KCN Lam Sơn – Sao Vàng; dự án số 1, tổ hợp hóa chất Đức Giang; các dự án đầu tư của Tập đoàn VAS và Công ty CP Tập đoàn Công Thanh… nhằm sớm tạo mặt bằng sạch và đưa các dự án vào vận hành, khai thác. Đơn vị cũng đang tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện của các dự án đã được giao đất, cho thuê đất; tham mưu việc xem xét thu hồi đất chậm tiến độ kéo dài để giao cho các nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án; tăng cường công tác hỗ trợ, hướng dẫn hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục môi trường và tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Từ năm 2023 tới nay, tại KKTNS và các KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư thêm nhiều dự án mới như: Dự án Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 5.500 tỷ đồng; Khu nuôi trồng thủy hải sản VNC với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương tổng mức đầu tư 1.099 tỷ đồng; Nhà máy Nghi Sơn Global tổng mức đầu tư 860 tỷ đồng; dự án khai thác đá vôi làm nguyên liệu xi măng tổng mức đầu tư 1.142 tỷ đồng; Trạm biến áp 220kV KKTNS và đường dây đấu nối tổng mức đầu tư 675 tỷ đồng… Khi các dự án này vào vận hành, khai thác, “hạt nhân” Nghi Sơn và các KCN sẽ có thêm sự phát triển bứt phá.
Bài và ảnh: Tùng Lâm