Trải qua 10 năm “nếm mật nằm gai”, khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) đã thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi ấy là đỉnh cao của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Bởi, không chỉ có tướng sĩ đồng lòng, mà cuộc khởi nghĩa còn nhận được sự góp sức tích cực của Nhân dân. Đặc biệt, từ những buổi đầu dựng cờ khởi nghĩa, đi đến đâu nghĩa quân cũng được Nhân dân Thanh Hóa ủng hộ, bảo vệ, nuôi dưỡng.
Đền Lai, xã Minh Sơn thờ Anh hùng dân tộc Lê Lợi – tương truyền nơi đây Lê Lợi và nghĩa quân từng dừng chân và luyện quân.
Đóng góp của Nhân dân Thanh Hóa cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là to lớn, toàn diện từ con người đến vật lực, lương thảo. Sự đóng góp ấy được in dấu đến tận ngày nay qua sử sách, hay qua những câu chuyện, giai thoại của mỗi vùng đất. Bàn về những đóng góp của Nhân dân Thanh Hóa trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, các tác giả Phan Huy Lê – Phan Đại Doãn trong cuốn “Khởi nghĩa Lam Sơn 1418-1427”, đã chỉ rõ: “Hầu như không có làng nào thuộc hai huyện Lương Giang và Cổ Lôi dọc theo sông Chu không có người gia nhập nghĩa quân vào những năm tháng chuẩn bị này”. Hay các tác giả Đinh Xuân Lâm – Trần Quang Vinh đã nhận định: “Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, Lê Lợi đặc biệt chú trọng đến việc huy động tài vật, lương thực trong Nhân dân, nhất là trong các dân tộc thiểu số vùng núi phía Tây Thanh Hóa, liền kề sau lưng căn cứ Lam Sơn mà nghĩa quân vốn có mối quan hệ rất chặt chẽ”. Nhà nghiên cứu Hà Nam Ninh khẳng định: Nhân dân Lang Chánh cưu mang giúp đỡ nghĩa quân Lam Sơn vượt qua thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất; Nhân dân huyện Bá Thước tạo điều kiện cho nghĩa quân Lam Sơn tạo ra các chiến thắng lớn trên đất Lỗi Giang.
Nhắc đến đóng góp của người dân Thanh Hóa thì chắc hẳn phải nhắc đến sự đóng góp của người dân các dân tộc miền núi Thanh Hóa và người dân vùng đất Lam Sơn – nơi diễn ra những hoạt động đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đó được xem như điểm tựa vững chắc để cuộc khởi nghĩa phát triển lớn mạnh.
Sau một thời gian chuẩn bị, “chuyên tâm vào sách lược thao”, “hậu đãi tân khách, với người trốn tránh”, cùng với tài năng và tấm lòng yêu thương người dân của Lê Lợi, đất Lam Sơn đã trở thành nơi tụ nghĩa của nhiều tướng lĩnh tài giỏi, trung kiên, đảm đương và giữ vị trí quan trọng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ở vùng đất Lam Sơn và các thôn làng Lương Giang (thuộc các huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc), có những gia đình, bao nhiêu con thì bấy nhiêu người tham gia nghĩa quân. Như, gia đình Lê Lai, Lê Lư, Lê Lan, Lê Lộ, Lê Lâm ở thôn Dựng Tú (Ngọc Lặc); 3 anh em họ Đinh: Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt. Ở Bỉ Ngụ, Cao Trị (Thường Xuân) có Lê Sát, Lê Tại và 4 anh em họ Phạm… Họ đều là những nghĩa sĩ tự nguyện hiến thân cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và con đường cứu nước.
Sau khi tập hợp được những anh em đồng chí hướng, năm 1416, Lê Lợi cùng 18 anh hùng hào kiệt (đa phần là người Thanh Hóa như, Lê Lai, Lê Văn An, Nguyễn Thận, Trịnh Khả…) đã tổ chức Hội thề Lũng Nhai. Vùng đất Lam Sơn và vùng miền núi Thanh Hóa không chỉ góp tướng sĩ, chứng kiến lời thề, quyết tâm đánh giặc của 19 anh em, mà từ đó, vùng núi Lam Sơn trở thành nơi che giấu, giúp Lê lợi chiêu mộ nghĩa quân.
Nhận thấy thời cơ chín muồi, tháng Giêng năm 1418, Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa. Trong buổi đầu của cuộc kháng chiến, lực lượng của nghĩa quân rất nhỏ bé, chỉ có 35 quan võ, 200 thiết kỵ, 200 dũng sĩ, 200 nghĩa sĩ, 14 thớt voi, tổng cộng 2.000 người. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, Bình Định vương đã tận dụng lợi thế địa hình núi non hiểm trở dọc từ Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân, Bá Thước, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành… để vừa công, vừa thủ duy trì chiến đấu.
Vùng núi Thanh Hóa không chỉ trở thành căn cứ địa mà đất và Nhân dân nơi núi rừng đã bảo vệ, giúp nghĩa quân thoát khỏi bao cuộc vây bắt, truy quét gắt gao của quân thù. Có những thời điểm nghĩa quân bị giặc bao vây truy đuổi, phải rút lên núi Chí Linh 3 lần và ròng rã hàng tháng không có lương ăn. Giữa tình cảnh khó khăn ấy, đồng bào các dân tộc vùng rừng núi Chí Linh đã đùm bọc, ủng hộ hết lòng nghĩa quân, trở thành chỗ dựa để Lê Lợi và nghĩa quân “chờ giặc lui quân, (vua) mới về đắp lũy ở quê cũ tại Lam Sơn, lại sai binh Mường cùng trai gái Lam Sơn khiêng gánh lương thực ra vào nơi hiểm kín (rồi) phủ dụ sĩ tốt, ước thúc đội ngũ, chỉnh đốn khí giới” – theo “Lam Sơn thực lục”.
Không chỉ sử sách chép lại, mà người dân vùng miền núi Thanh Hóa ngày nay, vẫn còn truyền nhau những giai thoại gắn việc đắp lũy Lam Sơn và những đóng góp của Nhân dân trong cuộc khởi nghĩa. Từ Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Quan Hóa, Bá Thước đều kể về những ngày gian khổ của Lê Lợi “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/ Khi Khôi Huyện quân không một lữ”. Nhưng nhờ sự ủng hộ tích cực và có hiệu quả của Nhân dân các dân tộc Mường, Thái mà nghĩa quân Lam Sơn từng bước lớn mạnh. Hay câu chuyện về việc người dân nhặt được hàng thúng ngón chân, ngón tay bị đứt sau mỗi ngày đắp lũy. Và, những giai thoại người dân chạy giặc cùng nghĩa quân, người dân giúp Lê Lợi thoát sự truy đuổi của giặc hay việc đặt tên làng, địa danh gắn với khởi nghĩa Lam Sơn.
Từ sự tham gia đóng góp cho khởi nghĩa Lam Sơn của người dân vùng miền núi, cùng “tiếng lành vang xa” về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa, người dân các vùng đồng bằng, ven biển đều tự nguyện góp người, góp sức cho khởi nghĩa Lam Sơn. Thời gian đầu, những người Thanh Hóa ở miền đồng bằng, ven biển cũng tự nguyện tham gia nghĩa quân, như: Lê Tông Kiều, Võ Uy, Hà Mộng, Lê Khương, Lê Viện… Và, khi cuộc khởi nghĩa lan rộng từ đất Lam Sơn ra các vùng khác, nghĩa quân đi đến đâu đều được người dân góp sức, giúp đỡ đến đó. Nhiều vùng đất còn lưu giữ những câu chuyện cảm động về sự đoàn kết, gắn bó giữa người dân với Lê Lợi và nghĩa quân. Theo truyền thuyết, khi nghĩa quân bị giặc Minh lùng bắt chạy về vùng sông Mã, Lê Lợi thấy túp lều nhỏ của bà bán nước bèn nhảy xuống sông bơi sang. Bà đã chỉ cho ông nơi ẩn nấp. Khi giặc đuổi đến hỏi, bà chỉ về phía núi Vùng (Hoằng Hóa) khiến chúng lạc hướng.
Cùng với góp quân sĩ thì người dân Thanh Hóa còn góp lương thực, thực phẩm cho nghĩa quân. Đến nay chưa có tài liệu nào thống kê cụ thể số lương thực góp cho nghĩa quân, song trong các tài liệu có nhắc đến việc người dân hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Như, trong làng Huyết Mễ (thị trấn Lam Sơn) có hai vợ chồng ở lại trông coi kho lương cho nghĩa quân, con cái theo Lê Lợi đi kháng chiến. Khi giặc Minh đến tra khảo nơi cất giấu lương thực, vợ chồng ông một mực không khai và bị giặc Minh giết hại. Hay, trong những lần hết lương thực, Lê Lợi cử Nguyễn Lãm và vợ là bà Phạm Thị Ngọc Trần về vùng đất Thọ Xuân huy động lương thực, thực phẩm rồi dùng thuyền chở theo sông Lương vào sông Âm tiếp tế cho nghĩa quân…
Sự đóng góp toàn diện, to lớn của Nhân dân Thanh Hóa trong mọi “bước chân” của nghĩa quân đã trở thành sức mạnh thúc đẩy cuộc khởi nghĩa Lam Sơn phát triển lớn mạnh ra khắp vùng và lan rộng vào đất Nghệ An. Từ đó, tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc khởi nghĩa, làm nên những thắng lợi to lớn cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thế kỷ XV. Đồng thời, khẳng định vai trò quan trọng của đất và người xứ Thanh trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước.
Bài và ảnh: Thùy Linh
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Anh hùng dân tộc Lê Lợi và Nhân dân Thanh Hóa với khởi nghĩa Lam Sơn”; sách “Khởi nghĩa Lam Sơn” của Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn).