Với mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục năng động, sáng tạo, những năm gần đây, các trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình thư viện xanh nhằm khuyến khích học sinh đọc sách và học tập. Từ đó, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, tự tìm hiểu và phân tích thông tin. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Mô hình thư viện xanh tại Trường Tiểu học Xuân Lập (Thọ Xuân).
Xuất phát từ ý tưởng tạo điểm nhấn về cảnh quan sư phạm, giúp các em học sinh có một sân chơi bổ ích sau giờ học căng thẳng, đồng thời phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, tháng 9-2022, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP Thanh Hóa) khai trương và đưa vào sử dụng thư viện xanh với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Khu nhà thư viện xanh được xây dựng theo không gian mở, thân thiện, hài hòa với thiên nhiên. Bên trong thiết kế đơn giản với hệ thống mái che, bàn ghế, giá sách và trên 1.000 đầu sách. Đặc biệt, để tạo không gian ấn tượng, tại các góc của thư viện được bố trí giỏ hoa, chậu cây xanh, trang trí, kẻ vẽ những bức họa vui nhộn, bắt mắt, tạo không gian thân thiện với môi trường, giúp giảm căng thẳng, kích thích nhu cầu đọc cho học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường đã bố trí nhân viên hướng dẫn các em học sinh thực hiện đúng quy định, giữ gìn thư viện xanh – sạch – đẹp.
Cô giáo Dương Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Để bổ sung phong phú đầu sách và duy trì hoạt động của thư viện xanh, nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, phát động đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia quyên góp sách. Ngoài khoảng thời gian đọc sách của học sinh (giờ ra chơi, đầu giờ vào lớp hoặc tan học), nhà trường còn bố trí các tiết học linh hoạt, sinh hoạt tập thể nhằm khuyến khích học sinh tham gia đọc sách. Đặc biệt, nhà trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi kể chuyện, kể chuyện bằng tranh, kể chuyện theo chủ đề… góp phần rèn kỹ năng đọc, nghe, nói và giúp học sinh ôn bài tốt, rèn chữ đẹp, viết văn hay. Đồng thời, xây dựng nội quy, sắp xếp thời khóa biểu cho hoạt động tại thư viện của từng lớp học cụ thể, bảo đảm tất cả học sinh đều được đọc sách và tham gia hoạt động tại thư viện. Hằng tuần, có thay đổi các đầu sách theo từng chủ đề cụ thể kết hợp với đa dạng các loại sách trưng bày phù hợp với từng lứa tuổi để tạo hứng thú, thu hút nhiều hơn các em học sinh tự giác đến với văn hóa đọc.
Đến Trường Tiểu học Xuân Lập (Thọ Xuân) vào giờ ra chơi, sẽ bắt gặp những hình ảnh từng tốp học sinh ngồi đọc sách báo tại khuôn viên thư viện xanh của trường; từng nhóm học sinh vừa đọc vừa trao đổi kiến thức với nhau rất vui vẻ, thoải mái. Em Trần Thảo Chi, học sinh lớp 4D, chia sẻ: “Em rất thích đọc sách, báo, vì thế, thư viện xanh thực sự là người bạn lớn của em. Nhất là khi được đọc sách ở sân trường thoáng đãng, mát mẻ như thế này, em thấy càng dễ nhập tâm, ghi nhớ hơn”.
Bước chân vào thư viện xanh tại Trường Tiểu học Xuân Lập, dễ dàng cảm nhận được không gian mở, gần gũi, thân thiện nơi đây. Khuôn viên thư viện là những bức tranh, những dòng chữ sinh động thể hiện nội dung theo từng chủ đề của góc đọc thư viện, cùng với đó là những giá sách nhỏ xinh với đầy đủ các loại sách, tài liệu phục vụ học sinh tham khảo, học tập. Nền nhà được lót bằng thảm cỏ nhân tạo mềm mại. Bàn đọc sách được làm từ những lốp xe ô tô cũ tạo cảm giác ngồi đọc sách thoải mái, thân thiện với thiên nhiên… Ngoài chức năng phục vụ đọc sách, mô hình thư viện thân thiện của trường còn tạo điều kiện để học sinh phát triển năng lực của bản thân một cách tự nhiên.
Hưởng ứng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng môi trường sư phạm xanh – sạch – đẹp – an toàn; được sự hưởng ứng của cán bộ, giáo viên, sự ủng hộ của bậc phụ huynh, năm 2021, mô hình thư viện xanh tại Trường Tiểu học Quảng Hải (Quảng Xương) đã được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 150m2. Thư viện được bố trí hài hòa, hợp mỹ quan, gần gũi, thân thiện với thiên nhiên. Bên trong thiết kế đơn giản với các tủ đựng sách, báo được sắp xếp ngay ngắn ở các vị trí dễ nhận biết, thuận tiện cho việc đọc của các em học sinh. Đến nay, thư viện xanh của nhà trường có gần 16.000 bản sách, với nhiều thể loại khác nhau như sách tham khảo về kiến thức học tập, các loại truyện tranh thiếu nhi, câu đố, truyện cười, truyện cổ tích… Không những tạo hứng thú đọc sách cho học sinh, mô hình còn góp phần phát triển văn hóa đọc trong môi trường học đường, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tiếp cận với sách, báo, rèn luyện thói quen đọc sách để tiếp thu, trau dồi tri thức.
Những năm gần đây, việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc đang là một trong những hoạt động trọng tâm của nhiều nhà trường nhằm rèn luyện năng lực tự học, đọc, chủ động, giúp học sinh phát triển và mở rộng kiến thức. Đến nay, thư viện các trường trên toàn tỉnh có tới hàng chục triệu bản sách, báo, tài liệu tham khảo; trong đó truyện đọc, sách báo dành cho học sinh chiếm từ 40 – 60%. Ngoài thư viện chung, các nhà trường cũng khuyến khích các lớp xây dựng tủ sách nhỏ, thân thiện ngay trong lớp học giúp mỗi học sinh dễ dàng và chủ động lựa chọn thời gian đọc sách trong những lúc rảnh rỗi. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng văn hóa đọc, các thầy cô đã hướng dẫn cho học sinh cách chọn lựa đầu sách hay, những cuốn sách bổ ích, trang bị nhiều kiến thức cần thiết trong cuộc sống cũng như trong học tập…
Các hoạt động đọc sách tại thư viện xanh trong các trường học đã mang lại niềm vui, sự sáng tạo, nuôi dưỡng sự thân thiện giữa thầy và trò, giữa lớp với lớp. Đọc sách giúp các em được tiếp thu những kiến thức mới, vừa được học, vừa được chơi, vừa được thư giãn sau những giờ học căng thẳng ngay tại trường học. Đặc biệt việc đọc sách chủ động còn giúp các em phát triển một cách toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, về năng lực, phẩm chất, tâm hồn và nhân cách, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tại các nhà trường.
Bài và ảnh: Trần Hằng