Với một quốc gia có thể vượt qua lịch sử giao tranh và thống nhất đất nước, bầu trời sẽ là giới hạn cho những gì quốc gia ấy có thể đạt được! (nhận định của cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak về Việt Nam).
Thành phố Thanh Hóa nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Hiếu
Trong cuốn biên niên sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam, phần lớn số chương đã dành để ghi lại các cuộc tranh đấu sống còn cho quyền tự quyết, cho hòa bình, độc lập, tự do. Bắt đầu từ thời đại các vua Hùng dựng nước, đến Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa “đền nợ nước, trả thù nhà” hay ước vọng của Triệu Thị Trinh “đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn”… thì khát vọng độc lập đã được hun đúc và nhân lên đầy mạnh mẽ. Để rồi, khát vọng ấy càng được khảng khái khẳng định qua các “tuyên ngôn” trong “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Hay trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi đã chỉ ra: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc, Nam cũng khác/ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”…
Có thể khẳng định, trong mỗi chương lịch sử vốn thấm đẫm máu và mồ hôi, vẫn luôn ánh lên tinh thần yêu nước, ý chí và khát vọng phát triển quốc gia – dân tộc: phải bước qua nghèo nàn, lạc hậu để vươn tới giàu mạnh, văn minh. Thậm chí, khát vọng ấy đã trở thành giá trị truyền thống, thành lẽ sống và sức mạnh Việt Nam, đã thấm rất sâu vào lương tri và phẩm giá, để thắp lên trong mỗi trái tim yêu nước một ngọn lửa Đanko của niềm tin, niềm tự hào và trách nhiệm đối với Tổ quốc. Có lẽ vì thế mà ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước, trong trái tim lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chất chứa khát vọng lớn lao và cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Cũng chính khát vọng ấy đã dẫn dắt Người đi qua 30 năm bôn ba, đến khi lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được vô vàn thắng lợi vẻ vang.
Đặc biệt, trong giai đoạn vận động giải phóng dân tộc, lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến việc động viên lực lượng của toàn dân, có dân là có tất cả. Khi thời cơ cách mạng chín muồi (tháng 8-1945), trong Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa trong cả nước, Người nêu rõ: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”. Sức mạnh toàn dân được huy động tối đa, đã tạo nên một cơn bão táp cách mạng, tạo nên thắng lợi vĩ đại của cuộc tổng khởi nghĩa mùa thu lịch sử.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là lãnh tụ Hồ Chí Minh, dân tộc ta, Nhân dân ta vùng lên phá tan gông xiềng nô lệ hơn 80 năm dưới chế độ thực dân và xóa bỏ chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm. Từ đó, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đồng thời, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân và Nhân dân lao động, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Do đó, khi nước nhà độc lập, khát vọng ấm no, hạnh phúc của Nhân dân trở thành động lực và mục tiêu hành động của toàn Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ (ngày 3-9-1945), Người đã nêu lên những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền lúc bấy giờ là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Nói cách khác, đó là tập trung giải quyết hai vấn đề trọng yếu: phục hồi và phát triển nội lực đất nước; đối ngoại linh hoạt tránh nguy cơ ngoại xâm, kéo dài thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến.
Trải qua mấy chục mùa thu đổi mới, Tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng xây và phát triển đất nước vẫn là kim chỉ nam để dẫn dắt Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: “Động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Với dân tộc Việt Nam, tinh thần yêu nước vốn dĩ đã trở thành một chuẩn mực điều chỉnh suy nghĩ, hành vi con người; đồng thời, được đúc kết để trở thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Còn ý chí tự lực, tự cường luôn gắn với quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc, là “nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”; là chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Trong khi đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở, là sức mạnh giúp dân tộc sẵn sàng đương đầu với những kẻ thù hùng mạnh nhất và đi đến thắng lợi cuối cùng… Tất cả những yếu tố ấy chính là nền tảng để hướng đến mục tiêu chung vì sự giàu mạnh, cường thịnh và trường tồn của quốc gia – dân tộc.
Song muốn khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, có nhận định cho rằng, phải dựa trên sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và dựa trên “4 kiên trì”. Đó là: Kiên trì Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên trì độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; kiên trì đường lối đổi mới toàn diện, đúng đắn của Đảng; kiên trì các nguyên tắc xây dựng Đảng. Bởi nếu không có những điểm tựa ấy, thì sẽ mất nguồn động lực, mất phương hướng, thiếu cơ sở khoa học và tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng phát triển khó có thể được khơi dậy và phát huy một cách mạnh mẽ và hiệu quả. Đó cũng là bài học cần được nằm lòng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, giữa bối cảnh thế giới “tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường” như hiện nay.
Một góc Khu kinh tế Nghi Sơn. Ảnh: Minh Hiếu
Hôm nay, thả mình dưới bầu trời xanh hòa bình; hít thở bầu không khí tự do trải khắp vạn nẻo quê hương; sướng vui vì trái tim trong lồng ngực đang đập những nhịp hào sảng nhất của ngày thu độc lập, ngày thu Quốc khánh. Đồng thời, giữa vô vàn những bất ổn, căng thẳng, xung đột đang diễn ra trên thế giới, chúng ta càng thêm thấm thía sự tàn khốc của chiến tranh. Đó là xương máu, mất mát, đau thương, là đói nghèo, lạc hậu, là mất quyền tự chủ, quyền tự quyết dân tộc… Để rồi, càng thêm trân quý giá trị của hòa bình; càng thêm quyết tâm tranh đấu cho độc lập đích thực, cho tự do chân chính; càng thêm trách nhiệm cùng nỗ lực bảo vệ và dựng xây cơ đồ quốc gia – dân tộc ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Và như một nhận định rất hay của cựu thủ tướng Israel Ehud Barak, rằng với một quốc gia có thể vượt qua lịch sử giao tranh và thống nhất đất nước, bầu trời sẽ là giới hạn cho những gì quốc gia ấy có thể đạt được. Kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử hào hùng và tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí tự lực, tự cường được cha ông ta hun đúc qua dặm dài lịch sử, ngày nay chúng ta đã có được điểm tựa vững chãi để vững tin viết tiếp một chương mới đầy rực rỡ vào cuốn biên niên sử hào hùng của dân tộc ta mang tên “Thời đại Hồ Chí Minh”.
….
Mùa thu vốn dĩ là một sự dịch chuyển mùa của tự nhiên. Nó giống như một “ấn kí” mà tạo hóa đánh dấu lên khung thời gian vốn chảy trôi vô tận. Đồng thời, trong quy luật vận hành của tự nhiên, sự xuất hiện của mùa thu được ví như là sự phản ánh của thành quả được gặt hái sau quãng thời gian gieo mầm từ mùa xuân. Từ quy luật ấy soi vào giai đoạn lịch sử chỉ vỏn vẹn 15 năm – kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trong mùa xuân 1930, đến cuộc cách mạng mùa thu Tháng Tám 1945, để thấy sự gặp gỡ hoàn hảo giữa quy luật tạo hóa với quy luật lịch sử: Rằng “gieo nhân tốt ắt gặt quả lành”. Để rồi mùa thu với dân tộc Việt Nam đã trở thành mùa của chiến đấu và chiến thắng; mùa của mồ hôi lao động thấm xuống từng thớ đất, để hun đúc và thôi thúc khát vọng vươn lên chạm tới giá trị đích thực của phồn vinh, hạnh phúc!
Lê Dung