Thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đầu tư, làm mới hệ thống thư viện, bổ sung làm phong phú thêm các đầu sách và tích cực triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa như ngày hội đọc sách, các cuộc thi vẽ tranh, tìm hiểu về sách… đến đông đảo học sinh và thanh thiếu nhi. Từ đó, góp phần nuôi dưỡng và lan tỏa niềm đam mê đọc sách trong các em.
Học sinh đọc sách tại Thư viện xanh, Trường Tiểu học Vạn Hòa (Nông Cống).
Đến Trường Tiểu học Vạn Hòa (Nông Cống), chúng tôi khá ấn tượng với việc xây dựng thư viện ngoài trời, không gian đọc sách mở sinh động và hấp dẫn. Các loại sách được sắp xếp khoa học, gọn gàng để các em có thể dễ dàng lựa chọn.
Thầy giáo Phạm Hữu Long, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Từ nhiều năm nay nhà trường đã linh hoạt, sáng tạo xây dựng không gian thư viện xanh, gần gũi, hấp dẫn các em học sinh. Các loại sách tại thư viện đều được phân loại theo từng danh mục và sắp xếp theo từng tủ riêng như sách tham khảo, sách nâng cao, truyện tranh… để các em dễ dàng lựa chọn và tìm kiếm. Hằng năm, để làm phong phú thêm các đầu sách, nhà trường đã trích nguồn quỹ để lên kế hoạch bổ sung sách phù hợp với chương trình dạy và học. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phát động đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia quyên góp sách. Cùng với đó, để phục vụ cho việc truy cập mạng xã hội của học sinh nhà trường đã lắp đặt máy vi tính có kết nối internet tại thư viện.
Em Đỗ Trần Tâm Đan, học sinh lớp 5A cho biết: Em rất thích thư viện của trường, bởi ở đây có không gian thoáng, rộng rãi, các loại sách cũng rất đa dạng và được sắp xếp ngăn nắp theo từng chủ đề nên em có thể dễ dàng tìm kiếm cuốn sách mà mình cần. Ngoài đọc sách, đến đây em còn có thể vẽ tranh, chơi trò chơi về sách cùng cô giáo và các bạn tại thư viện. Em thấy việc đọc sách thật bổ ích, ý nghĩa vừa được giải trí, vừa được bổ sung thêm nhiều kiến thức, nâng cao hiểu biết, phục vụ cho việc học tập. Bởi vậy, em mong rằng, thư viện xanh ở trường sẽ ngày càng được mở rộng và bổ sung thêm nhiều đầu sách hơn nữa đáp ứng nhu cầu đọc sách của chúng em.
Tại Trường THCS Quảng Yên (Quảng Xương), thầy giáo Lê Trí Khải, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Thư viện nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng văn hóa đọc cho học sinh, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Bởi vậy, ngoài việc bổ sung đa dạng các đầu sách và phát triển hệ thống thư viện điện tử phục vụ cho việc tra cứu của học sinh, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, hướng dẫn học sinh đọc, lựa chọn những loại sách, truyện hay phù hợp với lứa tuổi. Khuyến khích học sinh đọc và trao đổi sách giữa các lớp, các khối. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi như kể chuyện, thi đọc và làm theo sách, ngày hội đọc sách… Nhờ đó, phong trào đọc sách trong giáo viên và học sinh của nhà trường ngày càng lan tỏa, phát triển sâu rộng.
Ngoài hệ thống thư viện trong các trường học, các thư viện cấp xã, cấp huyện và Thư viện tỉnh cũng đã và đang góp phần khơi dậy, và thúc đẩy niềm đam mê đọc sách trong thanh, thiếu nhi. Tại Thư viện tỉnh những năm qua đã quan tâm xây dựng phòng đọc sách thiếu nhi và thường xuyên mở cửa phục vụ bạn đọc. Tại phòng đọc, cơ sở vật chất được trang bị khá đầy đủ từ máy điều hòa nhiệt độ, thảm ngồi, nước uống… phục vụ các độc giả nhí.
Để khơi mở niềm yêu thích của các em dành cho sách, Thư viện tỉnh luôn chú trọng việc lựa chọn danh mục, xem xét nội dung sách như các loại truyện tranh, giáo dục kỹ năng sống, khoa học, khởi nghiệp… phù hợp với lứa tuổi để bổ sung vào tủ sách. Ngoài ra, vào dịp cuối tuần, Thư viện tỉnh còn có các hoạt động sáng tạo, giúp các em thêm yêu và trân quý sách, như tổ chức cuộc thi vẽ tranh, kể chuyện về những cuốn sách em yêu thích; tặng sách cho bạn đọc tích cực của thư viện; giới thiệu những cuốn sách mới, sách bổ ích… Cùng với đó, thư viện đã tổ chức các hoạt động Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Thanh Hóa, Ngày sách lưu động tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2023 Thư viện tỉnh đã tổ chức phục vụ 53 điểm xe ô tô thư viện lưu động đến các trường tiểu học, THCS, luân chuyển sách về 51 điểm trường, thư viện xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Bằng những cách làm sáng tạo linh hoạt của các trường học, các thư viện trên địa bàn tỉnh đã góp phần phát triển sâu rộng văn hóa trong thanh thiếu nhi, từ đó thúc đẩy việc xây dựng và hình thành xã hội học tập.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt