Từ một vùng đồi dốc xa dân cư lại không điện, không đường, không nguồn nước, gia đình bà Lê Thị Nga ở thôn Đồng Toàn, xã Hà Long đã từng bước cải tạo, hình thành khu sản xuất trù phú. Không chỉ khơi dậy được quỹ đất đồi, đây còn là một trong những mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình của huyện Hà Trung, tạo việc làm cho từ 5 đến 12 lao động địa phương.
Nhiều đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình kinh tế vườn đồi của gia đình bà Lê Thị Nga ở thôn Đồng Toàn, xã Hà Long (Hà Trung).
Hơn cây số quanh co theo các chân đồi và những rừng cây um tùm, chúng tôi mới đến được khu đất sản xuất của gia đình bà Lê Thị Nga. Nằm khuất sau những rặng đồi và bên kia là dãy núi Dương Lăng, nơi đây từng là khu đất hẻo lánh nhất nhì ở xã Hà Long bởi gần chục năm trước chỉ có đường mòn. Từ xa, có thể nhìn thấy phía trên triền dốc là bạt ngàn những cây ổi được trồng theo hàng lối chạy dài tít tắp. Tuy là đồi dốc, nhưng gia đình bà đã đổ bê tông các tuyến đường ngang dọc để các loại xe cơ giới và máy móc đi lại dễ dàng trong khu sản xuất.
Với tổng diện tích 5ha đất đồi được giao thầu 50 năm, trước đây gia đình bà chỉ trồng mía và dứa. Khoảng 7 đến 10 năm trước, giá cả 2 cây trồng chủ lực này bấp bênh, nên gia đình quyết tâm chuyển đổi thành trang trại trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi. Năm 2015 được coi là dấu mốc mới, bắt đầu hành trình cải tạo công phu và gian khổ của gia đình bà.
Từ tiền tích lũy và vay mượn, bà cho mở cả km đường mòn thành đường lớn, xe tải vào ra thuận lợi. Vấn đề tối quan trọng là nguồn nước sản xuất, bà phải thuê thợ khoan thăm dò sâu xuống lòng đất 6 điểm, tìm được 3 vị trí có nước để xây dựng các giếng bơm. Rồi đường điện sản xuất, các khu nhà tạm để ở dần hình thành. Cùng với đó, 1.000 cây ổi lê Đài Loan, 800 cây cam Vinh, gần 1.000 cây bưởi da xanh và bưởi Diễn, 500 cây mít được trồng phủ xanh các quả đồi. Trong quá trình phát triển, gia đình vẫn duy trì cây dứa ở một số diện tích còn trống và trồng xen dưới cây ăn quả chưa khép tán để lấy ngắn nuôi dài.
Từ năm 2016, gia đình bà phát triển thêm mảng chăn nuôi với quy mô 1.500 gà thịt mỗi lứa, đến năm 2017 phát triển lên 2.500 con mỗi lứa. Nuôi gà thành công với thu nhập lớn, gia đình tiếp tục đầu tư 3 khu chuồng trại nuôi lợn, có thể nuôi hết công suất 120 con lợn cùng lúc. Để chủ động nguồn nước cho chăn nuôi và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây, có tới 6 bể chứa lớn được gia chủ lần lượt xây dựng trên các vị trí đỉnh đồi với khoản tiền đầu tư hàng trăm triệu đồng.
Những năm gần đây, trang trại tiếp tục phát triển diện tích bơ, hồng xiêm và nhãn Hưng Yên, đến nay đều đã cho quả. Nhiều loại cây trồng nên mùa nào thức ấy, gia đình có thu hoạch quanh năm. Đây cũng là giải pháp tránh được tình trạng “được mùa mất giá” khi quá lệ thuộc vào một giống cây trồng.
“Vợ chồng tôi đã đi nhiều tỉnh như Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ, Hưng Yên, thậm chí vào tận Đắk Lắk để học tập kinh nghiệm trồng cây ăn quả cho thu nhập cao. Bài học rút ra là phải áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật và quy trình sản xuất an toàn. Nay chúng tôi gần như không dùng phân bón hóa học, mà dùng nguồn chất thải chăn nuôi, dùng ngô xay và đậu tương nghiền nhỏ để ngâm ủ bón cho cây. Đó cũng chính là yếu tố khiến trái cây ngon ngọt, thanh mát, được nhiều thương lái lựa chọn” – bà Nga chia sẻ.
Cũng theo bà Nga, từ năm 2020 đến nay, giá trái cây duy trì ổn định tại vườn, như cam khoảng 18 nghìn đồng/kg, bưởi da xanh khoảng 35 nghìn đồng/kg, bơ và hồng xiêm khoảng 20 nghìn đồng/kg… Ít năm gần đây, gia đình bà có lợi nhuận từ 1 – 1,4 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 6 – 7 lao động lúc cao điểm thu hái với thu nhập 250 nghìn đồng/ngày công/người.
Một khu sản xuất hiệu quả, phát triển theo hướng kinh tế xanh, thân thiện môi trường được gây dựng nhờ sự năng động và cần cù. Thời gian gần đây, nhiều đoàn tham quan trong và ngoài huyện thường xuyên được giới thiệu đến đây tìm hiểu, học tập kinh nghiệm.
Bài và ảnh: Linh Trường